Rất nhiều người đang dùng giấy vệ sinh làm giấy ăn mà không có sự phân biệt. Vậy giấy ăn và giấy vệ sinh khác nhau thế nào? Hãy cùng mình tìm hiểu vấn đề này nhé.
Đều là loại giấy dùng một lần và dễ tan rã khi gặp nước nhưng giấy ăn và giấy vệ sinh có nhiều sự khác biệt, vì vậy mọi người không nên lẫn lộn chức năng khi sử dụng.
Sự khác biệt giữa giấy ăn và giấy vệ sinh
Giấy ăn thường được sản xuất từ bột giấy nguyên sinh (bột giấy lấy từ các loại gỗ hoặc cây tre). Nguyên liệu này có độ tinh khiết cao và ít tạp chất để đảm bảo giấy ăn mềm mại, mịn màng và an toàn khi tiếp xúc với da, đặc biệt là miệng.
Do tiếp xúc trực tiếp với những vùng nhạy cảm của cơ thể (miệng, mặt), giấy ăn được sản xuất với tiêu chuẩn vệ sinh cao, từ loại nguyên liệu không chứa hóa chất độc hại, không mùi hoặc được xử lý để an toàn tuyệt đối. Giấy ăn thường rất mềm mịn nhưng đủ độ dai, rất ít phát sinh bụi giấy. Sản phẩm thường được cắt thành tờ vuông hoặc chữ nhật riêng lẻ và xếp thành hộp hoặc gói.
Giấy vệ sinh thường được sản xuất từ bột giấy tái chế (giấy loại hoặc giấy cũ được xử lý). Sự tận dụng này giúp giảm chi phí sản xuất và gánh nặng cho môi trường. Tuy nhiên, cũng có những loại giấy vệ sinh cao cấp sử dụng bột giấy nguyên sinh để tăng độ sạch, độ mềm mại và chất lượng.
Giấy vệ sinh cũng được thiết kế để sử dụng trên da nên vẫn cần đạt tiêu chuẩn về độ mềm mại, đảm bảo không chứa hóa chất độc hại để không gây kích ứng, nhưng mức độ không nghiêm ngặt như giấy ăn.
Giấy vệ sinh thường xốp hơn giấy ăn, dễ phân hủy trong nước hơn để tránh làm tắc cống. Loại giấy này không yêu cầu quá cao về độ mịn, tính thẩm mỹ như giấy ăn mà tập trung vào sự tiện dụng, thường được thiết kế dưới dạng cuộn.
Có thể thay giấy ăn bằng giấy vệ sinh?
Nhiều người thường sử dụng giấy vệ sinh thay thế giấy ăn. Điều này ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ người tiêu dùng? Trả lời báo Sức khoẻ và Đời sống, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, giấy ăn và giấy vệ sinh được sản xuất khác nhau theo những tiêu chí và mục đích khác nhau. Vì sử dụng nguyên liệu tái chế nên quá trình sản xuất giấy vệ sinh thường phải dùng hoá chất để tẩy trắng. Hoá chất khiến giấy vệ sinh dễ bị mủn và có nhiều bụi giấy.
Nếu sử dụng giấy vệ sinh thay thế giấy ăn, bụi giấy chứa tạp chất hoặc hoá chất tồn dư sẽ dễ dàng đi vào cơ thể của chúng ta, về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Tóm lại, trong một số trường hợp khẩn cấp, chúng ta có thể dùng giấy vệ sinh thay giấy ăn nhưng nếu có thể thì không nên thay thế như vậy. Mỗi loại giấy đều được thiết kế để phù hợp với mục đích sử dụng riêng, người tiêu dùng nên sử dụng đúng mục đích, chức năng để đảm bảo hiệu quả và an toàn.
Lưu ý khi sử dụng giấy ăn và giấy vệ sinh:
- Chỉ sử dụng giấy ăn đạt tiêu chuẩn, được sản xuất bởi các thương hiệu uy tín.
- Đọc kỹ nhãn mác sản phẩm để đảm bảo giấy không chứa hóa chất độc hại như chất tẩy trắng hoặc chất tạo mùi không an toàn.
Theo: Nhật Thùy - VTC News
https://vtcnews.vn/giay-an-va-giay-ve-sinh-khac-nhau-the-nao-ar913245.html