Trong cuộc sống, dù mối quan hệ có thân thiết đến đâu, cũng đừng áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác. Dù khó chịu đến đâu, cũng đừng tùy tiện phán xét.
Khi trưởng thành, tôi dần nhận ra rằng càng nói nhiều, càng can thiệp vào chuyện riêng của người khác có thể khiến có thể khiến cuộc sống gặp nhiều việc phức tạp, lãng phí năng lượng của bản thân. Kiểm soát lời nói, giữ vững lòng, dành thời gian, năng lượng dành cho bản thân và những việc quan trọng. Đó mới là sự khôn ngoan.
1. Bớt can thiệp vào chuyện riêng của người khác
Mỗi người có một cuộc sống khác nhau, đều có những sở thích và thói quen riêng. Bạn có thể nghĩ mình đang tốt bụng khi nhắc nhở, nhưng trong mắt người khác, đó lại là sự can thiệp vào cuộc sống của họ.
Việc áp đặt quan điểm của mình lên người khác là một hình thức kiểm soát. Không ai thích bị người khác giáo huấn, không ai muốn bị người khác chỉ dạy cách làm việc. Nếu bạn cứ can thiệp vào chuyện của người khác, bạn sẽ đẩy họ xa khỏi mình, mối quan hệ có thể ngày càng trở nên căng thẳng.
Có câu: "Hãy lo quét tuyết sân mình đã. Chớ quản nhà người ngói đẫm sương".
Học cách tôn trọng cuộc sống, quan điểm riêng người khác là một sự thông thái, cũng là một sự tỉnh táo.
2. Bớt buôn chuyện, không nói lời thừa
Không có bức tường nào mà gió không lùa qua được. Chỉ cần bạn nói ra điều gì, qua nhiều lần lan truyền, có thể sẽ bị "thêm mắm dặm muối" rồi cuối cùng đến tai người có liên quan. Khi đó, hoặc sẽ gây ra hiểu lầm hoặc rắc rối không đáng có.
Có câu: “Nước sâu không lời, người vững không nói”. Càng nhiều lời, càng dễ gây ra những phiền phức, càng kín miệng, càng vững vàng.
“Họa từ miệng mà ra”. Một người càng nói nhiều lời thừa, càng tự tạo thêm những rắc rối không đáng có cho mình.
Hãy kiểm soát lời nói, giữ vững tâm hồn. Đừng nghe những lời đồn đại, cũng đừng bàn chuyện của người khác.
Luôn giữ thiện chí trong lòng, không nói lời tầm phào, đó không chỉ là trí tuệ trong đối nhân xử thế, mà còn là một sự tu dưỡng.
3. Bớt lo lắng chuyện không đâu
Lo cho chuyện của mình đã mệt, lo cho chuyện của người khác còn khó xử hơn. Rõ ràng là nghĩ cho người ta, nhưng kết quả không chỉ làm tốn thời gian, công sức của bản thân mà còn có thể khiến đối phương không vui.
Nếu bạn nghĩ cho người khác mà họ tỏ ra không muốn, không cần, thì bạn có thể dừng lại. Trong mắt bạn, đó là ý tốt, nhưng trong mắt họ, đó lại là sự xâm phạm ranh giới cá nhân.
Mỗi người đều có bài học riêng phải đối mặt và giải quyết. Trừ khi họ tự hiểu ra, bằng không, những lời khuyên hay sự giúp đỡ của bạn chỉ phí công vô ích.
Quản tốt bản thân đã là điều không dễ. Bạn không có khả năng chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của người khác, bạn chỉ có thể chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của chính mình.
Từ hôm nay, hãy bớt lo chuyện không đâu, tập trung năng lượng cho bản thân, chú tâm vào những việc quan trọng.
Mỗi người đều có cách sống riêng, cần được tôn trọng, không nên bị can thiệp quá nhiều. Điều mình không muốn, đừng áp đặt lên người khác. Điều mình muốn, cũng đừng ép buộc người khác.
Dù mối quan hệ có thân thiết đến đâu, cũng đừng áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác. Dù khó chịu đến đâu, cũng đừng tùy tiện phán xét.
Không can dự chuyện không liên quan, không bàn chuyện riêng của người khác, không lo chuyện không đâu. Quản lý tốt cuộc sống của mình, đó mới là cách bạn chịu trách nhiệm lớn nhất với bản thân.
Theo: Minh Nguyệt - Thanh Niên Việt | Toutiao
https://thanhnienviet.vn/song-o-doi-bot-can-thiep-bot-noi-bot-lo-do-moi-la-khon-ngoan-209250112134003107.htm