TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ... SAI CHÍNH TẢ: Các tác giả đừng quanh co nữa!

PGS-TS Hoàng Dũng đã nhận xét như thế về phản hồi của chủ biên "Từ điển chính tả tiếng Việt" đối với những lời phê bình, "nhặt sạn" lỗi trong cuốn từ điển này.

TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ... SAI CHÍNH TẢ: Các tác giả đừng quanh co nữa!

Hoàng Tuấn Công viết bài phê bình cuốn "Từ điển chính tả tiếng Việt" do PGS-TS Hà Quang Năng (chủ biên) và ThS Hà Thị Quế Hương biên soạn, đăng hai kỳ trên Báo Người Lao Động(https://nld.com.vn/van-nghe/tu-dien-chinh-ta-sai-chinh-ta--20200606202046984.htm; https://nld.com.vn/van-nghe/tu-dien-chinh-ta-sai-chinh-ta-nhieu-loi-nang-den-kho-tin-20200607224718991.htm). 

Người chủ biên liền có bài trả lời (https://nld.com.vn/van-nghe/tu-dien-chinh-ta-sai-chinh-ta-chu-bien-sach-noi-do-la-muc-dich-bien-soan--20200608211055253.htm).

Sau đây là mấy nhận xét của tôi về bài trả lời này.

Mục đích biên soạn

Chủ biên: "Mục đích của tôi là chỉ cung cấp những từ ngữ ấy để mọi người đọc, hiểu và giúp cho những người biên soạn từ điển dựa vào đó để xây dựng bảng từ".

Nhận xét: Từ điển chính tả không bao giờ hướng đến mục đích "giúp cho những người biên soạn từ điển dựa vào đó để xây dựng bảng từ". Mục đích ấy lớn quá và từ điển chính tả, do chỉ tập trung vào trường hợp có thể sai chính tả, không thể đáp ứng được. Còn việc "cung cấp những từ ngữ ấy để mọi người đọc, hiểu" thì cũng không ổn: người ta tra từ điển chính tả không phải để hiểu từ, mà chỉ để biết từ ấy viết như thế nào là đúng chính tả. Thế thôi!

Nguyên tắc biên soạn

Chủ biên: "Muốn phán xét phải hiểu nguyên tắc, mục đích biên soạn của chúng tôi. Tôi không coi những cái đó là sai, vì ngay mục đích, nguyên tắc khi biên soạn cuốn sách tôi đã ghi rõ là chúng tôi cung cấp một hệ thống những từ ngữ được dùng trong tiếng Việt hiện nay, trong đó có cả những dạng chuẩn lẫn những dạng chưa chuẩn nhưng vẫn được dùng. Tôi đã tuyên bố rõ trong lời giới thiệu".

Nhận xét: Nguyên tắc biên soạn mà người chủ biên tuyên bố là không đúng. Nếu chủ trương như thế thì người biên soạn phải xác định dạng nào là chuẩn, dạng nào là chưa chuẩn như nhiều tác giả khác đã làm. Nếu không, phải đặt tên sách khác đi, chứ không thể là Từ điển chính tả được.

Xử lý chính tả cụ thể

Chủ biên: "[...] rất nhiều trường hợp có nhiều cách viết khác nhau mà không có cách nào được coi là chuẩn tuyệt đối vì không ai đủ tư cách để đứng ra đánh giá cái này đúng hơn cái kia".

Nhận xét: Quả đúng như chủ biên nói. Nhưng đó không phải là những trường hợp viết sai mà Hoàng Tuấn Công chỉ ra. Ngay chính ví dụ "xét sử" mà người chủ biên dẫn ra, đã cho thấy biện bạch của ông không thuyết phục. Ông nói: "Ví dụ "xét sử", viết S là nằm ở trong mục S, được hiểu là xem xét lại lịch sử. 

Ở mục X, tôi vẫn có "xét xử" với nghĩa là xử án". Hãy tưởng tượng có người muốn viết về hoạt động của tòa án nhưng phân vân không biết viết "xét xử" thì "xử" viết S hay X, tra từ điển này thấy ghi "xét sử" thì chắc hẳn yên tâm viết theo từ điển. Nếu tác giả quả có chủ tâm đưa vào từ điển "xét sử" (rất hiếm khi dùng), phân biệt với "xét xử", thì lẽ ra phải cho ngữ cảnh để người đọc không thể nhầm lẫn. Mặt khác, người đọc có thể đặt câu hỏi (rất chính đáng): Tại sao trong trường hợp này, tác giả không ghi ở mục "xét xử" là "cv [cũng viết] xét sử") như cách xử lý của chính cuốn từ điển này đối với rất nhiều từ khác? Tương tự, là trường hợp viết CH hay TR trong "con trai".

Riêng trường hợp "quốc", người chủ biên nói: "Từ "quốc", không nhất thiết phải viết là "q", không có quyển từ điển nào viết con chim quốc mà chỉ có trong bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan". Nhưng từ điển của ông không dẫn thơ Bà Huyện Thanh Quan; như thế, thì mặc nhiên ông thừa nhận lời phê bình của Hoàng Tuấn Công cho "trứng quốc" (như từ điển của ông ghi) là cách viết sai.

Theo Người Lao Động

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM