Cách tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định mới nhất 2023

Làm thế nào để biết mình phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và nếu phải đóng thì đóng bao nhiêu? Bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về thuế TNCN, cách tính thuế TNCN đơn giản và chính xác nhất. Mời các bạn cùng theo dõi.

Cách tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định mới nhất 2023

1. Thuế thu nhập cá nhân là gì?

Thuế thu nhập cá nhân là khoản tiền phải trích nộp từ một phần tiền lương và nguồn thu khác của người tạo ra thu nhập đóng cho cơ quan Thuế để nộp vào ngân sách nhà nước sau khi đã được giảm trừ. Thuế TNCN hiện nay không áp dụng đối với các cá nhân có thu nhập thấp dưới mức quy định định phải đóng thuế.

Người lao động nộp thuế thu nhập cá nhân có người phụ thuộc cũng sẽ được giảm trừ thuế theo quy định.

Như vậy có thể thấy người có thu nhập càng cao thì mức thuế TNCN phải nộp sẽ càng lớn.

1.1. Đối tương áp dụng tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương và tiền công

Căn cứ theo điều 2 luật, Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi năm 2012 quy định về đối tượng nộp thuế gồm 2 nhóm đối tượng sau:

(1) Cá nhân cư trú là cá nhân có nơi ở/ nhà thuê thường xuyên tại Việt Nam theo quy định của pháp luật với thời hạn của các hợp đồng thuê nhà từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế hoặc cá nhân có nơi ở thường xuyên, có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong 1 năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Trong đó, ngày đến và ngày đi sẽ được tính là 1 ngày.

02 trường hợp áp dụng tính thuế TNCN của cá nhân cư trú là:

  • Cá nhân ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên;

  • Cá nhân ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động.

(2) Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng đủ điều kiện của cá nhân cư trú thì được xác định là cá nhân không cư trú thường là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

1.2. Căn cứ pháp lý về thuế thu nhập cá nhân

  1. Luật Thuế TNCN năm 2007;

  2. Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2012;

  3. Thông tư 111/2013/TT-BTC;

  4. Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14.

2. Cách tính thuế thu nhập cá nhân năm 2023

Trước khi tính thuế TNCN, người nộp thuế cần xác định được là cá nhân cư trú hay cá nhân không cư trú bởi cách tính thuế thu nhập cá nhân được áp dụng đối 2 đối tượng này là khác nhau. Cụ thể:

2.2. Cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú

Trường hợp 1: Cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên và có nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công.

Các công thức áp dụng tính thuế thu nhập cá nhân:

(1): [Thuế thu nhập cá nhân cần nộp] = [Thu nhập tính thuế] x [Thuế suất]

(2): [Thu nhập tính thuế] = [Thu nhập phải chịu thuế] - [Các khoản giảm trừ]

(3): [Thu nhập phải chịu thuế] = [Tổng tiền lương nhận được] - [Các khoản được miễn thuế]

Người nộp thuế áp dụng các công thức tính số (1), (2) và (3) để tính mức thuế thu nhập cá nhân phải nộp theo các bước như sau:

Bước 1: Tính tổng thu nhập (tiền lương) nhận được.

Bước 2: Tính các khoản được miễn thuế.

Các khoản thu nhập được miễn thuế (nếu có) từ tiền lương tiền công gồm:

- Khoản tiền lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm được trả cao hơn so với tiền lương làm việc trong thời gian hành chính.

- Thu nhập của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế hoặc hãng tàu của nước ngoài.

Bước 3: Tính thu nhập phải chịu thuế áp dụng công thức số (3).

Bước 4: Tính các khoản giảm trừ.

Các khoản giảm trừ bao gồm:

- Giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế là 132 triệu đồng/năm tương đương 11 triệu/ tháng và đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

- Giảm trừ các khoản đóng bảo hiểm, đóng góp từ thiện, khuyến học, nhân đạo và quỹ hưu trí tự nguyện.

Bước 5: Tính thu nhập tính thuế theo công thức (2).

Để tính thuế suất người tính thuế áp dụng bảng biểu thuế lũy tiến từng phần được quy định tại Điều 22, Luật Thuế TNCN năm 2007 theo bảng sau:

Bảng: Biểu thuế luỹ tiến từng phần

Bậc thuế Phần thu nhập tính thuế/năm
(triệu đồng)
Phần thu nhập tính thuế/tháng
(triệu đồng)
Thuế suất
(%)
1 Đến 60 Đến 5 5
2 Trên 60 đến 120 Trên 5 đến 10 10
3 Trên 120 đến 216 Trên 10 đến 18 15
4 Trên 216 đến 384 Trên 18 đến 32 20
5 Trên 384 đến 624 Trên 32 đến 52 25
6 Trên 624 đến 960 Trên 52 đến 80 30
7 Trên 960 Trên 80 35

Các bậc tính thuế thu nhập cá nhân theo Luật thuế TNCN

Như vậy bạn căn cứ theo phần thu nhập tính thuế/tháng/năm của mình để xác định mức thuế suất tương ứng.

Áp dụng công thức (1) khi bạn đã biết được thu nhập tính thuế và thuế suất bạn sẽ tính ra được thuế thu nhập cá nhân cần nộp.

Như vậy khi đã biết được "thu nhập tính thuế" và "thuế suất" sẽ có 2 phương pháp tính thuế thu nhập cá nhân cần nộp như sau:

1 - Phương pháp lũy tiến bằng cách tính số thuế phải nộp theo từng bậc thuế, sau đó cộng lại theo theo bảng thuế lũy tiến.

2 - Phương pháp rút gọn bạn tính thu nhập tính thuế và áp dụng bảng dưới đây để tính ra số thuế TNCN phải nộp:

Bảng: Cách tính số thuế TNCN phải nộp theo phương pháp tối giản

Bậc  Thu nhập tính thuế  Thuế suất Cách tính số thuế TNCN phải nộp
Cách tính 1 Cách tính 2
1 Đến 5 triệu  5% 0 triệu + 5% thu nhập tính thuế  5% thu nhập tính thuế
2 Trên 5 triệu - 10 triệu 10% 0,25 triệu + 10% thu nhập tính thuế trên 5 triệu 10% thu nhập tính thuế - 0,25 triệu
3 Trên 10 triệu - 18 triệu 15% 0,75 triệu + 15% thu nhập tính thuế trên 10 triệu 15% thu nhập tính thuế - 0,75 triệu
4 Trên 18 triệu - 32 triệu 20% 1,95 triệu + 20% thu nhập tính thuế trên 18 triệu 20% thu nhập tính thuế - 1,65 triệu
5 Trên 32 triệu - 52 triệu 25% 4,75 triệu + 25% thu nhập tính thuế trên 32 triệu 25% thu nhập tính thuế - 3,25 triệu
6 Trên 52 triệu - 80 triệu 30% 9,75 triệu + 30% thu nhập tính thuế trên 52 triệu 30 % thu nhập tính thuế - 5,85 triệu
7 Trên 80 triệu 35% 18,15 triệu + 35% TNTT trên 80 triệu 35% TNTT - 9,85 triệu

Trường hợp 2: Cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng.

Căn cứ điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định như sau:

Cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động mà có tổng mức trả thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập (khấu trừ luôn trước khi trả tiền).

Lưu ý: Trừ các trường hợp làm cam kết theo Mẫu 08/CK-TNCN nếu đủ điều kiện trên.

Công thức tính thuế TNCN phải nộp áp dụng như sau:

[Thuế thu nhập cá nhân phải nộp] = 10% x [Tổng thu nhập trước khi trả]

2.2. Cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân không cư trú

Theo quy định thì các cá nhân không cư trú sẽ không được tính khoản giảm trừ gia cảnh nên chỉ cần có thu nhập chịu thuế > 0 sẽ phải nộp thuế thu nhập với mức thuế suất 20%/thu nhập chịu thuế;

Các khoản được giảm trừ gồm: khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, đóng góp khuyến học, nhân đạo, làm từ thiện.

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 18 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định số thuế TNCN phải nộp đối với cá nhân không cư trú sẽ được tính theo công thức sau:

[Thuế thu nhập cá nhân phải nộp] = 20% x [Thu nhập chịu thuế]

Trong đó, thu nhập chịu thuế bằng tổng tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập khác mà cá nhân nộp thế nhận được trong kỳ tính thuế và được xác định như thu nhập chịu thuế của cá nhân cư trú.

3. Cách tính thuế thuế thu nhập cá nhân online năm 2023

Thay vì phải áp dụng các công thức tính như đã đề cập bên trên, hiện nay người nộp thuế có thể tính thuế TNCN trực tuyến trên hệ thống tính thuế thu nhập cá nhân như sau:

3.1. Cách tính thuế TNCN online trên luatVietNam

Cách tính thuế TNCN online trên hệ thống của Luatvietnam
Cách tính thuế TNCN online trên hệ thống của Luatvietnam

Bước 1: Truy cập vào hệ thống tính thế TNCN của LuatVietNam - https://luatvietnam.vn/tinh-thue-thu-nhap-ca-nhan.html (1).

Bước 2: Nhập tổng thu nhập (*) (bắt buộc). Ví dụ Tổng thu nhập của bạn là 20 triệu/ tháng (2).

Bước 3: Nhập số người phụ thuộc. Ví dụ là 2 (3).

Bước 4: Nhận kết quả về Thuế TNCN phải nộp của cá nhân. Như vậy thuế thu nhập bạn phải nộp trong tháng đó là 10.000 VNĐ (4).

Lưu ý: (*) Tổng thu nhập: gồm lương tháng (đã trừ bảo hiểm bắt buộc) và thưởng.

  • Áp dụng đối với tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công;

  • Áp dụng đối với người nhận lương net (lương nhận được đã trừ bảo hiểm 10.5%).

Diễn giải cách tính thuế TNCN trên như sau:

  • Giảm trừ bản thân = 11.000.000đ

  • Giảm trừ người phụ thuộc = 2 x 4.400.000 = 8.800.000đ

  • Thu nhập chịu thuế = 20.000.000 - 11.000.000 - 8.800.000 = 200.000đ

+ Bậc 1: Thu nhập tính thuế đến 05 triệu đồng, thuế suất 5%: 200.000 × 5% = 10.000đ

Như vậy, Thuế thu nhập cá nhân của người nộp thuế = 10.000đ

3.2. Cách tính thuế thu nhập cá nhân trên Thuvienphapluat

Để thực hiện tính thuế thu nhập cá nhân online sử dụng tiện ích tính thuế TNCN của thuvienphapluat, bạn thực hiện các bước như hướng dẫn sau:

Tính thuế thu nhập cá nhân online trên trang thuvienphapluat
Tính thuế thu nhập cá nhân online trên trang thuvienphapluat

Bước 1: Bạn tru cập tiện ích tính thuế TNCN của Thuvienphapluat - https://thuvienphapluat.vn/tien-ich/tinh-thue-thu-nhap-ca-nhan.html (1);

Bước 2: Nhập thu nhập tháng,thường tính bằng tiền lương ghi trên hợp đồng. Ví dụ là 20 triệu/ tháng (2);

Bước 3: Nhập lương đóng bảo hiểm, nếu bạn không tự nộp bảo hiểm thì mức đóng này =0 (3);

Bước 4: Nhập số người phụ thuộc. Ví dụ người nộp thuế có 2 người phụ thuộc là vợ/con thì điền là 2 (4);

Bước 5: Nhận kết qua thuế TNCN phải nộp (5).

Lưu ý: Thu nhập tháng thường tính bằng tiền lương ghi trên hợp đồng của tiện ích này là tổng thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Luật thuế TNCN, đã tính các khoản giảm trừ sau:

  • Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện.

  • Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

Mức tiền lương tháng thấp nhất để đóng BHXH không được thấp hơn mức tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.

Diễn giải cách tính thuế TNCN trên thuvienphapluat như sau:

  1. Mức đóng: BHXH (8%), BHYT (1,5%), BHTN (1%)

  2. Bảo hiểm bắt buộc = 0 x 8% + 0 x 1,5% + 0 x 1% = 0đ

  3. Giảm trừ bản thân = 11.000.000đ

  4. Giảm trừ người phụ thuộc = 2 x 4.400.000 = 8.800.000đ

  5. Thu nhập tính thuế = 20.000.000 - 0 - 11.000.000 - 8.800.000 = 200.000đ

  6. Mức thuế áp dụng đối với 200.000 theo bảng biểu thuế lũy tiến từng phần là 5%

  7. Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 200.000 x 5% = 10.000đ

Như vậy với 2 cách tính thế thu nhập cá nhân online trên đây người nộp thuế có thể dễ dàng tính được mức thuế TNCN phải nộp của mình một cách dễ dàng và thuận tiện.

Xác định các khoản giảm trừ để tính thu nhập tính thuế
Xác định các khoản giảm trừ để tính thu nhập tính thuế

4. Thu nhập chịu thuế và các khoản giảm trừ thuế TNCN

Thu nhập chịu thuế là tổng thu nhập mà cá nhân được chi trả, không bao gồm các khoản dưới đây:

  1. Tiền ăn trưa, ăn giữa các ca làm việc.

  2. Tiền phụ cấp điện thoại.

  3. Tiền phụ cấp trang phục.

  4. Tiền công tác phí.

  5. Thu nhập từ phần tiền lương hoặc tiền công mà lao động làm thêm giờ, làm đêm.

4.1. Các khoản giảm trừ thuế TNCN

(1) Giảm trừ gia cảnh.

Theo Luật Thuế TNCN giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng chịu thuế là cá nhân cư trú.

Căn cứ theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 mức giảm trừ gia cảnh năm 2023 như sau:

Giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế là 11 triệu/ tháng (132 triệu/năm) và giảm trừ đối với người phụ thuộc là 4,4 triệu/người/tháng.

(2) Các khoản BHXH bắt buộc (BHXH, BHYT, BHTN) và bảo hiểm trong một số lĩnh vực nghề nghiệp đặc biệt.

(3) Các khoản cá nhân đóng góp cho từ thiện, khuyến học hoặc nhân đạo: Mức giảm trừ tối đa không vượt quá thu nhập tính thuế và phải có tài liệu chứng minh.

Trong đó, điều kiện để tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là:

- Người nộp thuế sẽ được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu đã đăng ký và được cấp mã số thuế.

- Người nộp thuế cần có hồ sơ chứng minh người phụ thuộc.

5. Cách giảm thuế thu nhập cá nhân phải nộp

Hiện nay có không ít trường hợp 2 người lao động cùng làm việc tại 1 công ty với mức lương 30.000.000đ/tháng cho cùng một chức vụ và cùng một mức thăm gia đóng BHXH như nhau nhưng mức thuế TNCN A phải nộp là 2.150.000đ còn B chỉ phải nộp 780.000đ tiền thuế TNCN.

Cách giảm thuế thu nhập cá nhân phải nộp

Nguyên nhân của sự chênh lệch tiền thuế TNCN phải nộp của B ít hơn so với A như trên là do sự khác nhau về mức giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc. Cụ thể:

Lao động B có 2 người phụ thuộc (có thể là mẹ, vợ, con hoặc người khác theo quy định của Pháp luật) trong khi A không có người phụ thuộc.

Do đó khi có người phụ thuộc người nộp thuế nên làm tờ khai đăng ký người phụ thuộc để được giảm trừ gia cảnh và giảm số tiền thuế TNCN phải nộp.

Qua bài viết trên đây mình đã gửi tới các bạn những thông tin cập nhật mới nhất có liên quan đến thuế thu nhập cá nhân và các cách tính thuế TNCN đơn giản và dễ thực hiện. Mong rằng có thể mang lại cho các bạn những thông tin hữu ích nhất.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM