Nghiên cứu đột phá đã tìm ra thứ giúp loài "siêu nhân" tuyệt chủng Neanderthals có bộ não tăng gấp đôi kích thước chỉ trong 200.000 năm.
Người Neanderthals, một loài người đã tuyệt chủng được coi là "anh em" gần gũi của loài người hiện đại Homo sapiens chúng ta. Các bằng chứng khảo cổ cho thấy họ có một thân hình săn chắc, khỏe mạnh, có nhiều kỹ năng phát triển sớm như bện sợn, đan lưới, là những thợ săn siêu hạng.
Người Neanderthals được coi là một loài "siêu nhân" của chi Người - Ảnh: Science Photo Library
Đặc biệt, người Neanderthals có hộp sọ to hơn cả Homo sapiens, chứa một bộ não lớn.Một nghiên cứu vừa công bố trên Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) cho thấy thói quen bữa ăn ngoài rau, thịt nhất thiết phải có cơm, bánh mì... của chúng ta ngày nay thực chất đã phát triển tiềm tàng 1 triệu năm trước, từ loài Neanderthals cổ xưa hơn.
Sốc hơn, chính việc tiêu thụ tinh bột đã thúc đẩy bộ não người Neanderthals phát triển một cách nhanh chóng, tăng gấp đôi kích thước chỉ trong 200.000 năm. Thói quen này được duy trì ở loài sinh sau đẻ muộn là chúng ta, vốn cũng tách ra từ một tổ tiên chung với người Neanderthals.
Theo Acient Origins, 50 nhà khoa học đến từ 41 tổ chức thuộc 13 quốc gia đã mất 7 năm cho nghiên cứu này, nhằm đối chiếu các mảng bám răng của người Neanderthals, người hiện đại trước và sau "cách mạng nông nghiệp" 10.000 năm trước, tinh tinh hoang dã, khỉ gorilla và khỉ rú Trung Mỹ.
Hộp sọ Neanderthals có kích cỡ vượt trội để chứa đựng bộ não lớn - Ảnh: Bảo tàng Hoàng gia Trung Phi
"Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đang nhìn thấy bằng chứng về một hành vi thực sự cổ xưa có thể là một phần của quá trình não hóa. Đó là bằng chứng về một nguồn thực phẩm mới mà con người ban đầu có thể khai thác ở dạng rễ, rau giàu tinh bột và hạt" – giáo sư Christina Warinner từ Đại học Havard (Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Cũng giống như các nghiên cứu gần đây cho thấy, hệ vi sinh vật như một "bộ não thứ 2" của cơ thể, ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động não bộ và các chức năng khác. Thức ăn lại ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật ở miệng và đường ruột. Do đó, sự kiện bắt đầu dùng tinh bột như một nguồn thực phẩm chính đã tác động sâu sắc đến não người Neanderthals, góp phần biến họ thành "siêu nhân".
Theo Science Alert, phát hiện này đến từ việc tái tạo thành công hệ vi sinh vật 100.000 năm tuổi của người Neanderthal từ Hang động Pešturina ở Serbia. Các tác giả cho rằng nghiên cứu này còn giúp chúng ta đánh giá toàn diện hơn tác động của hệ vi sinh vật đối với con người nói chung.