9 điều nhà quản trị thành công không bao giờ làm

Bí quyết của nhà quản trị thành công là gì? Thực sự chẳng có công thức kỳ diệu nào cả. Mặc dù vậy, bạn sẽ tìm thấy một vài phẩm chất chung mà các nhà quản lý giỏi nhất trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng có.

9 điều nhà quản trị thành công không bao giờ làm

Một phần lớn thành công đến từ sự bền bỉ khi đối mặt với những thất bại và khó khăn. Những nhà quản lý thành công nhất thế giới có khả năng kỳ lạ để cải thiện và phục hồi khi mọi thứ không theo kế hoạch.

Ngoài những phẩm chất lãnh đạo phổ biến được chia sẻ, còn có một danh sách những điều mà nhà quản lý thành công sẽ không bao giờ làm. Nếu tránh được những thói quen xấu này, bạn sẽ trở thành một nhà lãnh đạo giỏi hơn và đạt được thành công nhanh hơn.

Không lắng nghe đầy đủ

Nếu một nhà quản lý không sẵn sàng lắng nghe đầy đủ, chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều vấn đề. Nhiều người tự tin về khả năng không thể sai lầm của họ đến nỗi họ không bao giờ thực sự lắng nghe. Họ cũng có thể giả vờ lắng nghe dẫn đến việc đánh giá sớm và đưa ra quyết định không hiệu quả. Kết quả là họ đánh mất lòng tin và lòng trung thành của nhân viên.

Trong khi đó, các nhà quản trị thành công sẽ lắng nghe với sự đồng cảm. Họ cũng sẵn sàng trả lời các câu hỏi, làm rõ các vấn đề và phản hồi phù hợp.

Ngủ quên trên chiến thắng

Nhiều nhà quản lý dường như hài lòng với việc đạt được thành công và thong thả nghỉ ngơi khi đã đạt được các mục tiêu nhất định.

“Chất độc” nguy hiểm nhất là cảm giác đạt được thành tựu và “thuốc giải độc” là mỗi tối hãy nghĩ xem ngày mai có thể làm gì tốt hơn. Nhà quản lý thông minh biết rằng phấn đấu đạt được kết quả tốt hơn luôn là chìa khóa để thành công lâu dài.

Không biết cách giao tiếp

Nhiều nhà quản lý thất bại trong việc truyền cảm hứng cho nhân viên. Họ thiếu kỹ năng truyền đạt tầm nhìn, chính sách và chiến lược của công ty cho nhân viên, kết quả là nhân viên sẽ không làm việc hiệu quả.

Ngược lại, các nhà quản trị thành công luôn dành thời gian để sắp xếp những gì họ cần giao tiếp và tìm ra cách tốt nhất để thực hiện điều đó. Họ biết rằng khoảng thời gian này được chi tiêu hợp lý sẽ mang lại kết quả xứng đáng về lâu dài. Chắc chắn, họ cũng nhận ra tiềm năng của nhiều nền tảng truyền thông để tối đa hóa việc giao tiếp.

Không biết cách ủy quyền

Khi các nhà quản lý không biết điểm mạnh và kỹ năng của từng thành viên trong nhóm, họ sẽ thấy rằng thực tế là không thể ủy quyền.

Đánh giá đúng khả năng của mỗi thành viên là chìa khóa để ủy quyền thành công. Đồng thời nhân viên cũng cảm thấy được đóng góp và có giá trị.

Nhìn nhận thất bại một cách tiêu cực

Các nhà quản lý thiếu động lực thường sợ hãi những trở ngại và điều này rất có thể làm trì hoãn các quyết định và ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch hành động của họ.

Đối phó với những thất bại và trở ngại không còn xa lạ với một nhà quản trị thành công. Họ khuyến khích nhân viên chấp nhận thử thách và vượt qua nỗi thất vọng. Họ không bao giờ đổ lỗi, kể cả với bản thân hay nhân viên cấp dưới.

Không có trí tuệ cảm xúc

Nhiều nhà quản lý không nhận ra được thiệt hại do không thể kiểm soát được cảm xúc của mình. Họ lớn tiếng và chỉ trích mọi người một cách công khai cũng như không hề cố gắng che đậy những cảm xúc tiêu cực và có hại. Kết quả là tinh thần của nhân viên giảm mạnh và nơi làm việc bị bao trùm bởi một bầu không khí sợ hãi.

Trái lại, các nhà quản lý thành công biết cách kiểm soát cảm xúc của mình và họ bình tĩnh trong khủng hoảng. Họ cũng nhận thức được tâm trạng và cảm xúc của nhân viên khi đối mặt với những thất bại và biết cách khen ngợi, động viên họ, dù mọi việc diễn ra tốt đẹp hay xấu đi. Đây là bầu không khí mà động lực sẽ phát triển mạnh mẽ và tinh thần làm việc tích cực sẽ tăng cao. Học cách giải quyết xung đột và cải thiện giao tiếp sẽ giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ. Bạn chỉ có thể làm điều đó bằng cách thông minh về mặt cảm xúc.

Không thấy giá trị của việc phản hồi

Mọi người đều khao khát được khen ngợi và công nhận sau một công việc đòi hỏi nỗ lực, suy nghĩ, cống hiến và kiên nhẫn. Những nhà quản lý kém có xu hướng không bận tâm đến việc đưa ra các phản hồi mang tính xây dựng.

Các nhà quản lý giỏi nhất biết khi nào nhân viên của họ cần giúp đỡ và họ sẽ quan tâm cũng đưa ra những lời khuyến khích cần thiết để thành công. Nếu được thực hiện một cách hữu ích, việc phản hồi tích cực có thể biến một nhân viên tầm thường thành một nhân viên có hiệu suất cao.

Không sáng tạo

Các nhà quản lý kém có xu hướng quản lý vi mô và giám sát từng chi tiết nhỏ. Điều này kìm hãm sự sáng tạo trong nhân viên của họ.

Các nhà quản trị thành công biết họ có thể giao cho nhân viên của mình bao nhiêu thời gian và trách nhiệm mà không bao giờ phải giám sát và theo dõi sát sao. Kết quả sẽ tự nói lên và nhân viên sẽ tôn trọng bạn vì sự tin cậy mà bạn đã trao cho họ.

Không tìm kiếm lời khuyên

Những nhà quản lý yếu kém luôn muốn thể hiện rằng họ biết nhiều và họ hoàn thành công việc tốt như thế nào. Điều này có nghĩa là, trên thực tế, họ hiếm khi tìm kiếm lời khuyên của đồng nghiệp hoặc nhân viên.

Theo bản năng, các nhà quản trị thành công biết rằng nhân viên của họ có thể là nguồn cảm hứng, ý tưởng, thậm chí là lời khuyên đúng đắn và họ biết rằng họ cũng cần phải học hỏi nhiều hơn.

Huỳnh Trâm - CareerLink

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM