Nhịn uống cafe có thực sự giúp bạn tiết kiệm tiền?

Theo một khảo sát thị trường F&B Việt Nam do iPOS thực hiện, người Việt thường chi từ 40.000 - 70.000 để đi uống cafe. Trong đó, 13% nam giới tham gia khảo sát cho biết họ đi cafe mỗi ngày.

Nhịn uống cafe có thực sự giúp bạn tiết kiệm tiền?

Với mức chi như trên, những người này có thể đã chi từ 14-25 triệu/năm cho việc uống cafe. Một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng đây là số tiền quá lớn, mà đáng nhẽ họ đã có thể dùng để tiết kiệm mỗi năm.

Đây có thể coi là một latte factor - những khoản chi nhỏ hàng ngày ta ít để ý tới, song khi cộng dồn lại có thể lớn hơn nhiều so với ta nghĩ (như tiền cafe, trà sữa, ăn ngoài…). Nó thường bị coi như một “lỗ hổng” khiến tiền của bạn ngấm ngầm thất thoát.

Theo tác giả David Bach - người phát minh ra thuật ngữ này, latte factor hầu hết là những khoản chi không thiết yếu, có thể loại trừ/thay thế bằng những lựa chọn miễn phí hoặc rẻ hơn để xây dựng quỹ tiết kiệm/đầu tư. Dù vậy, chuyên gia tài chính Matt Paulson lại có nhận định khác.

Nên nhìn nhận latte factor như thế nào?

Theo chia sẻ của Matt Paulson trên Medium, latte factor có mặt tích cực lớn nhất là giúp bạn nhận thấy tầm quan trọng của việc tiết kiệm, cũng như tâm lý khiến bạn chi tiêu những khoản tiền này. Một khi nắm được latte factor, bạn sẽ quản lý tài chính hiệu quả hơn, tránh tiêu xài “vô tội vạ”. Dù vậy, latte factor có thể dẫn tới 2 hiểu lầm phổ biến sau:

Hiểu lầm số 1: Latte factor là tiêu sản, không mang về nhiều giá trị cho bạn

Theo định nghĩa được đa số các chuyên gia tài chính áp dụng, tài sản là các thứ giúp bạn kiếm thêm tiền, tiết kiệm hoặc tạo ra thu nhập thụ động. Ngược lại, tiêu sản là những thứ chỉ lấy đi tiền của bạn mà không mang lại giá trị gì.

Cách định nghĩa và giải pháp của David Bach đang thiên về hướng thứ hai - rằng latte factor là tiêu sản. Dù vậy, nó hoàn toàn bỏ qua yếu tố hoàn cảnh. Không phải lúc nào mua cafe, trà sữa hay ăn ngoài bạn cũng mất đi một khoản tiền mà không thu về được gì.

Trước kia các cụ có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện”, còn bây giờ ta thay miếng trầu thành cốc cafe. Chúng ta ngồi cafe không chỉ để thỏa mãn cơn thèm cafe, mà còn để kết nối với những người bạn cũ, xây dựng các mối quan hệ mới và nhiều hơn thế nữa. Như vậy, một cốc cafe vài chục nghìn có thể mang về cho bạn một hợp đồng làm ăn trị giá lớn hơn gấp nhiều lần.

Một cốc cafe vài chục nghìn có thể mang về cho bạn một hợp đồng làm ăn trị giá lớn hơn gấp nhiều lần.
Một cốc cafe vài chục nghìn có thể mang về cho bạn một hợp đồng làm ăn trị giá lớn hơn gấp nhiều lần.

Việc ăn ngoài hoặc gọi giao đồ ăn cũng tương tự như vậy. Những lúc quá bận rộn, bạn bỏ ra một số tiền để có bữa ăn nóng hổi sẵn sàng, tiết kiệm thời gian đi chợ, vào bếp.

Dù tự mua đồ nấu có thể rẻ hơn, nhưng với một số người, thời gian thực sự là tiền bạc. Thay vì nấu nướng, họ có thể dùng thời gian đó nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng, hoặc làm các việc khác mang lại thêm nhiều tiền hơn nữa.

Hiểu lầm số 2: Bạn chỉ có thể tiết kiệm bằng cách hy sinh các niềm vui nhỏ

Công thức “thay vì tiêu X đồng cho latte factor trong Y tháng, bạn tiết kiệm rồi cộng dồn lại sẽ có được Z đồng” dường như được áp dụng cho hầu hết các khoản chi này. Điều này dẫn đến một lối tư duy hạn chế về tiền tài, rằng tài sản là hữu hạn và ta chỉ có thể kiếm được một số tiền nhất định suốt cuộc đời.

Thế nên để có tiền tiết kiệm hay đầu tư, ta chỉ còn cách hy sinh những niềm vui nhỏ mà latte factor mang lại. Việc tiêu tiền vào bất cứ khoản nào không thiết yếu cũng đều là “tội lỗi”. Tư duy này hoàn toàn dễ hiểu, đặc biệt trong thời kinh tế suy thoái, chi phí sống tăng cao trong khi lương không tăng mấy.

Tuy nhiên thực tế không hoàn toàn như vậy. Ngày nay có nhiều cách giúp bạn đa dạng hóa nguồn thu nhập: làm freelance, xây dựng content, thiết kế khóa học hoặc đầu tư.

Có nhiều cách giúp bạn đa dạng hóa nguồn thu nhập.
Có nhiều cách giúp bạn đa dạng hóa nguồn thu nhập.

Riêng về đầu tư, bạn có thể bắt đầu với số tiền tương đối nhỏ (chỉ khoảng vài trăm nghìn). Có nhiều hình thức đầu tư bạn có thể lựa chọn: bất động sản, trái phiếu hay chứng khoán, chỉ cần bạn chịu khó tìm hiểu. Bạn có thể nhờ sự giúp đỡ của tư vấn viên tài chính để tìm ra hình thức đầu tư phù hợp nhất với mình.

Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý rằng, thu nhập tăng lên cũng dễ khiến chi tiêu của bạn bị “phình” ra theo. Vì vậy ngay trước khi bắt đầu đầu tư, bạn nên có kế hoạch quản lý, phân bổ tài chính phù hợp để tránh lạm phát chi tiêu, bảo đảm mục tiêu tiết kiệm.

Vậy thì nhịn uống cafe có thực sự giúp bạn tiết kiệm tiền?

Về lý thuyết thì có, nhưng điều này chỉ xảy ra trong hoàn cảnh lý tưởng. Còn thực tế luôn rất khác với những gì chúng ta nghĩ. Bạn khó có thể hoàn toàn không uống cốc cafe (hoặc trà sữa) nào suốt 365 ngày trong năm.

Đó là chưa kể khả năng tự kỷ luật của chúng ta có hạn, bạn càng cấm cản bản thân thì não bộ lại càng muốn điều ngược lại. Và nếu từ chối mọi kèo cafe/trà sữa được mời, bạn có thể bỏ lỡ một số cơ hội kết nối, hợp tác quan trọng mang về cho bạn những giá trị lớn hơn.

Vậy thay vì lựa chọn giữa tận hưởng hay tiết kiệm, tại sao ta không làm cả hai? Thay vì quy đổi trà sữa/cafe thành tiền tiết kiệm và “trừng phạt” bản thân nếu trót uống, bạn trích riêng 2 khoản ngân sách cho 2 việc này mỗi tháng. Một khoản soft saving để uống trà sữa, cafe hay ăn ngoài; một khoản để tiết kiệm và đầu tư theo hình thức bạn lựa chọn.

Để thuận tiện, bạn có thể lập riêng tài khoản ngân hàng cho từng hạng mục và đặt chế độ tự động chuyển tiền từ tài khoản chính vào hàng tháng. Làm cách này bạn sẽ tự "khoán" được số tiền mình được phép dùng đi uống cafe, và vẫn đạt được cả hai mục tiêu mà không phải hy sinh điều gì cả.

Theo: Vietcetera

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM