Từ “con nợ” đến “bậc thầy kiếm tiền”: Biết thay đổi tư duy, bạn vẫn sẽ trở nên giàu có ngay cả khi nợ ngập đầu

Nợ nần không chỉ đem lại những áp lực về kinh tế, nó còn khiến bạn mệt mỏi và chán nản về cuộc sống. Làm sao để thoát khỏi vòng xoáy nợ nần và trở nên giàu có?

Zina Kumok, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính cá nhân, hiện là cố vấn tài chính được nhiều người nể phục. Tuy nhiên, ít ai biết được cô cũng từng là một “con nợ” với số tiền lên đến 28.000 USD. Đây là số tiền cô phải hoàn trả sau khi tốt nghiệp Đại học, vốn là cơn “ác mộng” đối với nhiều sinh viên thời bấy giờ. Song bằng phương pháp và tư duy quản lý tiền bạc hợp lý, Zina Kumok đã trả hết số nợ này trong 3 năm và thăng hoa trên hành trình trở thành cố vấn tài chính cá nhân chuyên nghiệp. 

Từ “con nợ” trở thành “bậc thầy kiếm tiền”, Zina Kumok đúc kết ra những lời khuyên hữu ích giúp bạn vượt “bẫy nợ” và phát triển năng lực tài chính cá nhân:

Nợ nần không phải lúc nào cũng là xấu

Nhiều năm làm việc với vai trò là cố vấn tài chính, Zina Kumok nhận thấy đa số mọi người cảm thấy xấu hổ khi lâm vào vòng xoáy nợ nần. Với họ, nợ nần chính là suy đồi về đạo đức, nhân cách và họ luôn xấu hổ khi nghĩ về những món nợ. Chính cảm giác mặc cảm, tội lỗi khiến họ khó lòng chia sẻ gánh nặng tài chính với gia đình, bạn bè thân thiết.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, Zina Kumok cho rằng việc giữ chặt “bí mật” này trong lòng chỉ làm vấn đề trở nên trầm trọng và khó giải quyết hơn. Zina Kumok luôn khuyến khích các khách hàng của cô trò chuyện cởi mở, trung thực với bạn đời, những người bạn thân thiết về tiền bạc và những khó khăn bạn gặp phải. Chí ít, họ sẽ không rủ bạn tham gia vào các cuộc vui vô bổ nếu biết bạn đang túng thiếu.

Hơn nữa, cảm giác xấu hổ sẽ ngăn bạn tìm kiếm sự giúp đỡ. Thực tế, có rất nhiều tổ chức tín dụng đồng ý cho bạn vay tiền với lãi suất thấp dựa trên khả năng chi trả của bạn. Do đó, đừng sợ chia sẻ điều bạn muốn.

Xây dựng thói quen chi tiêu, tránh “bẫy” mua sắm online

Từ “con nợ” đến “bậc thầy kiếm tiền”: Nợ nần không hẳn là xấu, thay đổi tư duy bạn vẫn sẽ trở nên giàu có ngay cả khi nợ ngập đầu - Ảnh 2.

Lời khuyên thứ hai Zina Kumok gửi đến các khách hàng của cô đó là xây dựng thói quen chi tiêu. Nếu bạn là “con nghiện” mua hàng online trên các sàn thương mại điện tử như Amazon hãy thử gỡ cài đặt các ứng dụng này; xóa thông tin thẻ tín dụng đã lưu tại các website và ứng dụng mua sắm trên điện thoại; thiết lập giới hạn thời gian cho mỗi website/ngày nếu truy cập bằng máy tính.

Hơn nữa, hãy dành ít nhất 24 giờ để cân nhắc trước khi quyết định mua một sản phẩm nào đó. Nếu sau 24 giờ, quyết định của bạn vẫn không thay đổi, đó có thể là sản phẩm bạn nên mua. Trong quá trình lướt các sàn thương mại điện tử, sẽ có vô số sản phẩm thu hút sự chú ý của bạn. Tuy nhiên, đừng vội ấn mua ngay, bạn có thể lưu sản phẩm đó vào danh sách mua sau và quay lại sau 24 giờ trước khi đưa ra quyết định mua hay không.

Đừng biến mình thành kẻ “keo kiệt, bủn xỉn”

Lập kế hoạch chi tiết, tiết kiệm là tốt. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý tiết kiệm khác với keo kiệt. Zina Kumok không mong đợi khách hàng của cô cảm thấy áp lực với thói quen chi tiêu mới. Bạn cần chi tiêu đúng mức nhưng vẫn phải cảm thấy vui vì những gì bạn đang làm.

Thực tế, bạn không cần phải loại bỏ tất cả các khoản chi tiêu không cần thiết khỏi ngân sách. Một chuyến du lịch hay một bộ quần áo mới đều có thể chấp nhận nếu bạn biết cách. Trong kế hoạch chi tiết, bạn có thể trích riêng một khoản cho các mục đích như vui chơi, giải trí, du lịch… Cảm xúc tích cực từ những khoản chi tiêu nhỏ và có kế hoạch này sẽ giúp bạn đi đúng hướng và không nản chí.

Cụ thể hóa lý do vì sao bạn cần tiết kiệm

Từ “con nợ” đến “bậc thầy kiếm tiền”: Nợ nần không hẳn là xấu, thay đổi tư duy bạn vẫn sẽ trở nên giàu có ngay cả khi nợ ngập đầu - Ảnh 3.

Trong suốt các buổi làm việc với khách hàng, Zina Kumok luôn hỏi khách hàng mục tiêu tài chính của họ là gì. Đa số câu trả lời cô thu nhận được là: trả nợ, tiết kiệm mua nhà, hoặc tiết kiệm tiền lúc về hưu.

Đây đều là những câu trả lời rất chung chung và không giúp ích chúng ta trong việc quản lý tài chính. Đã đến lúc bạn cần đi tìm lý do thực sự đằng sau những động cơ mua nhà, trả nợ… Hãy đặt những câu hỏi như tại sao bạn muốn mua nhà, tại sao bạn muốn thoát khỏi các món nợ và lý do gì khiến việc tiết kiệm tiền lúc về già lại quan trọng đối với bạn như vậy?

Càng cụ thể hóa lý do đằng sau những động cơ này sẽ giúp bạn có thêm động lực và sự kiên nhẫn để hiện thực hóa các mục tiêu trên. Ví dụ, bạn muốn thoát khỏi cảnh nợ nần để các con có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hãy tìm một bức ảnh thể hiện rõ nét lý do bạn muốn tiết kiệm tiền, treo chúng ở nơi dễ nhìn để luôn nhắc nhở bản thân về việc bạn tiết kiệm để làm gì.

Theo CNBC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM