Nhiều người đầu tư vô số thời gian và tiền bạc để sở hữu một tấm bằng tốt. Nhưng trong thời đại hiện nay, đó đã không còn là nấc thang một bước lên trời. Thay vào đó, ý thức được điều này mới giúp họ thoát nghèo dễ dàng hơn.
Với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế xã hội, cuộc sống của mọi người đã được cải thiện đáng kể. Khi đời sống vật chất phong phú, con người lại có nhu cầu theo đuổi thế giới tinh thần cao hơn, đồng thời có yêu cầu cao hơn đối với năng lực của bản thân.
Tuy nhiên, ở quốc gia nào cũng vậy, những vấn đề về chênh lệch phát triển thành thị - nông thôn, mất cân đối phát triển giữa các vùng vẫn còn tồn tại. Chúng cũng có thể cản trở sự phát triển của người trẻ.
Theo tháp nhu cầu của Maslow, nhu cầu cơ bản nhất của con người là nhu cầu sinh tồn, bao gồm ăn, mặc, ở, đi lại. Chỉ khi những nhu cầu ở cấp độ thấp nhất được thỏa mãn, con người mới có những nhu cầu ở cấp độ cao hơn.
Maslow tin rằng mục tiêu theo đuổi cao nhất của con người là sự tự nhận thức, đó là một nhu cầu tinh thần. Tuy nhiên, hiện trạng phát triển ở các vùng khác nhau khiến nhiều người không thể đáp ứng nhu cầu bên trong của họ.
Nhiều người đã trải qua muôn vàn khó khăn và đang phải vật lộn ở những thành phố hạng nhất. Họ làm việc rất vất vả hàng ngày nhưng cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu cơm ăn áo mặc, chứ không thể theo đuổi cái gọi là chất lượng cuộc sống.
Trong mắt người trẻ, đặc biệt là người mới ra trường, môi trường xã hội cũng gần giống như khuôn viên trường. Họ cũng có thể đáp ứng những nhu cầu cơ bản của cuộc sống với mức tiêu dùng thấp nhất, đồng thời có bạn bè và gia đình hỗ trợ. Trong suy nghĩ ngây thơ, cuộc sống có thể trở nên tốt đẹp và muôn phần thuận lợi.
Nhưng thực tế, ý tưởng này hoàn toàn không chính xác. Xã hội phức tạp hơn rất nhiều.
Đối với sinh viên mới ra trường, vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết là vấn đề cơm ăn, áo mặc, nhà ở, phương tiện đi lại. Nhưng không phải ai cũng dễ dàng làm được điều đó mà không có sự trợ giúp từ bất cứ ai. Nhiều người trẻ đã phải chịu thiệt thòi, vì khó khăn của cuộc sống mà dần dần đánh mất lý tưởng, đam mê và khát vọng của chính mình.
Lấy vấn đề việc làm để ví dụ, dưới góc độ của hầu hết sinh viên chưa tốt nghiệp, họ sẽ làm việc trong lĩnh vực chuyên môn của mình sau khi tốt nghiệp. Họ dễ dàng tìm được công việc đáp ứng nhu cầu về mọi mặt như khối lượng công việc, chế độ phúc lợi, tiền lương, môi trường, cơ hội thăng tiến…
Tuy nhiên, thực tế là có rất ít sinh viên sau khi tốt nghiệp làm đúng chuyên ngành mà mình đã học. Bằng cấp và chuyên ngành dường như không quan trọng đến thế. Xét cho cùng, các công ty sẵn sàng thu hút những tài năng xuất phát từ bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào. Vì thế, đối thủ cạnh tranh của bạn vô cùng nhiều, không có giới hạn nào hết.
Vì vậy, hầu hết người trẻ, vừa mới ra trường sẽ rất choáng ngợp khi đối mặt với thực tế khắc nghiệt này. Một số không biết sẽ đi về đâu trong tương lai.
Nhiều sinh viên sau khi ra trường chỉ có thể đảm nhận công việc không phù hợp, lương thấp, đãi ngộ không có. Họ hầu như không thể phát triển bản thân, nhưng nếu nghỉ việc lại sợ hãi về bài toán kinh tế.
Khi họ thực sự cảm thấy áp lực của cuộc sống, họ mới có thể thực sự nhận ra cuộc sống là gì. Hoài bão ban đầu bị bỏ lại phía sau, thậm chí có người còn phải vay mượn tiền để đủ ăn đủ mặc, gánh lấy áp lực cuộc sống nặng nề. Đó không phải vấn đề mà lý thuyết trong sách vở có thể giải quyết. Dù học giỏi đến mấy mà thiếu kỹ năng thực tế, họ cũng không tránh khỏi cú sốc văn hóa này.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do con người ngày nay có yêu cầu về trình độ học vấn ngày càng cao. Quá coi trọng bằng cấp, nhiều bậc cha mẹ đầu tư rất nhiều thời gian, tiền bạc và tâm sức để đem tới nguồn giáo dục tốt hơn cho con cái.
Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội, nhu cầu của các công ty, doanh nghiệp lớn đối với nhân tài không chỉ là một tấm bằng tốt nghiệp. Quan trọng hơn cả, họ cần năng lực "thực chiến" của con người. So với tài năng thực sự và kinh nghiệm thực tế, bằng cấp chỉ là một tờ giấy.
Ngày nay, các trường cao đẳng và đại học không ngừng mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh. Đỗ đại học không còn là điều quá khó khăn và khốc liệt. Cuối cùng, điều này gây ra hiện tượng sinh viên đại học có ở khắp nơi, khó bề phân biệt chất lượng.
Điều này cũng làm trầm trọng thêm khó khăn về việc làm của sinh viên mới ra trường. Bằng cử nhân giờ đã trở thành cánh cửa bắt buộc phải đi qua để nộp đơn ứng tuyển. Không thể phủ nhận, có bằng đại học vẫn dễ tiếp cận những công việc đãi ngộ tốt hơn so với người không học đại học. Tuy nhiên, sự chênh lệch không còn quá rõ ràng. Với một chút cơ may, nhiều người dễ dàng vượt qua chênh lệch về bằng cấp.
Mặt khác, có nhiều sinh viên tốt nghiệp các trường danh tiếng rơi vào cảnh thất nghiệp vì không tìm được công việc 10 điểm ưng ý.
*Nguồn: Toutiao / Theo Thể thao & Văn hóa