Ăn uống kiêng khem, tập luyện quá mức, phụ thuộc vào mạng xã hội hay quá lo lắng là những lỗi sai mà phụ nữ thường mắc phải khi cố tìm cách cân bằng hormone.
Hormone, hay nội tiết tố, trong cơ thể thay đổi theo từng giai đoạn tuổi tác. Những chất truyền tin hóa học này báo hiệu sự bắt đầu của tuổi dậy thì, sự trưởng thành ở phụ nữ, sự kết thúc khả năng sinh sản khi đến lúc. Hormone cũng chịu trách nhiệm điều chỉnh một số quá trình trong cơ thể, chẳng hạn như quá trình trao đổi chất, chu kỳ giấc ngủ, chu kỳ sinh sản, nhiệt độ cơ thể và tâm trạng.
Sự lên xuống của hormone ở mỗi người là khác nhau, nhưng nhìn chung, chúng tuân theo một mô hình riêng biệt. Dù vậy, chúng có thể bị mất cân bằng, cho dù là do hoàn cảnh bên trong hay bên ngoài, và dẫn đến các vấn đề về sức khỏe.
Theo phòng khám sức khỏe phụ nữ và mãn kinh Hormone Health, mất cân bằng hormone đôi khi có thể dẫn đến các triệu chứng như mệt mỏi, tăng cân, ngứa da, tâm trạng chán nản và các triệu chứng khác.
Tình trạng này xảy ra khi "có quá nhiều hoặc quá ít hormone" trong các chu kỳ sinh sản như kinh nguyệt, mang thai và mãn kinh ở phụ nữ. Chúng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố lối sống và một số tình trạng bệnh lý. Các triệu chứng mất cân bằng hormone có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày, khiến bạn tìm cách làm giảm tình trạng này hoặc đưa mức hormone trở lại trạng thái cân bằng.
Theo Google Trends, năm 2023 chứng kiến một gia tăng đáng kể về sự quan tâm đến cụm từ tìm kiếm "cân bằng hormone cho phụ nữ" tại Vương quốc Anh. Trong khi đó, các hashtag #hormonebalance và #hormonebalancing đã thu hút hơn 306 triệu lượt xem trên TikTok.
Nhưng làm thế nào để cân bằng hormone và tại sao điều này lại quan trọng? Chuyên gia dinh dưỡng và chuyên gia về hormone Hannah Alderson chỉ ra những sai lầm phổ biến mà phụ nữ thường mắc phải khi cố gắng tìm cách cân bằng hormone phù hợp, bao gồm:
Chế độ ăn uống
Nhiều người có thể nghĩ rằng ăn kiêng là chìa khóa để có hormone hạnh phúc, nhưng Alderson cho biết điều này không đúng. Theo bà, cơ chế sinh tồn của cơ thể con người coi cơn đói là "mối đe dọa lớn nhất".
Bà nói thêm: "Đây là lý do tại sao chế độ ăn kiêng không hiệu quả về lâu dài. Trong các nghiên cứu, người ta đã kết luận rằng trong thời gian ăn uống không đủ chất, các phản ứng chuyển hóa và hành vi bù trừ sẽ xảy ra, làm giảm sự thiếu hụt năng lượng... Điều đó có nghĩa là quá trình trao đổi chất của bạn sẽ thích nghi bằng cách giảm sự thiếu hụt để tăng cơ hội sống sót".
Alderson cho hay trên thực tế, việc ăn kiêng khiến cơ thể bạn cố gắng hấp thụ những phần của chế độ ăn bị hạn chế, các thực phẩm chế biến ít dinh dưỡng, kiểu ăn hay tập thể dục gây căng thẳng, từ đó gây ảnh hưởng đến nội tiết tố.
Tập luyện
Các xu hướng thể dục gần đây đã nhấn mạnh đến các bài tập cường độ cao ngắt quãng (HIIT), bao gồm các đợt hoạt động rất mạnh được thực hiện giữa các khoảng thời gian nghỉ ngắn. Tuy nhiên, Alderson cảnh báo rằng các bài tập quá mức có thể không tốt cho sức khỏe hormone.
"Cố gắng trở nên hoàn hảo là một sai lầm khác. Không có chế độ ăn uống hoàn hảo nào cả, vì điều quan trọng là những gì bạn làm trong phần lớn thời gian", cô nói. "Nghiên cứu hiện cho thấy cách tiếp cận bài tập khó hơn, nhanh hơn, mạnh hơn đối với phụ nữ có thể gây ra rối loạn chức năng hormone và gây áp lực lên phản ứng căng thẳng của bạn thông qua trục HPA".
Trục HPA (trục dưới đồi-tuyến yên-tuyến thượng thận) đề cập đến mối quan hệ của hệ thần kinh trung ương và hệ thống nội tiết trong việc điều chỉnh sự cân bằng của hormone để đáp ứng với căng thẳng.
Căng thẳng khiến các hệ thống này giải phóng cortisol, điều chỉnh lượng đường trong máu, quá trình trao đổi chất và huyết áp. Tuy nhiên, nồng độ cortisol quá cao có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất các hormone như estrogen và progesterone, dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không đều và thay đổi lưu lượng kinh nguyệt.
Phương tiện truyền thông xã hội
Như được chứng minh bằng sự phổ biến của các hashtag #hormonebalance và #hormonebalancing trên TikTok, ngày càng có nhiều người tìm đến phương tiện truyền thông xã hội để tìm giải pháp cho các vấn đề của họ. Nhưng Alderson cảnh báo rằng có rất nhiều thông tin sai lệch trên internet và hiện tiếp cận các cô gái trẻ hay phụ nữ "ở quy mô khổng lồ".
"Điều này thật đáng lo ngại, vì mọi người có khả năng bị dẫn dắt sai hướng - tôi thấy điều này hàng ngày tại phòng khám tư của mình", cô nói. "Cuối cùng, khi bất kỳ ai tham gia vào xu hướng truyền thông xã hội hoặc chấp nhận thông tin sai lệch, họ có thể cảm thấy đó là lựa chọn duy nhất còn lại".
Sợ hãi, lo lắng
Thay vì sợ ảnh hưởng của mất cân bằng hormone, Alderson thúc giục mọi người học cách "làm việc với các hormone, không phải chống lại chúng".
"Học cách tạo ra môi trường để hormone phát triển mạnh và bạn có thể mở ra một thế giới tích cực cho năng lượng, vòng eo, giấc ngủ, tâm trạng và hạnh phúc của mình", cô nói. "Nghiên cứu cho chúng ta biết rằng mất cân bằng hormone phát sinh từ các yếu tố di truyền và môi trường bao gồm tình trạng viêm do chế độ ăn uống, cortisol tăng cao, nhịp sinh học không ổn định và tiếp xúc với các chất gây rối loạn nội tiết (ví dụ như nhựa và các sản phẩm). Có thể có những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn khi nói đến hormone, nhưng nhiều yếu tố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các quyết định bạn đưa ra".
Cách tiếp cận tích cực đối với hormone
Để bắt đầu áp dụng một cách tiếp cận tích cực để cân bằng hormone của bạn, Alderson gợi ý những gì cô gọi là Phương pháp tích cực, bao gồm:
- Cân bằng lượng đường trong máu của bạn;
- Ăn thực phẩm nguyên chất nhiều màu sắc và giảm tiếp xúc với độc tố;
- Cải thiện giấc ngủ và nhịp sinh học;
- Vận động: Tập trung vào việc rèn luyện sức mạnh và xây dựng khối lượng cơ xương;
- Sống tích cực: Khơi dậy niềm vui, sự sáng tạo và tình yêu bản thân;
- Không xấu hổ: Hãy từ bỏ sự tự phán xét và chủ nghĩa hoàn hảo.
Theo: Hướng Dương - Ngôi Sao | Yahoo UK
https://ngoisao.vnexpress.net/sai-lam-phu-nu-thuong-mac-khi-co-gang-can-bang-noi-tiet-to-4815923.html