5 thói quen khiến tiền của bạn không cánh mà bay

Thích mua đồ tráng miệng sau bữa trưa, tham dự các bữa tiệc đắt đỏ, đặt mục tiêu tiết kiệm rồi quên là những thói quen khiến tiền của bạn lặng lẽ chảy ra ngoài.

5 thói quen khiến tiền của bạn không cánh mà bay - Ảnh minh họa 1

Ảnh minh họa: Pinterest

Trang web Business Insider của Mỹ tóm tắt những thói quen quản lý tài chính xấu phổ biến nhất. Cho dù bạn kiếm được hay tiết kiệm được bao nhiêu, những thói quen này có thể trở thành tai họa tài chính. Cùng xem bạn có bao nhiêu thói quen khiến tiền "thoát ra ngoài" dưới đây.

1. Vô tình mua cà phê hoặc món tráng miệng trong bữa trưa với đồng nghiệp

Một số người có thể nghĩ: "Dạo này mình làm việc vất vả quá, sao không tự thưởng cho bản thân một bữa thịnh soạn nhỉ!". Thế là, một nhóm người bước vào một nhà hàng có giá cao hơn bình thường, cảm thấy thỏa mãn với đồ ăn, nhưng đồng thời cũng lờ đi sự thật rằng đây là một khoản chi phí phát sinh khác. Với cách tiêu xài này, không ngạc nhiên khi vào cuối tháng, chúng ta thường tự hỏi: "Tiền đã đi đâu hết rồi?".

Tệ hơn nữa là trên đường trở lại công ty, bạn đi ngang qua một quán cà phê và tự nghĩ: "Vẫn còn một buổi chiều dài phía trước!". Bạn liền mua một ít cà phê hoặc món tráng miệng để chiều bản thân. Kết quả của việc ngày nào cũng nghĩ "số tiền nhỏ này đáng gì" là cuối cùng bạn bị thâm hụt tài chính rất nhiều.

Cách để phá bỏ thói quen xấu này đơn giản là ghi chép chi tiêu. Nếu thấy việc này khó, bạn cũng có thể thử chia nhỏ ngân sách thành các khoản chi hàng tuần hoặc hàng ngày, chi tiêu ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn.

2. Khi nhìn thấy hóa đơn, bạn nghĩ 'sao đắt thế nhỉ?' nhưng không để tâm

Khi nhận được hóa đơn điện thoại di động hoặc sao kê chi tiêu thẻ tín dụng vào cuối tháng, bạn bị sốc và nghĩ: "Sao lại cao thế nhỉ?". Sau đó, bạn thanh toán hóa đơn mà không đọc kỹ thông tin chi tiết và vứt nó đi, rồi lại tiếp tục hành động tương tự vào tháng tiếp theo. Lấy ví dụ về hóa đơn điện thoại. Nếu không hiểu giá cước và chi tiết, bạn có thể lãng phí rất nhiều tiền.

Natalie Taylor, một nhà lập kế hoạch tài chính CFP tại Mỹ, cho biết: "Dòng tiền được chia thành ba loại: những gì có thể kiểm soát, những gì bạn có thể thay đổi và những gì không thể kiểm soát". Miễn là nghiên cứu kỹ lưỡng, xem xét các khoản chi tiêu, các hóa đơn hàng tháng là "những khoản chi tiêu bạn có thể thay đổi".

Lấy hóa đơn điện thoại di động làm ví dụ: Bạn gọi điện trong hay ngoài mạng nhiều hơn? Có thực sự cần thiết phải sử dụng truy cập Internet di động không giới hạn không? Bạn có thường xuyên trò chuyện trên điện thoại không? Bạn có thể sử dụng mạng xã hội để thay thế cuộc gọi điện thoại không? Đây đều là những thứ có thể tạo ra sự thay đổi.

3. Cố gắng sử dụng thời gian nghỉ để tham dự các bữa tiệc đắt đỏ

Tận dụng thời gian sau giờ làm việc để gặp gỡ những người bạn đã lâu không gặp, cùng nhau thưởng thức những món ăn ngon là một trong những thú vui nhỏ tuyệt vời nhất của dân văn phòng. Tuy nhiên, hãy suy nghĩ thật kỹ, bạn có luôn ăn những bữa thịnh soạn với người mà bạn thường gặp không?

Niềm vui đến từ những tương tác chân thành với bạn bè không hề giảm đi chỉ vì sự thay đổi trong món ăn bạn thích. Một cách tiếp cận tốt hơn là gặp nhau tại nhà của mỗi người và yêu cầu mọi người mang theo một món ăn đặc sản. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí mà việc chia sẻ đồ ăn tự làm thường mang lại nhiều chủ đề và niềm vui hơn.

4. Đăng ký thẻ thành viên và phiếu giảm giá, nhưng luôn giữ chúng trong túi cho đến khi hết hạn

5 thói quen khiến tiền của bạn không cánh mà bay

Ảnh minh họa: Pinterest

Bạn đã bao giờ nhiệt tình xin thẻ thành viên hoặc chọn phiếu giảm giá của cửa hàng nào đó chưa? Tuy nhiên, bạn luôn lại quên đổi điểm tích lũy trên thẻ thành viên, để nó trong ví cho tới khi hết hạn.

Cách thay đổi: Cất chúng vào ngăn dễ thấy nhất trong ví, cho vào một chiếc túi nhỏ trong suốt hoặc đặt trước ghế lái trên ô tô. Nói tóm lại, hãy đặt chúng ở nơi dễ nhìn thấy và dễ lấy nhất; một khi có cơ hội, đừng bao giờ quên tiết kiệm một ít tiền cho bản thân.

5. Đặt mục tiêu tiết kiệm nhưng quên thực hiện

Vào đầu năm, bạn quyết tâm "tiết kiệm một số tiền nhất định", nhưng sau đó không để tâm đến mục tiêu này. Bạn vẫn ăn những bữa ngon và mua những bộ quần áo mình thích... Khi năm sắp kết thúc, bạn mở sổ ghi chép và phát hiện ra: Mình đã thất bại.

Để thoát khỏi tình trạng bế tắc, bạn có thể thử cụ thể hóa mục tiêu tiết kiệm, chẳng hạn như viết ra con số và dán bên cạnh con heo đất; hoặc biến con số thành giấc mơ bạn muốn thực hiện bằng số tiền tiết kiệm, chẳng hạn như đi du lịch nước ngoài, thực hiện ước mơ mua nhà, dán bức tranh trong phòng để có thể nhìn thấy ngay khi ngước lên. Đừng để việc tiết kiệm tiền trở thành một điều đau đớn. Bạn cũng có thể chia nhỏ các mục tiêu dài hạn thành các hành động ngắn hạn.

Theo: Hằng Trần (Ngôi Sao) | CW

https://ngoisao.vnexpress.net/5-thoi-quen-khien-tien-khong-canh-ma-bay-4865108.html

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM