Theo người giáo viên này, thành tích khi đi học ảnh hưởng rất lớn đến sự tự tin của trẻ, cần có sự giáo dục đúng cách để trẻ có thể thành công trong tương lai.
Là một giáo viên cấp 2 có kinh nghiệm nhiều năm, cô Lưu Tiểu Niệm (Hàng Châu, Trung Quốc) đã quan sát quá trình trưởng thành của vô số thế hệ học sinh. Trong hàng nghìn học sinh, chỉ có một số ít được coi là “học sinh giỏi”, được thầy cô và cha mẹ chăm chút, kỳ vọng thi đỗ trường top, ra trường lương cao. Vậy những đứa trẻ ở trong nhóm còn lại sau khi lớn lên cuộc sống sẽ ra sao?
Theo cô Lưu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến điểm số chưa cao của trẻ, do IQ, giáo dục gia đình, thói quen học tập,...Thành tích khi đi học ảnh hưởng rất lớn đến sự tự tin của trẻ. Vậy nên cô Lưu dành nhiều thời gian để dạy thêm những học sinh còn kém, mặc cho nhiều đồng nghiệp khác cho rằng việc này “vô ích”.
Cô Lưu biết khả năng các học sinh này vươn lên top đầu mong manh nhưng sự quan tâm của cô giúp những đứa trẻ có thêm động lực không ngừng hướng tới mục tiêu. Những đứa trẻ từng bị coi là học kém trong lớp cô Lưu lớn lên có nhiều hướng rẽ khác nhau nhưng đều hạnh phúc theo cách riêng, không có một thước đo nào chuẩn mực cho thành công của chúng như điểm số trong bài kiểm tra năm nào.
Thành công có nhiều hơn một con đường
“Tôi từng dạy một đứa trẻ học giỏi môn văn, nhưng lại không biết chút gì về Toán, lần nào kiểm tra cũng nộp giấy trắng. Tôi đã đặt mục tiêu nhỏ cho cậu bé là mỗi học kỳ sẽ hiểu một dạng bài và để cậu bé lựa chọn. Cậu học sinh này sau đó rất chăm chỉ, nghỉ trưa cũng miệt mài làm bài. Đến ngày thi cấp 3 cậu bé được 7 điểm Toán, tuy không cao nhưng khi vừa biết điểm, cậu ôm chầm lấy tôi cảm ơn không ngừng”, cô Lưu kể.
Cậu học sinh này sau đó không học đại học, vào một trường dạy nghề và đang là kỹ thuật viên tại một gara sửa chữa ô tô. Ba tháng 1 lần, cậu đứng đợi cô Lưu ở cổng trường để dưa xe cô đến gara kiểm tra, bảo dưỡng. Cậu học sinh nói với cô Lưu rằng tuy thành tích học tập cậu không tốt nhưng chính nhờ sự chăm chỉ cậu có được từ ngày học cấp 2 nên công việc hiện tại thu nhập rất khá. Một thời gian nữa cậu còn có thể được cất nhắc lên vị trí quản lý.
Cô giáo Lưu Tiểu Niệm cũng từng có một học sinh tên Hoàng Yến, phải vật lộn với tất cả các môn học. Dù bố mẹ Hoàng Yến có thuê gia sư từng môn thì điểm số của cô bé vẫn không cải thiện chút nào. Tuần nào mẹ Hoàng Yến cũng gọi điện than thở với cô giáo, nói vợ chồng cô làm việc chăm chỉ để có tiền cho con học nên vô cùng thất vọng vì thành tích của cô bé.
Tuy vậy, cô Lưu lại nhận thấy Hoàng Yến rất nổi tiếng trong lớp, bạn bè ai cũng thích chơi với cô bé vì sự hài hước, chân thành và hào phóng của cô. Cô bé như vitamin đem đến tiếng cười cho cả lớp, giúp những đứa trẻ bớt căng thẳng vì học tập. Thế nhưng bố mẹ Hoàng Yến chỉ lạnh lùng nói với cô giáo: “Hài hước có ích gì không?”.
Hoàng Yến không học hết đại học nhưng cô bé trở thành một người nổi tiếng trên mạng nhờ khiếu hài hước của mình. Sau đó Hoàng Yến mở studio và có công việc kinh doanh rất tốt. Qua nhiều năm, cô bé vẫn không thay đổi, luôn mang đến nguồn năng lượng tích cực và niềm hạnh phúc cho mọi người.
Cũng có một cô bé Trần Ngọc cô Lưu từng dạy, điểm số rất kém dù chăm chỉ học tập, chưa bao giờ ngủ trước 12 giờ đêm, thứ 7 chủ nhật đều đi luyện thi. Bố mẹ gần như không quan tâm đến con trừ việc thúc ép chuyện học. Trong một tiết học thể dục, cô Lưu tình cờ phát hiện Trần Ngọc có sở trường chạy đường dài, dễ dàng vượt qua các bạn cùng lớp.
Vậy nên sau đó mỗi khi có tiết thể dục, cô Lưu đều tới sân vận động quay video và vỗ tay mỗi khi cô bé về đích đầu tiên. Cô giáo Lưu biết rằng tuy đã quá muộn để Trần Ngọc trở thành một vận động viên nhưng giúp cô bé nhận ra thế mạnh của mình vẫn rất quan trọng. Việc rèn luyện thể chất cũng cần đi đôi với học văn hoá và giúp ích rất nhiều cho sức khoẻ tinh thần của những đứa trẻ đang lớn.
Từ một cô bé rụt rè, Trần Ngọc đã mạnh dạn đăng ký các cuộc thi marathon lớn nhỏ trong thành phố. “Lớn lên em sẽ làm một công việc có thể nuôi sống bản thân và tham gia các cuộc thi chạy khắp thế giới”, Trần Ngọc nói với cô giáo.
Cô Lưu Tiểu Niệm tuy không nghe được tin tức của cô bé sau khi ra trường nhưng trên thực tế, ít đứa trẻ chỉ mới 14 tuổi đã biết đam mê và mục tiêu của mình. Vậy nên cô giáo Lưu coi đó là một thành công với Trần Ngọc.
Nhiệm vụ quan trọng của người làm giáo dục
“Nếu bạn hỏi tôi nhiệm vụ quan trọng nhất của người làm giáo dục là gì, tôi sẽ là trả lời đó là quan sát để nhìn thấy điểm mạnh và điểm yếu của từng đứa trẻ, khiến chúng cảm thấy được yêu thương và thấu hiểu. Những đứa trẻ học giỏi phần lớn có cuộc sống tương đối suôn sẻ, luôn được khen ngợi và khích lệ.
Nhưng những học sinh điểm kém thì khác, ở trường bị kiểm điểm, về nhà lại nghe bố mẹ cằn nhằn. Trên thực tế, mỗi người đều có tiềm năng riêng, chỉ là chúng có tự bộc lộ hoặc có người khác khai phá hay không”, cô giáo Lưu chia sẻ.
Có học sinh từng hỏi cô Lưu rằng: “Cô ơi cô kèm em hàng ngày để làm gì, dù sao em vẫn không thể vào được cấp 3”. Cô giáo này đã trả lời: “Hôm nay em làm được một bài toán mình nghĩ không giải được, và đạt được điểm số mình chưa bao giờ mơ đến. Vậy thì tương lai nếu gặp phải những khó khăn không tưởng, em cũng sẽ không sợ và có thể vượt qua”.
Người giáo viên này không hy vọng học sinh kém sẽ nhanh chóng “lội ngược dòng” và đỗ được cấp 3, nhưng những việc cô làm giúp đứa trẻ có ý thức cố gắng không ngừng, đạt được những cột mốc nhỏ để sự tự tin ngày càng tăng lên. Trong tương lai, khi chúng bước vào xã hội, những đứa trẻ năm nào sẽ có được nghị lực vươn lên mạnh mẽ.
“Tôi hiểu rõ một học sinh phải chịu bao nhiêu áp lực mà người lớn không biết hết. Vậy nên tôi không muốn để các em mới mười mấy tuổi đã nghĩ mình vô dụng, ‘đầu hàng’ cuộc đời chỉ vì điểm số kém. Ngoài học tập còn nhiều khả năng vô tận khác, hãy cho những đứa trẻ cơ hội khám phá và phát huy ”, cô giáo Lưu nói.
Theo Trí thức trẻ