“Kinh doanh mà không có kế hoạch, chính là đang lập kế hoạch cho sự thất bại!”. Bản kế hoạch kinh doanh tốt là khởi sự cho mọi thành công của doanh nghiệp. Để bắt đầu và phát triển doanh nghiệp, đã đến lúc tìm hiểu kỹ lưỡng về quy trình xây dựng một bản kế hoạch kinh doanh thực sự.
Một bản kế hoạch kinh doanh đầy đủ thường bao gồm các 6 phần chính sau:
Trước khi đi vào từng nội dung, chúng tôi đề cập tới 3 quy tắc cần nắm để xây dựng kế hoạch kinh doanh:
1. Kế hoạch kinh doanh cần ngắn gọn và súc tích
Không ai muốn đọc một bản kế hoạch kinh doanh dài tận 100 trang hay kể cả là 40 trang. Việc làm một bản kế hoạch dài dòng, lan man sẽ chỉ khiến người đọc không thể chọn lọc được hết thông tin, thậm chí là bỏ dở giữa chừng vì quá nhàm chán.
Hơn thế nữa, mục đích của bản kế hoạch kinh doanh là công cụ để quản lý dự án hiệu quả và phát triển doanh nghiệp trong thời gian dài, và nó cần được điều chỉnh, bổ sung liên tục. Việc sửa đổi một xấp giấy tờ dày cộm quả thực rắc rối và dễ mắc sai lầm, cho dù đó là người có kinh nghiệm.
Vì vậy, đừng quên “keep it short” – giữ cho bản kế hoạch kinh doanh ngắn gọn, súc tích.
2. Kế hoạch kinh doanh cần phù hợp với người đọc
Một bản kế hoạch kinh doanh có thể gửi tới nhiều người: sếp, nhân viên, đối tác, nhà đầu tư, khách hàng,… Không phải ai trong số đó cũng hiểu hết về những thuật ngữ và danh từ riêng, từ viết tắt,… mà bạn nói.
Bởi thế, trước khi xây dựng kế hoạch kinh doanh, hãy dự tính trước nó sẽ được gửi đến ai và sử dụng ngôn ngữ phù hợp, dễ hiểu nhất đối với họ, đồng thời giải thích rõ ràng đối với các danh từ riêng, từ viết tắt,…
Ví dụ, với khách hàng không phải người hiểu rõ kiến thức trong ngành, việc giải thích rõ ràng các thuật ngữ là điều nên làm.
Bạn cũng có thể sử dụng phụ lục của bản kế hoạch để cung cấp thêm chi tiết cụ thể.
3. Đừng quá sợ hãi khi lập kế hoạch kinh doanh
Đại đa số doanh nhân không phải là chuyên gia kinh doanh với bằng cấp cao mà chỉ tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm và hình thành thói quen tốt trong quá trình làm việc. Bạn cũng giống họ, nên đừng quá lo lắng nếu chưa thể lập một kế hoạch kinh doanh hoàn hảo.
Nếu bạn đủ hiểu biết về lĩnh vực kinh doanh của mình và đam mê với nó, việc viết ra một kế hoạch kinh doanh sẽ không khó khăn như bạn nghĩ.
Trên thực tế, bạn có thể bắt đầu với bản kế hoạch kinh doanh đơn giản chỉ trên một mặt giấy giống như đề cương sơ bộ, rồi dựa vào đó để triển khai chi tiết sau.
Hướng dẫn chi tiết về 6 phần chính trong bản kế hoạch kinh doanh
Hãy nhớ, kế hoạch kinh doanh đặt ra các mục tiêu bạn muốn đạt được và sẽ hỗ trợ bạn theo dõi tiến trình và điều chỉnh việc thực hiện.
Dưới đây là 6 phần nội dung cần thiết trong đó.
1. Tóm tắt dự án
Đây là phần tổng quan giới thiệu doanh nghiệp của bạn, giải thích những gì bạn làm và đưa ra những gì bạn đang tìm kiếm từ người đọc. Về mặt cấu trúc, đây là chương đầu tiên trong kế hoạch kinh doanh, nhưng bạn nên viết nó cuối cùng. Bởi lẽ, một khi bạn đã thống kê lại một lượt các chi tiết từ trong ra ngoài của doanh nghiệp, bạn sẽ có cơ sở để viết một bản tóm tắt đầy đủ và hấp dẫn hơn.
Phần giới thiệu này có thể tách rời như một tài liệu độc lập bao gồm những điểm nổi bật trong kế hoạch chi tiết của bạn. Trên thực tế, các nhà đầu tư có thể chỉ dựa vào bản tóm tắt này để đánh giá doanh nghiệp. Nếu họ cảm thấy ấn tượng, họ thường sẽ yêu cầu một bản kế hoạch hoàn chỉnh, một buổi thuyết trình hoặc các dữ liệu khác sau.
Hãy đảm bảo rằng bản tóm tắt rõ ràng và súc tích nhất có thể, bao gồm các điểm nổi bật chính của doanh nghiệp nhưng không quá chi tiết. Lý tưởng nhất, chương này chỉ nên ngắn gọn trong 1-2 trang, được thiết kế để đọc nhanh và gây kích thích sự quan tâm của người đọc.
Phần này bao gồm những ý chính sau:
- Khái quát chung: Câu khái quát ngắn gọn này được đặt ở đầu trang, ngay bên dưới tên doanh nghiệp. Bạn có thể dùng một tagline, nhưng thường hiệu quả hơn nếu đó là một câu mô tả những gì doanh nghiệp của bạn thực sự làm – hay còn gọi là tuyên bố giá trị (value proposition).
- Vấn đề: Tóm tắt trong 1-2 câu về vấn đề bạn đang giải quyết. Mỗi doanh nghiệp đều đang giải quyết một vấn đề cho khách hàng, đồng thời nỗ lực tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường.
- Giải pháp: Đây là phần mô tả sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Đó có đúng là giải pháp của vấn đề bạn đã xác định ở trên?
- Thị trường mục tiêu: Ai là khách hàng lý tưởng của doanh nghiệp? Số lượng khách hàng đang có sẵn là bao nhiêu? Hãy nêu ra những điểm đặc trưng nhất.
- Cạnh tranh: Thị trường mục tiêu của bạn đang giúp giải quyết vấn đề hiện tại như thế nào? Nó là độc nhất hay có các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường? Mỗi doanh nghiệp đều có hình thức cạnh tranh riêng, và bạn hãy đề cập đến chúng trong chương Giới thiệu về doanh nghiệp.
- Đội ngũ nhân sự: Các nhà đầu tư luôn đặt kỳ vọng rất lớn vào người thực hiện hơn là ý tưởng kinh doanh. Đừng quên cung cấp thông tin về đội ngũ nhân viên của bạn và giải thích ngắn gọn lý do tại sao các bạn là những người phù hợp nhất để triển khai ý tưởng kinh doanh.
- Tóm tắt tình hình tài chính: Hãy nêu ra các khía cạnh nổi bật của kế hoạch tài chính, bao gồm biểu đồ thể hiện doanh thu, chi phí và lợi nhuận dự kiến của bạn. Bạn cũng có thể dùng những dữ liệu này để giải thích thêm về mô hình kinh doanh của bạn.
- Kêu gọi vốn: Nếu bạn đang kêu gọi vốn để bắt đầu hoặc phát triển doanh nghiệp, hãy mô tả chi tiết về những gì bạn cần trong mục này. Đừng vội bận tâm đến độ lớn nhỏ của các khoản đầu tư, vì điều đó sẽ luôn luôn được thương lượng sau khi nhà đầu tư có hứng thú với doanh nghiệp. Bạn chỉ cần cho biết bạn cần phải huy động số lượng vốn là bao nhiêu.
- Dấu mốc và kết quả đạt được (milestone,traction): Yếu tố then chốt cuối cùng trong chương này mà các nhà đầu tư muốn xem là tiến trình bạn đã thực hiện cho đến nay và các cột mốc mà bạn dự định sẽ đạt được trong tương lai. Hãy làm nổi bật những kết quả tích cực, ví dụ như khách hàng tiềm năng của bạn đã đặt mua một số lượng lớn sản phẩm / dịch vụ.
Bạn có thể bỏ qua chương này nếu bạn đang xây dựng một bản kế hoạch kinh doanh nội bộ. Trong trường hợp đó, bạn có thể mô tả chi tiết hơn về đội ngũ quản lý, kêu gọi vốn và kết quả đạt được để đảm bảo rằng tất cả các thành viên trong doanh nghiệp đều đồng nhất quan điểm.
2. Cơ hội
Chương này cần trả lời những câu hỏi sau: Bạn đang bán sản phẩm gì? Bạn đang giải quyết các vấn đề phát sinh như thế nào? Đâu là thị trường mục tiêu và đối thủ cạnh tranh của bạn? Sản phẩm / Dịch vụ của bạn có lợi thế gì?
Người đã đọc bản kế hoạch kinh doanh sẽ biết một chút về doanh nghiệp của bạn qua chương trước; tuy nhiên, chương này vẫn cực kỳ quan trọng để cung cấp thêm chi tiết và trả lời các câu hỏi bổ sung mà bạn chưa từng đề cập trước đó.
* Vấn đề và giải pháp
Bắt đầu chương này bằng cách mô tả vấn đề của khách hàng mà bạn đang giải quyết. Điểm quan tâm nhất (pain point) của họ là gì? Họ đang làm gì để tự giải quyết chính vấn đề của họ? Để đảm bảo hiệu quả làm việc của doanh nghiệp, bạn nên tận dụng cơ hội tiếp xúc và nói chuyện với khách hàng tiềm năng. Sau khi xác nhận rằng vấn đề thực sự của họ trùng khớp với vấn đề mà bạn đang cố gắng tìm giải pháp, hãy thực hiện bước tiếp theo là đưa ra giải pháp tiềm năng.
Giải pháp này chính là sản phẩm / dịch vụ mà bạn dự định cung cấp cho khách hàng. Trong phần này, bạn nên mô tả chi tiết giải pháp của bạn: Nó là gì và nó được cung cấp như thế nào, khách hàng của bạn sẽ có lợi ích gì từ nó, các trường hợp sử dụng khác nhau sẽ nhận được tương tác khác nhau ra sao,… Có thể các giải pháp hiện tại còn rất tốn kém hoặc phức tạp, nhưng đừng ngại đề cập đến chúng trong bản kế hoạch kinh doanh.
* Thị trường mục tiêu
Đã đến lúc bạn nên tập trung vào thị trường mục tiêu của mình: Bạn đang bán cho ai?
Tùy thuộc vào loại hình kinh doanh bạn và loại kế hoạch bạn đang viết, bạn có thể không cần phải mô tả quá chi tiết ở đây. Chỉ cần bạn biết rõ ai là khách hàng của bạn và ước tính được sơ bộ về số lượng của họ. Nếu bạn dự định sẽ thực hiện nghiên cứu thị trường một cách chính thức, trước tiên phải xác định phân khúc thị trường của bạn.
Ví dụ, nếu bạn là doanh nghiệp bán giày, bạn không thể coi tất cả mọi người đều là khách hàng mục tiêu chỉ vì họ đều có chân. Hãy chọn một phân khúc thị trường cụ thể như người tập thể dục thể thao, các đấng mày râu phong cách,… Điều này sẽ giúp bạn thu hẹp phạm vi marketing và sales, đồng thời gia tăng số lượng khách hàng tiềm năng sẽ mua hàng từ bạn.
* Chân dung khách hàng lý tưởng
Khi bạn đã xác định các phân khúc thị trường mục tiêu của mình, đã đến lúc xác định khách hàng lý tưởng của bạn cho mỗi phân đoạn. Chân dung khách hàng lý tưởng của bạn (buyer persona) là một đại diện hư cấu về thị trường của bạn, được xác định với tên, giới tính, mức thu nhập, lượt thích, không thích,…
Buyer persona là một công cụ cực kỳ hữu ích giúp bạn xác định chính xác nên triển khai hoạt động marketing và sales nào để tới gần nhất với khách hàng.
* Khách hàng quan trọng
Phần này chỉ thực sự bắt buộc đối với các doanh nghiệp có rất ít khách hàng. Các doanh nghiệp có khách hàng chủ yếu là người tiêu dùng điển hình có thể bỏ qua điều này.
Nếu bạn đang triển khai mô hình doanh nghiệp B2B, việc đề cập tới một số khách hàng quan trọng nổi tiếng hoặc trùng khớp với buyer persona và mối liên quan giữa họ với thành công của doanh nghiệp sẽ giúp tạo được uy tín vững chắc.
* Cạnh tranh
Song song với mô tả thị trường mục tiêu của bạn, bạn nên mô tả sự cạnh tranh của bạn. Còn ai khác cũng đang cung cấp các giải pháp cho vấn đề của khách hàng mà bạn nhắm tới? Lợi thế cạnh tranh của bạn trong cuộc đua này là gì?
Hầu hết các kế hoạch kinh doanh đều sử dụng ma trận cạnh tranh (competitor matrix) để liệt kê các đối thủ cạnh tranh và so sánh họ với chính doanh nghiệp của bạn. Bạn có thể xây dựng một ma trận đơn giản bằng cách liệt kê đối thủ cạnh tranh ở các hàng, tính năng của giải pháp ở các cột, và sử dụng dấu tick để dễ dàng nhận biết có – không.
Mẫu ví dụ ma trận cạnh tranh
Đừng quên nhấn mạnh rằng giải pháp của bạn khác biệt hoặc tốt hơn các sản phẩm / dịch vụ khác mà khách hàng có thể xem xét. Sự so sánh này nên áp dụng cho cả đối thủ cạnh tranh trực tiếp và cạnh tranh gián tiếp. Ví dụ, Audi và BMW là hai nhà sản xuất xe hơi cạnh tranh trực tiếp, và họ có cả đối thủ gián tiếp khác là các hãng xe tay ga cao cấp,…
* Các sản phẩm / dịch vụ trong tương lai
Tất cả các doanh nhân nếu muốn thành công thì đều cần có tầm nhìn đến tương lai. Bản kế hoạch kinh doanh nên bao gồm 1-2 đoạn nói về các kế hoạch tương lai tiềm năng để nhà đầu tư biết bạn đang có một chiến lược dài hạn. Tuy nhiên, không nên mở rộng quá nhiều vào những ý tưởng này mà quên mất các sản phẩm / dịch vụ trong hiện tại.
3. Kế hoạch vận hành
Bạn sẽ làm thế nào để nắm lấy cơ hội và biến nó thành lợi thế cho doanh nghiệp? Chương này bao gồm kế hoạch marketing & sales, cách vận hành doanh nghiệp, cách bạn đo lường thành công và các mốc quan trọng mà bạn mong đợi đạt được.
* Marketing & sales
Phần kế hoạch marketing & sales cho biết cách bạn dự định tiếp cận với phân đoạn thị trường mục tiêu, bán hàng trong đó, đặt giá sao cho phù hợp và loại hoạt động và quan hệ đối tác nào bạn cần. Hãy đảm bảo bạn đã xác định rõ ràng thị trường mục tiêu và buyer persona trước đó.
* Định vị doanh nghiệp
Định vị là cách bạn giới thiệu doanh nghiệp và sản phẩm của bạn tới khách hàng. Bạn có phải là nguồn cung cấp sản phẩm / dịch vụ giá rẻ hay một thương hiệu cao cấp? Có sản phẩm / dịch vụ nào của bạn mà đối thủ cạnh tranh không cung cấp hay không?
Trước khi bắt đầu định vị, bạn nên dành một chút thời gian để đánh giá thị trường hiện tại và trả lời các câu hỏi sau:
– Bạn cung cấp các tính năng hoặc lợi ích khác biệt nào với đối thủ?
– Nhu cầu và mong muốn của khách hàng của bạn là gì?
– Đối thủ cạnh tranh của bạn tự định vị như thế nào?
– Làm thế nào để có thể phân biệt bạn với các đối thủ? Nói cách khác, tại sao một khách hàng nên chọn bạn thay vì đối thủ?
– Bạn thấy doanh nghiệp của mình ở đâu trong bối cảnh tổng thể các giải pháp?
Bạn có thể sử dụng công thức đơn giản này để phát triển một tuyên ngôn định vị:
Đối với [mô tả thị trường mục tiêu] [mô tả pain-point], [sản phẩm này] [cách nó đáp ứng nhu cầu]. Không giống như [đối thủ cạnh tranh chính], nó [tính năng phân biệt quan trọng nhất].
* Định giá
Bạn có thể chuyển sang định giá dựa trên chiến lược định vị tổng thể của doanh nghiệp. Mức giá của sản phẩm / dịch vụ truyền đạt một thông điệp rất mạnh mẽ đến người tiêu dùng và có thể là một công cụ quan trọng để định vị chính bạn. Ví dụ, nếu bạn đang cung cấp một mặt hàng cao cấp, một mức giá cao cấp sẽ nhanh chóng khiến người dùng hiểu ra điều đó.
Việc định giá không phải là một ngành khoa học, tuy nhiên bạn nên tuân theo một số quy tắc cơ bản sau:
– Giá đã bao gồm chi phí của bạn.
– Giá sản phẩm có thể không phải là lợi nhuận chính của bạn. Ví dụ: Bạn có thể bán sản phẩm với mức giá thấp hơn chi phí nhưng yêu cầu một hợp đồng bảo trì hoặc hỗ trợ nhiều lợi nhuận hơn.
– Phù hợp với nhu cầu và kỳ vọng của người tiêu dùng.
3 chiến lược định giá bạn có thể tham khảo:
– Định giá cộng thêm chi phí (cost-plus pricing): Bạn có thể cộng thêm vào chi phí của mình một số tiền hay một tỷ lệ phần trăm nhất định. Chiến lược này có hiệu quả đối với các nhà sản xuất coi trọng chi phí ban đầu.
– Định giá dựa trên thị trường (market-based pricing): Bạn có thể nhìn vào bối cảnh hiện tại của đối thủ cạnh tranh và định giá dựa trên những gì thị trường đang mong đợi. Bạn có thể định giá ở mức cao cấp hoặc bình dân của thị trường để thiết lập vị trí riêng.
– Định giá dựa trên giá trị (value pricing): Bạn có thể xác định mức giá dựa trên giá trị bạn cung cấp cho khách hàng của mình. Ví dụ, với dịch vụ dọn dẹp vệ sinh hằng tuần, bạn có thể tiết kiệm cho khách hàng 4 giờ / tuần. Nếu mỗi giờ đồng hồ có giá trị 50.000đ, dịch vụ của bạn có thể tính phí 200.000đ.
* Xúc tiến thương mại
Hãy nhớ rằng, điều quan trọng mà bạn muốn đo lường là chi phí xúc tiến thương mại và doanh thu thu về sau đó. Các chương trình xúc tiến không đem lại lợi nhuận thì sẽ khó duy trì được trong thời gian dài.
Dưới đây là một số yếu tố bạn có thể xem xét đưa vào kế hoạch xúc tiến:
– Bao bì sản phẩm: Đưa hình ảnh bao bì sản phẩm vào kế hoạch kinh doanh luôn là một ý tưởng hay, với điều kiện chúng phù hợp với chiến lược định vị và key value của doanh nghiệp, đồng thời khác biệt với đối thủ cạnh tranh.
– Quảng cáo: Kế hoạch kinh doanh của bạn nên bao gồm tổng quan về các loại quảng cáo bạn dự định chi tiền và kế hoạch đo lường thành công của chúng.
– Quan hệ công chúng: Các phương tiện truyền thông đại chúng luôn là cách hữu hiệu để để tiếp cận khách hàng của bạn.
– Content marketing: Đó là khi bạn công khai các thông tin, mẹo và lời khuyên hữu ích (thường là miễn phí) để target market có thể làm quen với doanh nghiệp của bạn.
– Social media: Ngày nay, sự hiện diện của truyền thông xã hội cần thiết đối với phần lớn các doanh nghiệp. Bạn cần phải ở trên mọi kênh mà khách hàng đang sử dụng.
– Liên minh chiến lược (strategic alliances): Bạn có thể làm việc chặt chẽ cùng một doanh nghiệp khác dưới hình thức hợp tác. Sự hợp tác này có thể giúp bạn thâm nhập vào vào phân khúc thị trường mục tiêu, còn đối tác của bạn có thể cung cấp sản phẩm / dịch vụ mới cho khách hàng của họ. Nếu bạn đã thiết lập quan hệ đối tác, hãy mô tả nó chi tiết trong kế hoạch kinh doanh.
* Vận hành doanh nghiệp
Phần này mô tả cách vận hành doanh nghiệp của bạn. Tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp, bạn có thể có hoặc không cần các chi tiết sau:
– Nguồn cung ứng: Nếu doanh nghiệp của bạn mua sản phẩm từ các nhà cung cấp khác, hãy mô tả chi tiết về nguồn cung sản phẩm, cách họ phân phối cho bạn và cách bạn phân phối cho khách hàng. Nếu doanh nghiệp đang tìm nguồn cung ứng sản phẩm từ nước ngoài, các nhà đầu tư sẽ muốn biết về tiến độ tìm kiếm của bạn. Nếu doanh nghiệp sắp phân phối sản phẩm cho khách hàng, bạn nên mô tả kế hoạch vận chuyển.
– Công nghệ: Nếu bạn là một doanh nghiệp công nghệ, bạn cần mô tả công nghệ của bạn và sự vượt trội của nó so với các giải pháp khác. Lưu ý rằng bạn không phải tiết lộ bí mật thương mại trong kế hoạch kinh doanh của mình, và cũng không cần phải mô tả công nghệ quá chi tiết.
* Phân phối sản phẩm
Đối với các doanh nghiệp sản phẩm, kế hoạch phân phối là một phần quan trọng trong bản kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh. Trong khi đó, các doanh nghiệp dịch vụ có thể bỏ qua phần này.
Phân phối là cách bạn đưa sản phẩm của mình tới tay khách hàng. Mỗi ngành đều có các kênh phân phối khác nhau, và cách tốt nhất để tạo ra kế hoạch phân phối là phỏng vấn những người khác trong ngành của bạn để tìm hiểu mô hình của họ. Dưới đây là một số mô hình phân phối phổ biến mà bạn có thể tham khảo:
– Trực tiếp (direct): Bán trực tiếp cho người tiêu dùng là lựa chọn đơn giản và có lợi nhất.
– Phân phối bán lẻ (Retail distribution): Hầu hết các nhà bán lẻ lớn không thích gặp rắc rối khi giao dịch với hàng nghìn nhà cung cấp cá nhân. Thay vào đó, họ muốn mua thông qua các doanh nghiệp phân phối lớn có các sản phẩm tổng hợp từ nhiều nhà cung cấp khác nhau.
– Đại diện của nhà sản xuất: Đây là những người có mối quan hệ với các nhà bán lẻ, nhà phân phối và sẽ làm việc để bán sản phẩm của bạn vào kênh thích hợp. Việc của bạn là trích hoa hồng cho họ.
* Cột mốc và số liệu
Có thể các cột mốc và số liệu trong kế hoạch kinh doanh của bạn không kéo dài, nhưng bạn cần dành thời gian để xem xét và lên lịch các bước quan trọng tiếp theo cho doanh nghiệp. Các nhà đầu tư luôn muốn thấy rằng bạn hiểu những gì cần phải làm và đang làm việc trên một lịch trình thực tế.
* Kết quả đạt được
Trong khi cố gắng vươn tới các mốc quan trọng, bạn cũng sẽ muốn xem lại những thành tựu chính đã đạt được. Đó có thể là một số lần bán hàng đầu tiên, một chương trình thí điểm thành công hoặc hợp đồng quan trọng. Các nhà đầu tư gọi đây là kết quả đạt được (traction) – một số bằng chứng về sự thành công mà doanh nghiệp có thể đạt được.
* Số liệu
Số liệu là những con số được dùng làm cơ sở để đánh giá “sức khỏe” doanh nghiệp của bạn, từ đó phát hiện sự cố sớm, đồng thời tạo động lực thúc đẩy cho mô hình kinh doanh và kế hoạch tài chính của bạn.
Ví dụ, một nhà hàng có thể đặc biệt chú ý đến số lượng bàn trung bình mà họ có vào một đêm. Một doanh nghiệp cung cấp phần mềm có thể xem xét tỷ lệ đăng ký trải nghiệm sản phẩm.
* Giả định chính và rủi ro
Cuối cùng, kế hoạch kinh doanh của bạn nên nêu ra chi tiết các giả định chính mà bạn đã đưa ra, trong đó bao gồm các rủi ro mà bạn gặp có thể gặp phải. Khi bạn đã xác định được các giả định của mình, bạn có thể tìm cách chứng minh rằng giả định đó là chính xác. Càng nhiều giả định được giảm thiểu, doanh nghiệp của bạn càng có nhiều khả năng sẽ thành công.
4. Nguồn lực
Các nhà đầu tư luôn tìm kiếm các team tuyệt vời để hiện thực hoá những ý tưởng tuyệt vời. Trong phần này, hãy mô tả nguồn lực nhân sự hiện tại mà bạn có và những người bạn cần tuyển thêm. Nếu bạn đang vận hành sẵn một doanh nghiệp, các thông tin tổng quan về cấu trúc, vị trí, lịch sử hình thành cũng vô cùng hữu ích.
* Đội nhóm
Có một câu nói nổi tiếng là “Các nhà đầu tư không đầu tư vào ý tưởng, họ đầu tư vào con người”. Một số người thậm chí còn nói rằng họ thà đầu tư vào ý tưởng tầm thường với một đội ngũ tuyệt vời đằng sau, còn hơn là một ý tưởng bom tấn với một đội ngũ tầm thường.
Trong phần này, hãy chứng minh rằng bạn có đội ngũ phù hợp để thực hiện ý tưởng. Một đội ngũ quản lý tuyệt vời cũng cho thấy rằng doanh nghiệp của bạn đã sẵn sàng để phát triển và thành công. Một đội ngũ quản lý điển hình bao gồm thông tin cơ bản của mỗi thành viên trong nhóm với đánh giá về trình độ, kinh nghiệm và các thành công có liên quan của họ. Nếu doanh nghiệp đang có vị trí trống, bạn chỉ cần xác định chúng và chỉ ra rằng bạn đang tìm kiếm người phù hợp.
Một sai lầm phổ biến của các startup là để mọi người ở cấp C-level ngay từ đầu. Mặc dù điều này có thể nghe to tát hơn, nhưng lại thường làm giảm hiệu quả công việc. Sẽ tốt hơn nếu để nhân viên cố gắng phát triển bản thân và được thăng chức trong tương lai.
Cuối cùng, bạn có thể cân nhắc đưa sơ đồ tổ chức doanh nghiệp vào kế hoạch kinh doanh của mình ở phần phụ lục, để phòng khi các nhà đầu tư muốn biết tới.
* Tổng quan về doanh nghiệp
Tổng quan về doanh nghiệp rất có thể sẽ là phần ngắn nhất trong kế hoạch kinh doanh của bạn, và nó không cần thiết đối với một bản kế hoạch nội bộ. Còn nếu muốn đưa tới những người bên ngoài doanh nghiệp, phần này nên bao gồm:
– Tuyên bố sứ mệnh (mission statement): Nên ngắn gọn trong 1-2 câu, và phải thể hiện được một cách xuất sắc những gì bạn đang cố gắng làm. Trên thực tế, nó cũng tương tự như tuyên bố giá trị của doanh nghiệp.
– Quyền sở hữu trí tuệ: Quyền sở hữu trí tuệ chủ yếu áp dụng cho công nghệ và khoa học nên bạn có thể bỏ qua nếu không liên quan. Đó có thể là bằng sáng chế, giấy phép công nghệ,… đã được đăng ký hoặc đang trong quá trình đăng ký.
– Cơ cấu pháp lý và quyền sở hữu: Hãy tóm tắt về cấu trúc hiện tại của doanh nghiệp: doanh nghiệp TNHH, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp cổ phần,… Đừng quên cung cấp thông tin về cách thức hoạt động của doanh nghiệp. Mỗi đối tác kinh doanh có sở hữu một phần bằng nhau của doanh nghiệp không? Quyền sở hữu được chia như thế nào? Các nhà đầu tư tiềm năng sẽ muốn biết điều này.
– Lịch sử hình thành doanh nghiệp: Nếu doanh nghiệp của bạn đã đi vào hoạt động, sẽ có ích khi bạn làm nổi bật những thành tựu trong lịch sử của doanh nghiệp. Đối với nhân viên mới, những thông tin này sẽ là một cách truyền động lực làm việc hiệu quả.
– Vị trí địa lý: Mô tả vị trí hiện tại của doanh nghiệp và bất kỳ cơ sở nào mà bạn sở hữu. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp yêu cầu cơ sở vật chất lớn để sản xuất, kho bãi,…, thông tin này là một phần quan trọng trong kế hoạch.
5. Kế hoạch tài chính
Kế hoạch kinh doanh của bạn không thể đầy đủ nếu thiếu đi dự báo tài chính. Các doanh nghiệp thường lo lắng về chương này, nhưng dự báo tài chính thực ra không hề đáng sợ. Có rất nhiều công cụ và tài nguyên để giúp bạn xây dựng một dự báo tài chính vững chắc.
Một dự báo tài chính điển hình sẽ có dự báo hàng tháng trong 12 tháng đầu tiên và sau đó là dự báo hàng năm cho 3-5 năm còn lại. Sau đây là chi tiết về các phần trong đó:
* Dự báo doanh số
Dự báo doanh số bán hàng thường được kẻ thành nhiều hàng. Với mỗi hàng ứng với một sản phẩm / dịch vụ cốt lõi mà bạn đang cung cấp, bên dưới nó sẽ có một hàng COGS (chi phí giá vốn) tương ứng. Ví dụ, nếu bạn là một nhà hàng, bạn có thể chia nhỏ dự báo doanh số của mình thành các nhóm bữa trưa, bữa tối và đồ uống. Chi phí liên quan trực tiếp đến việc tạo ra sản phẩm là chi phí nguyên liệu.
* Kế hoạch nhân sự
Kế hoạch nhân sự của bạn cần nêu chi tiết số tiền bạn dự định trả cho nhân viên của mình và số tiền bạn phải chi để có được nhân viên trong biên chế (thuế, bảo hiểm,…). Đối với một doanh nghiệp nhỏ, bạn có thể liệt kê mọi vị trí đi kèm số tiền theo thứ tự ngẫu nhiên. Còn nếu doanh nghiệp lớn hơn, bạn có thể chia nhỏ danh sách nhân sự theo các nhóm chức năng như sales, marketing, developer,…
* Báo cáo lợi nhuận và lỗ (P&L)
Báo cáo lợi nhuận và lỗ là nơi tập hợp tất cả các số liệu của bạn và cho biết doanh nghiệp đang kiếm lời hay thua lỗ. Một P&L điển hình sẽ là một bảng tính bao gồm:
– Doanh số: đến từ dự báo doanh số của bạn và bao gồm tất cả doanh thu do doanh nghiệp tạo ra.
– Giá vốn hàng bán (COGs): xuất phát từ dự báo doanh số và là tổng chi phí bán sản phẩm của bạn. Đối với các doanh nghiệp dịch vụ, nó cũng có thể được gọi là chi phí bán hàng hoặc chi phí trực tiếp.
– Tổng lợi nhuận: được tính bằng cách lấy doanh số trừ đi tổng chi phí bán sản phẩm. Hầu hết P&L cũng hiển thị con số này dưới dạng tỷ số lợi nhuận trên doanh thu (Tổng lợi nhuận / Doanh thu = Tỷ số lợi nhuận trên doanh thu).
– Chi phí hoạt động: bao gồm tất cả các chi phí liên quan đến việc điều hành doanh nghiệp, ngoại trừ giá vốn hàng bán. Bạn cũng nên loại trừ thuế suất, khấu hao và tiền trả góp và giữ lại lương, R&D (chi phí nghiên cứu và phát triển), chi phí quảng cáo,…
– Tổng chi phí hoạt động.
– Thu nhập hoạt động: hay còn gọi là EBITDA, tức thu nhập trước lãi, thuế, khấu hao và trả góp. Đây là một phép tính đơn giản:
Tổng chi phí hoạt động = Doanh số – (Tổng chi phí hoạt động + Giá vốn hàng bán)
– Tổng chi phí: là chi phí hoạt động cộng thêm lãi suất, thuế, khấu hao và trả góp.
– Lợi nhuận ròng: được đặt ở dòng dưới cùng của P&L, là con số thể hiện bạn đã kiếm được lợi nhuận hay bị thua lỗ trong một tháng hoặc năm cụ thể.
* Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ thường bị nhầm lẫn với báo cáo lợi nhuận và lỗ (P&L), nhưng chúng rất khác nhau và cũng phục vụ các mục đích khác nhau. Trong khi P&L tính toán lợi nhuận và lỗ, thì báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo dõi số tiền (trong ngân hàng) mà bạn có tại bất kỳ thời điểm nào.
Chìa khóa để phân biệt hai khái niệm là hiểu được sự khác biệt giữa tiền mặt và lợi nhuận. Cách đơn giản nhất để suy nghĩ về nó là khi bạn bán hàng. Nếu bạn xuất hoá đơn gửi hàng đi xa và khách hàng lại mất tới 7-10 ngày để thanh toán hóa đơn, bạn không thu được tiền từ việc bán ngay lập tức. Tuy nhiên, trong P&L của bạn đã ghi nhận lợi nhuận từ việc bán hàng đó.
Một báo cáo lưu chuyển tiền tệ điển hình được tính bằng công thức:
Starting cash + cash in – cash out = ending cash
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của bạn sẽ cho bạn thấy khi nào số tiền trong tài khoản của bạn ít nhất, và khi nào đây là thời điểm tốt nhất để mua các thiết bị mới. Trên tất cả, nó sẽ giúp bạn tính ra số tiền cần gọi vốn hoặc vay vốn để phát triển doanh nghiệp.
* Bảng cân đối kế toán
Bảng cân đối kế toán sẽ cung cấp tổng quan về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Nó liệt kê các tài sản, các khoản nợ và vốn chủ sở hữu của bạn. Nếu bạn lấy giá trị tài sản trừ đi số nợ, bạn có thể xác định giá trị thực của doanh nghiệp.
* Kế hoạch sử dụng tiền quỹ
Nếu bạn đang kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư, bạn nên có thêm một phần ngắn gọn về kế hoạch bạn sử dụng số tiền đó. Phần này không cần phải đi sâu vào từng số tiền nhỏ, nhưng bạn cần mô tả các khu vực chính nơi mà quỹ của nhà đầu tư sẽ được chi tiêu. Chúng có thể bao gồm marketing, R&D, sales, mua hàng tồn kho,…
* Chiến lược đào thoát
Chiến lược đào thoát là kế hoạch của bạn khi lỡ như việc kinh doanh không thuận lợi, bạn sẽ phải bán doanh nghiệp cho một doanh nghiệp khác hoặc phát hành cổ phiếu ra công chúng. Nhà đầu tư sẽ muốn biết suy nghĩ của bạn về điều này, vì nó liên quan tới lợi tức đầu tư của họ.
6. Phụ lục
Phụ lục cho kế hoạch kinh doanh của bạn không phải là một chương bắt buộc, nhưng đây là cách hữu ích để bạn có thể mô tả kỹ hơn bất kỳ biểu đồ, bảng biểu, định nghĩa, ghi chú hoặc thông tin quan trọng nào khác chưa có trong kế hoạch.
Mẫu kế hoạch kinh doanh đơn giản của nhà hàng Y
TÓM TẮT DỰ ÁN
- Nhu cầu cho các bữa ăn tiện lợi, nhanh chóng và ngon miệng ngày càng tăng
- Y là lựa chọn tốt nhất cho bữa ăn nhanh của bạn
- Y đã có chỗ đứng trên thị trường đồ ăn nhanh
- Dự kiến trong năm tiếp theo: nhân sự và doanh thu tăng x lần.
- Cần thêm y tỷ đồng vốn đầu tư
CƠ HỘI
Vấn đề và giải pháp:
- Nhu cầu ăn uống của con người ngày càng cao
- Giới văn phòng và nhiều người không có thời gian nấu nướng, việc nhịn ăn hoặc mỗi bữa tìm kiếm một quán ăn không hiệu quả
- Y cung cấp các bữa ăn hằng ngày được đóng gói sẵn với khẩu phần và kích thước cố định, dễ dàng mua được trong chuỗi nhà hàng của Y và trên internet.
- Việc thay đổi menu mỗi ngày được tính toán bởi chuyên gia dinh dưỡng cùng sự hỗ trợ đắc lực từ các đầu bếp có kinh nghiệm. Nhờ đó, chế độ dinh dưỡng của mỗi bữa ăn được đảm bảo vượt trên mức trung bình của một người lớn.
Thị trường mục tiêu:
- Người lớn từ x tuổi trở lên, cư trú và / hoặc làm việc trong khắp thành phố, là những người thường phải chịu các áp lực về thể chất và tinh thần nên cần chế độ dinh dưỡng đầy đủ
- Ước lượng số lượng: y người
Chân dung khách hàng lý tưởng:
- Tuổi: trên x tuổi
- Giới tính: cả nam và nữ
- Mức thu nhập: trên y triệu đồng/tháng
- Quan tâm tới dinh dưỡng
- Sở thích: đồ ăn nhanh, đồ ăn của nhà hàng
Khách hàng quan trọng:
- Các văn phòng làm việc với quy mô trên x nhân viên trong thành phố
Cạnh tranh:
- Đối thủ cạnh tranh trực tiếp: các quán cơm, nhà hàng
- Đối thủ cạnh tranh gián tiếp: các chuỗi thức ăn nhanh, máy bán hàng tự động
- Lợi thế của Y: có ship hàng, tập trung vào dinh dưỡng, độ lành mạnh
Các sản phẩm / dịch vụ trong tương lai:
- Dự án mới trong năm tới: Mỗi tuần sẽ phục vụ một bữa ăn lấy cảm hứng từ nền văn hoá ẩm thực quốc tế (Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Địa Trung Hải,…) vốn đã được người Việt ưa thích trong thời gian qua
- Triển khai app đặt hàng với hệ thống định vị GPS
KẾ HOẠCH VẬN HÀNH
Marketing & sales:
- Tiếp tục tham dự các hội chợ thương mại để truyền bá thông tin về sức khỏe dinh dưỡng và nhu cầu thiết yếu, đặc biệt là các bữa ăn có sẵn của Y
- Khai thác truyền thông trên social media nhiều hơn nữa
Định vị doanh nghiệp:
- Đối với những người trên x tuổi đang bận rộn công việc và không có thời gian nấu ăn, nhà hàng Y sẵn sàng phục vụ tận nơi các bữa ăn đóng gói sẵn với đầy đủ dinh dưỡng cần thiết. Khác với các giải pháp đồ ăn tiện lợi thông thường, chúng tôi không chỉ bán đồ ăn mà còn bán sự lành mạnh và tin cậy.
Định giá:
- Đồng giá x nghìn đồng / suất cơm
- Đồ uống có giá tuỳ loại
- Tiền ship: y nghìn đồng / km
Xúc tiến thương mại:
- Bao bì: hộp giấy, túi giấy, dán logo nhà hàng
- Quảng cáo: ở hội chợ và trên Facebook
- Content marketing: chụp ảnh món ăn; tập trung vào bữa ăn dinh dưỡng, lành mạnh; chia sẻ câu chuyện của khách hàng
- Nhà hàng sẽ lên menu trước đó một ngày và đăng tải lên internet. Khách hàng đặt đồ ăn online qua website www.yyy… hoặc qua số hotline 01658.xxx.xxx mà không cần thanh toán trước.
- Dựa vào số lượng đã đặt, nhà hàng sẽ nhập nguyên liệu tươi sống để chế biến và bày sẵn / giao đồ ăn tuyệt ngon vào ngày hôm sau, ngay trước khi khách hàng đến giờ hẹn.
- Đạt x đơn hàng trong tuần đầu tiên khai trương
- Giá trị đơn hàng trung bình đạt y nghìn đồng/suất
- Số lượng món ăn tăng lên z món
- Phục vụ trung bình w suất đồ ăn/ngày
NGUỒN LỰC
Đội nhóm:
- Founder: A và B (hai anh em ruột)
- Chuyên gia tư vấn dinh dưỡng và sức khoẻ: C (có x năm kinh nghiệm)
- Chuyên viên chăm sóc khách hàng: D
- Chuyên viên quản lý tài chính: E
- Đầu bếp: G và H (đều tốt nghiệp đại học ở nước ngoài, đã có y năm kinh nghiệm)
- Shipper: K
- Hiện có 4 cổ đông chính: A, B, C, D
- Tiền thân là quán cafe trực tuyến, chuyên cung cấp đồ uống cho hơn 20 đơn hàng trên địa bàn thành phố
- 2 năm kinh nghiệm trong ngành cung cấp đồ ăn / uống
- Nhà hàng được thiết kế theo phong cách sang trọng và ấm cúng, nằm ở ngã tư phố, đối diện với khu trung tâm thương mại sôi động
KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH
Dự báo doanh số:
- Bữa trưa: Doanh số: a – Chi phí giá vốn: b
- Bữa tối: Doanh số: c – Chi phí giá vốn: d
- Đồ uống: Doanh số: e – Chi phí giá vốn: g
Kế hoạch nhân sự:
Tiền lương cho nhân viên:
– Chuyên gia tư vấn: x triệu đồng/tháng
– Chuyên viên: y triệu đồng/tháng
– Đầu bếp: z triệu đồng/tháng
– Shipper: w triệu đồng/tháng
Tiền thưởng cho nhân viên:
– Theo doanh số
– Ngày lễ tết, sinh nhật,…
Báo cáo lợi nhuận và lỗ (P&L):
- Doanh số: a triệu đồng/tháng
- Giá vốn hàng bán: b triệu đồng/tháng
- Tổng lợi nhuận: c triệu đồng/tháng
- Chi phí hoạt động: d triệu đồng/tháng
- Tổng chi phí hoạt động: e triệu đồng/tháng
- Thu nhập hoạt động: g triệu đồng/tháng
- Tổng chi phí: h triệu đồng/tháng
- Lợi nhuận ròng: k triệu đồng/tháng
- Mua thêm trang thiết bị cho nhà hàng
- Thuê thêm nhân viên
- Đầu tư vào dự án mới
Chiến lược đào thoát:
Nếu kinh doanh nhà hàng với mặt tiền cố định không hiệu quả, sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh mô hình trực tuyến.
PHỤ LỤC
Phụ lục A là biểu đồ tăng trưởng theo quý của nhà hàng. Phụ lục B tính toán lợi tức đầu tư.
Chúc bạn thành công.