Mặc dù ngủ có thể làm giảm mệt mỏi về thể chất nhưng nó không thể làm giảm mệt mỏi về tinh thần.
Khi mệt mỏi, chúng ta thường chọn đi ngủ, nhưng càng nghỉ ngơi, chúng ta càng thấy mệt mỏi. Chuyên gia tâm lý Andy Puddicombe chỉ ra, mệt mỏi không đến từ thể chất mà đến từ những suy nghĩ vô thức trong não bộ.
Mặc dù ngủ có thể làm giảm mệt mỏi về thể chất nhưng nó không thể làm giảm mệt mỏi về tinh thần. Cách nghỉ ngơi hiệu quả là bạn phải kiểm soát được ý thức của mình và sống có chánh niệm. Hãy thoát khỏi sự mệt mỏi về tinh thần và sắp xếp lại trật tự sâu thẳm bên trong trái tim bạn.
Ngủ không hẳn là cách nghỉ ngơi hiệu quả nhất
Nhà tư vấn tâm lý Xu Manman (Trung Quốc) từng chia sẻ một trường hợp về bệnh nhân: Công việc của Keyuan rất bận rộn, mỗi lần cô mở điện thoại lên là vô số tin nhắn từ nhóm làm việc thông báo về. Điều cô mong mỏi nhất là có một kỳ nghỉ cho riêng mình. Vì vậy, đến cuối tuần, cô thường tắt điện thoại và nằm trên giường từ sáng đến tối, dành thời gian ngủ cả ngày.
Keyuan chia sẻ: "Khi tỉnh dậy, tôi càng cảm thấy mệt mỏi, uể oải. Tôi tự hỏi tại sao lại xảy ra chuyện này?".
Nhà tâm lý Xu Manman lý giải, khi chúng ta ngừng làm bất cứ điều gì tiêu tốn năng lượng của não, ngoại trừ việc đối phó với tác nhân gây căng thẳng, não sẽ nghĩ rằng tác nhân gây căng thẳng là điều duy nhất quan trọng. Lúc này, căng thẳng sẽ luôn tràn ngập trong não bộ. Suốt thời gian qua, chúng ta đã rơi vào tình trạng hiểu lầm.
Nhà tâm lý cho biết, đối với tình trạng "mệt não" thì ngủ không phải là cách nghỉ ngơi hiệu quả nhất. Trong bộ não của chúng ta có một hệ thống mạng mặc định tên là DMN. Khi chúng ta không làm gì, não sẽ kích hoạt "chế độ mặc định" của nó. Ở chế độ này, não tiêu thụ năng lượng nhiều hơn 55% so với bình thường.
Hãy nghĩ lại, bạn đã bao giờ có khoảnh khắc như thế này chưa:
Sau giờ làm về, bạn lập tức nằm dài trên ghế sofa xem phim truyền hình, chơi điện thoại di động. Trong khi tưởng chừng đang "nghỉ ngơi", nội tâm cảm thấy tiêu hao năng lượng, lãng phí thời gian và cuối cùng bạn thấy càng mệt mỏi hơn.
Hay khi nghỉ lễ ở nhà, bạn muốn nghỉ ngơi nhưng lại luôn suy nghĩ về công việc còn dang dở. Kết quả là bạn không làm được việc gì và cảm thấy kiệt sức cả về thể xác lẫn tinh thần. Điều này là do sự mệt mỏi về tinh thần.
Mihaly Csikszentmihalyi, một trong những nhà tâm lý học tích cực, đã chia các phương pháp giải trí thành hai loại:
Thứ nhất là giải trí thụ động, tức là làm những việc không cần suy nghĩ, chẳng hạn như xem điện thoại di động, xem TV, chơi game,...
Thứ hai là giải trí tích cực, nghĩa là làm những việc đòi hỏi sự tập trung, chẳng hạn như đọc sách, tập thể dục, thiền,...
Ông phát hiện ra rằng những người áp dụng cách giải trí thụ động có nhiều khả năng lo lắng và cáu kỉnh hơn, vì não sẽ kích hoạt chế độ DMN. Chúng ta cứ nghĩ về quá khứ và lo lắng về tương lai, điều này vô tình tiêu tốn năng lượng và khiến chúng ta kiệt sức.
Chúng ta thường nghĩ rằng cách nghỉ ngơi tốt nhất là không làm gì cả, nhưng chúng ta bỏ qua rằng bộ não vốn thích cảm giác hoạt động. Khi ý thức rơi vào trạng thái rối loạn, dễ suy nghĩ lung tung và đắm chìm trong tiêu cực.
Muốn nghỉ ngơi hiệu quả, bạn cần tắt "chế độ tự động" của não bộ, kiểm soát sự chú ý của mình một cách có ý thức và để tâm trí tập trung vào thời điểm hiện tại. Duy trì chánh niệm là cách tốt nhất để tìm thấy trạng thái này.
Cách tốt nhất để khôi phục sức mạnh tinh thần là chánh niệm
Chánh niệm nghĩa là kết nối với thời điểm hiện tại mà không phán xét. Bạn có thể sống hoàn toàn trong thời điểm hiện tại, thay vì tràn ngập đủ loại chỉ trích trong tâm trí. Để giải thoát bản thân khỏi lo lắng và sợ hãi, người ta cần phải có chánh niệm. Thay vì phóng đại sự lo lắng, hãy cởi mở với mọi thứ.
1. Ngừng phán xét và chấp nhận mọi cảm xúc
Trong khi tập thiền định, có thể bạn sẽ nóng lòng muốn vượt qua cảm giác buồn bã. Hàng ngày, bạn không ngừng đấu tranh với cảm xúc của mình, cố gắng phớt lờ hoặc chống lại chúng nhưng vô ích.
Chúng ta bực bội phàn nàn: "Làm sao tôi có thể hạnh phúc nếu tôi không thể thoát khỏi nỗi buồn?".
Bạn đang tìm kiếm một loại hạnh phúc sai lầm. Hạnh phúc thực sự không phải là cảm giác mọi thứ đều hoàn hảo, mà là khả năng cảm thấy hài lòng cho dù bạn đang đối diện nhiều thách thức, khó khăn.
Trên thực tế, chúng ta luôn mong muốn được hạnh phúc và thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực. Kết quả là chúng ta "dán nhãn" cho cảm xúc của mình là xấu và không phù hợp. Khi những cảm xúc này tới, chúng ta liên tục đẩy chúng đi. Việc chống lại cảm xúc chính là chìa khóa dẫn đến xích mích nội tâm. Chỉ bằng cách chấp nhận cảm xúc, bạn mới có thể có được sự bình yên nội tâm.
2. Hãy tỉnh táo và sống thật tốt từng giây phút
Trong tiểu thuyết A Man's Pilgrimage, nhân vật chính Hared đã phải sống trong bất hạnh vì bị mẹ bỏ rơi khi còn nhỏ. Khi lớn lên, ông trở nên thờ ơ với mọi người xung quanh, không ai biết ông mắc bệnh trầm cảm. Dần dần, cuộc sống của ông ngày càng trở nên tồi tệ khiến ông kiệt sức.
Mãi cho đến một ngày, khi bước ra khỏi nhà, ông bắt đầu nhìn lại cuộc đời. Lần đầu tiên, ông để ý đến những loại cây xung quanh, cây nào có thể dùng để chữa bệnh và cây nào có thể dùng để nấu ăn. Lần đầu tiên, ông nhận ra rằng có một số chuyện đã trôi qua không nên nhắc tới, điều quan trọng là sống cho bản thân và cho những người hiện tại.
Nhiều khi, những sai lầm phổ biến nhất mà chúng ta mắc phải là: Chúng ta bị ám ảnh bởi quá khứ và lo lắng về tương lai. Nhưng họ phớt lờ rằng cuộc sống chỉ tồn tại trong từng khoảnh khắc. Sống tốt hiện tại sẽ tạo nên những kỷ niệm đẹp và xây dựng một tương lai xa.
3. Hãy từ bỏ nỗi ám ảnh và cho phép mọi thứ xảy ra
Nếu bạn có thể buông bỏ mong muốn luôn trải nghiệm những điều tốt đẹp, đồng thời buông bỏ nỗi sợ phải trải qua điều khó chịu, bạn mới có sự bình yên thật sự.
Nhiều khi, sự lo lắng và mệt mỏi xuất phát từ mong muốn kiểm soát quá mức: Muốn được hạnh phúc, muốn thoát khỏi lo âu, muốn có được tình yêu và thành công...
Nhưng kịch bản cuộc đời không bao giờ theo ý muốn. Mọi chuyện đi ngược lại là trạng thái bình thường. Chỉ khi chấp nhận điều này, chúng ta mới không bị đè nặng bởi nỗi ám ảnh.
Trước mặt bạn có tờ giấy trắng lớn, có chấm nhỏ ở 2 đầu tờ giấy, nhiệm vụ của bạn là nối 2 chấm nhỏ đó thành một đường thẳng. Bạn sẽ thấy điều này không hề dễ dàng, nếu không cẩn thận, đường kẻ bị cong. Nhưng nếu có nhiều dấu chấm đặt cạnh nhau, bạn chỉ cần nối các dấu chấm lần lượt thì đường thẳng sẽ dễ vẽ hơn nhiều.
Nếu cuộc đời giống như tờ giấy trắng thì những khoảnh khắc cũng giống như những chấm nhỏ. Điều chúng ta cần nghĩ không phải là làm thế nào để vẽ thành một đường thẳng tắp mà cần chấp nhận cả những rối ren, vòng vo, miễn sao vẫn đi tới đích.
Mong đợi những điều tốt đẹp, nhưng cũng chấp nhận những điều chưa hoàn hảo, như vậy bạn mới có được bình yên. Bằng cách này, bạn sẽ thoát khỏi lo lắng và mệt mỏi, đồng thời đạt được hạnh phúc và sự nhẹ nhõm bên trong.
Ứng Hà Chi
Theo: Đời sống & Pháp luật
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/gui-en-nhung-nguoi-ang-met-moi-cach-nghi-ngoi-tot-nhat-khong-phai-ngu-ma-la-lam-ieu-nay-10-phut-ngay-a398238.html