Lựa chọn mô hình văn hóa doanh nghiệp nào phù hợp với tổ chức của bạn?

Theo nghiên cứu của Harvard Business Review, các công ty có văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ có mức tăng trưởng doanh thu gấp 4 lần so với những công ty có văn hóa doanh nghiệp yếu. Ngoài ra đội nhóm có ý thức mạnh mẽ về mục đích và giá trị chung có hiệu suất tăng 17% so với các nhóm không có ý thức rõ ràng. Chính vì vậy việc xây dựng mô hình văn hóa doanh nghiệp là đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa giúp doanh nghiệp phát triển mọi mặt.

Vậy có những mô hình nào và đâu là sự lựa chọn phù hợp với tổ chức của bạn. Theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm chi tiết!

Văn hóa doanh nghiệp là gì?

Văn hóa doanh nghiệp được hiểu là tập hợp mọi giá trị, chuẩn mực về hành vi, niềm tin, cách nhận thức, phương pháp tư duy mà tất cả thành viên công ty cùng công nhận, hành động như thói quen tại nơi làm việc.

Một công ty xây dựng được văn hóa doanh nghiệp thành công là trong những trường hợp, tình huống cụ thể các thành viên sẽ đưa ra quyết định, cách làm giống nhau rằng họ sẽ hành động như thế nào. 

Khi tất cả cùng hành động giống nhau thì sự xung đột sẽ giảm thiểu và niềm tin lẫn nhau, vào tổ chức sẽ được tăng cao. Đồng thời, hành động giống nhau sẽ tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và một lần nữa củng cố sự chắc chắn khi tập thể ra quyết định. Chính những điều đơn giản ấy lại mang lại sức mạnh to lớn cho bất kỳ doanh nghiệp nào, không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững mà còn tạo ra sự bứt phá trong tương lai. 

Theo Giáo sư James L. Heskett (giáo sư về Kinh doanh Logistics) từng nói rằng: “Văn hóa doanh nghiệp có thể chiếm 20-30% về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp".

Mô hình văn hóa doanh nghiệp nào phổ biến tại Việt Nam? 

Trên thế giới đưa ra rất nhiều khái niệm mô hình văn hóa doanh nghiệp như văn hóa gia đình, văn hóa sáng tạo, văn hóa phân cấp, văn hóa thị trường, văn hóa tên lửa dẫn đường, văn hóa lò ấp trứng, văn hóa tháp Eiffel… Tuy nhiên tại Việt Nam, các doanh nghiệp thường lựa chọn những mô hình dưới đây để xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bạn có thể tham khảo: 

1. Mô hình văn hóa doanh nghiệp gia đình

Mô hình văn hóa doanh nghiệp gia đình được các doanh nghiệp tập trung vào sự đồng thuận và thúc đẩy hoạt động làm việc nhóm của nhân viên. Hơn nữa, mối quan hệ giữa các thành viên trong công ty khá gần gũi, thân thuộc và cả mối quan hệ giữa lãnh đạo với gia đình của nhân viên cũng rất nhân văn. 

Đặc điểm chính của mô hình này là có tính khép kín, tổ chức theo cảm tính, cảm xúc của người đứng đầu mà đôi khi không theo một quy tắc nhất định nào. Vì vậy, người lãnh đạo có trách nhiệm chính trong việc chăm lo cho toàn bộ nhân viên và thứ họ cần nhất chính là sự trung thành và nghe lời. Với mô hình này, người lớn tuổi và giàu kinh nghiệm sẽ được nắm giữ những vị trí quản lý và có quyền nhất định trong tổ chức.

Ví dụ như các công ty tại Nhật Bản sẽ quản trị bằng cách có những chính sách quan tâm đến đời sống và gia đình của nhân viên như tìm chỗ ở, hỗ trợ con cái được đến trường, đích thân lãnh đạo đến thăm bố mẹ của nhân viên khi họ bị ốm. Bởi lãnh đạo tin rằng nếu họ càng quan tâm chân thành đến gia đình của nhân viên thì nhân viên lại càng mong muốn cống hiến và trung thành với công ty. 

Đây chính là ưu điểm của mô hình này, sự gắn kết được đánh giá cao nhưng ngược lại, nếu làm việc theo tình cảm sẽ kìm hãm sự phát triển và sáng tạo của mỗi cá nhân. 

Văn hóa doanh nghiệp gia đình
Văn hóa doanh nghiệp gia đình

2. Mô hình văn hóa doanh nghiệp thị trường

Đây là một trong những mô hình văn hóa doanh nghiệp phổ biến nhất và quyết liệt nhất hiện nay.  Đây là mô hình mà các tổ chức hoặc doanh nghiệp sẽ chủ yếu tập trung vào việc tạo ra giá trị và cạnh tranh mạnh mẽ để đạt được ưu thế, vị thế trong lĩnh vực kinh doanh của họ. Vì vậy, lãnh đạo sẽ thường xuyên theo dõi và giám sát hiệu quả làm việc của nhân viên để biết được họ có đang làm việc hay không và làm như thế nào để tiến gần với mục tiêu đặt ra trước đó. 

Một số đặc điểm nổi bật của văn hóa thị trường là:

  • Văn hóa thị trường cần sự ổn định thì mới có thể vận hành được nên sẽ phổ biến với những công ty lâu năm hoặc các công ty lớn. 
  • Sự tập trung chính của văn hóa thị trường là sẽ tập trung vào kết quả kinh doanh và cạnh tranh với đối thủ. 
  • Mô hình này sẽ tập trung vào thị trường và khách hàng, doanh nghiệp sẽ luôn nỗ lực để đáp ứng nhu cầu khách hàng và duy trì danh tiếng trên thị trường. 
  • Áp lực là điều không thể thiếu trong văn hóa này, nhân viên thường phải làm việc trong môi trường áp lực cao để đảm bảo hiệu suất. Tuy nhiên, nếu nghĩ theo hướng tích cực thì “áp lực tạo ra kim cương”, nhân viên sẽ được thử sức và phát triển bản thân ngày càng giỏi hơn. Đồng thời tạo ra những giá trị góp phần vào sự thành công của tổ chức

Với những đặc điểm như vậy, mô hình văn hóa doanh nghiệp này có thể khiến cho nhân viên liên tục gặp phải tình trạng kiệt sức, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của họ. Điều cần làm là tổ chức cần có những chính sách phúc lợi xứng đáng và nâng cao tinh thần của nhân viên. 

Văn hóa doanh nghiệp thị trường
Văn hóa doanh nghiệp thị trường

3. Mô hình văn hóa doanh nghiệp của Edgar Schein

Đây là mô hình văn hóa doanh nghiệp được phát triển bởi Edger Schein - cựu giáo nổi tiếng tại Trường Quản lý MIT Sloan (Mỹ) vào năm 1980. Ở mô hình này, ông đã chỉ ra những bước nên tiến hành để mang lại những giá trị tích cực cho doanh nghiệp. 

Mô hình này đã chỉ ra rằng trong 1 tổ chức sẽ có các cơ chế vận hành bao gồm 3 yếu tố với những cấp bậc khác nhau: quan niệm nền tảng - ngầm định, các giá trị được đồng thuận - tuyên bố, “tạo tác” và các hành vi - hữu hình. 

Quan niệm nền tảng - ngầm định

Quan niệm nền tảng - ngầm định là cấp bậc cao nhất của văn hóa doanh nghiệp, đây chính là niềm tin, nhận thức mặc định đối với tất cả các thành viên của doanh nghiệp. Đây chính là giá trị ăn sâu vào tiềm thức mỗi nhân viên, nó quyết định và chi phối toàn bộ văn hóa doanh nghiệp. 

Tại Vinamilk, có 6 nguyên tắc văn hóa tối thượng của tất cả mọi người mà ai cũng phải tuân theo từ bác bảo vệ đến Tổng giám đốc đều phải áp dụng, đó là:

  1. Khi sự việc xảy ra thì nguyên nhất chính là tôi.
  2. Người lớn không cần người lớn hơn giám sát. 
  3. Lời nói của tôi chính là tôi. 
  4. Hãy nói chuyện với nhau bằng lượng hóa. 
  5. Đừng nói không luôn tìm kiếm 2 giải pháp. 
  6. Tôi là chuyên gia theo tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực của chính tôi. 

Các giá trị được đồng thuận - tuyên bố

Các giá trị đồng thuận - tuyên bố thường được thể hiện qua: giá trị cốt lõi, bộ quy tắc chung, các quy định được ban hành, tầm nhìn, sứ mệnh,... 

Ví dụ như tại Công ty Công nghệ HPL, tất cả mọi người đều tuân theo 6 giá trị cốt lõi đã được đưa ra từ trước. Những giá trị này truyền tải được tính thống nhất, tạo ra được sự đồng lòng và hướng tới những giá trị doanh nghiệp tốt đẹp. 

  1. Tập trung vào điều quan trọng
  2. Cùng nhau làm việc đúng
  3. Trân trọng lời nói
  4. Giao tiếp trọn vẹn
  5. Xem bản thân là nguồn gốc của sự việc
  6. Trải nghiệm Wow

“Tạo tác” và các hành vi - hữu hình

Logo, slogan, trang phục, cách giao tiếp, văn hóa ứng xử, trả lời email, quy trình làm việc, trang phục… là những yếu tố nói lên văn hóa doanh nghiệp. Ví dụ như văn hóa doanh nghiệp thể hiện qua những câu slogan: 

Slogan “Vươn cao Việt Nam” của Vinamilk thể hiện văn hóa doanh nghiệp là một tổ chức luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm chất lượng để phát triển tầm vóc Việt Nam cao lớn hơn, trí tuệ thông minh hơn. 

Slogan “Thật sự thiên nhiên” của TH True Milk đã một phần nói lên văn hóa doanh nghiệp của họ. Qua đó, nhấn mạnh sự cam kết của TH True Milk về một sản phẩm tự nhiên và không chất bảo quản. Điều này thể hiện tầm nhìn của công ty về việc tạo ra sản phẩm sạch, an toàn và tự nhiên, đồng thời khuyến khích sự tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên. 

Như vậy có thể thấy câu slogan của 2 thương hiệu này thể hiện “tạo tác” và hành vi hữu hình, góp phần xây dựng hình ảnh và danh tiếng trong mắt khách hàng và người tiêu dùng. 

Mô hình văn hóa doanh nghiệp của Edgar Schein
Mô hình văn hóa doanh nghiệp của Edgar Schein

4. Mô hình văn hóa doanh nghiệp sáng tạo

Mô hình văn hóa sáng tạo được ra đời dựa trên nhiều sự thay đổi, khác hoàn toàn với những mô hình truyền thống trước đây. Văn hóa sáng tạo đề cao sự đổi mới, dân chủ, tư duy tiến bộ và luôn sẵn sàng đương đầu với rủi ro, thách thức trong hoạt động kinh doanh. 

Nhân viên khi làm việc sẽ được thỏa sức sáng tạo, đóng góp ý kiến, ý tưởng của mình vào hoạt động chung. Và để thúc đẩy sự sáng tạo, công ty sẽ có các chính sách như cung cấp các khóa đào tạo, huấn luyện thường xuyên để nhân viên nâng cao trình độ, phát huy được năng lực của mình trong thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. 

Do mang phong cách tiếp cận cá nhân nên văn hóa sáng tạo có thể đem lại động lực cho nhân viên nhưng trong một số trường hợp như phải cạnh tranh lẫn nhau, có thể gây ra căng thẳng và bất an đối với nhân viên. 

Văn hóa doanh nghiệp sáng tạo
Văn hóa doanh nghiệp sáng tạo

Lựa chọn mô hình văn hóa doanh nghiệp nào phù hợp với bạn? 

Đầu tiên bạn cần phải hiểu thật rõ về doanh nghiệp của mình từ con người, cách thức hoạt động, điểm khác biệt, những điều đã làm được và những điều chưa làm được… sau đó mới quyết định xem nên áp dụng mô hình nào. 

Doanh nghiệp không nhất thiết phải áp dụng theo một văn hóa nào mà nên có sự kết hợp, tùy chỉnh sao cho phù hợp với những đặc điểm, giá trị cốt lõi và mục tiêu kinh doanh của tổ chức. Sự linh hoạt trong việc xây dựng mô hình là điều quan trọng để nhân viên có cơ hội phát triển, doanh nghiệp phát triển ổn định chứ không phải sự gò bó, khuôn khổ khi cứ tuân theo 1 mô hình nào đó. Hơn nữa, khi thực hiện tùy chỉnh các yếu tố sẽ giúp cho doanh nghiệp thích nghi được với môi trường thay đổi và để nhân viên cảm thấy hài lòng, có động lực để gắn bó và sáng tạo. 

Qua đó, có thể rút ra được một số kết luận trong việc lựa chọn mô hình văn hóa doanh nghiệp như sau:

  • Hãy xem xét việc kết hợp hoặc tùy chỉnh các mô hình văn hóa doanh nghiệp để nhận được sự đồng thuận của nhân viên trong tổ chức. 
  • Hãy xem xét lĩnh vực hoạt động, mục tiêu kinh doanh, triển vọng tương lai, đặc điểm nhân viên… để xác định xem mô hình nào là phù hợp nhất. 
  • Đảm bảo rằng văn hóa doanh nghiệp phản ánh giá trị cốt lõi của tổ chức và các nguyên tắc mà bạn muốn thúc đẩy. 
  • Xây dựng văn hóa doanh nghiệp linh hoạt, thích nghi được với môi trường thay đổi và điều quan trọng là thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển của nhân viên. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM