Cách ghi nhớ nhanh không khó. Nếu đang tìm cách nhớ lâu, mời bạn tham khảo những bí quyết đơn giản dưới đây.
Học thuộc lòng mà không hiểu sẽ khó có thể ghi nhớ kiến thức lâu và áp dụng đúng cách. Về cơ bản, bạn luôn cần phải hiểu bản chất của vấn đề. Đó cũng là cách ghi nhớ nhanh và lâu hiệu quả nhất.
Đọc đi đọc lại nhiều lần sẽ giúp bạn ghi nhớ nhưng liệu bạn có đủ kiên nhẫn để đọc lại những cuốn sách dài hàng trăm trang hay các cuốn giáo trình chuyên ngành như kỹ thuật, khoa học, điện tử... hay không? Câu trả lời chắc chắn là không!
Và lẽ dĩ nhiên là không thể nào chỉ đọc một lần mà bạn đã có thể ghi nhớ, trừ khi bạn sở hữu một "bộ óc" thiên tài hay biết sử dụng một loại "phép thuật ghi nhớ" nào đó.
Vậy không còn cách nào khác để ghi nhớ hay sao? Tất nhiên là có, đó chính là những bước được hướng dẫn trong bài viết này, nhưng cần nhấn mạnh rằng bạn cần kiên trì luyện tập và áp dụng mỗi ngày thì mới có thể nhìn thấy kết quả. Bằng không thì dù bạn có cố cũng chắng nhớ được gì đâu.
Trước khi bắt đầu, bạn cầm kiểm tra xem thính giác, thị giác và kinh nghiệm học tập của bạn như thế nào? Nếu là người có thói quen học bằng cách lắng nghe thì cách hiệu quả nhất để bạn có thể nắm bắt thông tin là lắng nghe trực tiếp người/phương tiện truyền tải thông tin đó. Nếu bạn có khả năng tưởng tượng tốt thì phương pháp học hiệu quả nhất sẽ thiên về trực quan, quan sát để tìm hiểu hay dựa vào các dụng cụ minh họa. Còn nếu chỉ ghi nhớ tốt nhất khi thông tin được diễn tả, minh chứng bởi các sự kiện thực tế thì cách học của bạn là dựa trên kinh nghiệm.
Đến lúc này, đừng cố giải mã bạn thuộc vào một cách duy nhất nào, bởi lẽ, đa phần chúng ta đều áp dụng ít nhất hai trong số các phương pháp trên. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách tối đa hóa lợi ích của chúng để ghi nhớ mọi kiến thức cần nhớ.
1. Chuẩn bị
Lựa chọn môi trường học tập/đọc sách/đọc tài liệu. Nhiều người ghi nhớ thông tin tốt hơn khi làm việc ở khu vực yên tĩnh, số khác lại thấy hiệu quả nếu môi trường có một chút tiếng ồn như nhạc không lời, tiếng mưa rơi, quán café, thư viện... Hãy tìm cho mình một môi trường mà bạn cảm thấy phù hợp nhất.
Tiếp theo, hãy bắt đầu buổi học bằng cách uống một chút trà. Nhiều nghiên cứu khoa học khẳng định rằng trà xanh được xem như là một chất xúc tác tự nhiên giúp cải thiện trí nhớ. Nói một cách chuyên môn hơn nghĩa là khả năng gợi nhớ thông tin của chúng ta được kết nối với các tế bào thần kinh trong não bằng các "khớp thần kinh". Bạn càng luyện tập nhiều cho các khớp này (lặp đi lặp lại các thông tin cần nhớ) thì chúng càng trở nên mạnh mẽ, dẻo dai hơn, góp phần làm tăng khả năng ghi nhớ.
Càng lớn tuổi, các hóa chất độc hại sẽ gây tổn hại tế bào thần kinh và các "khớp thần kinh" dẫn tới khả năng ghi nhớ giảm và một số bệnh như Alzheimer hay mất trí nhớ. Việc uống trà xanh khi đọc sách, làm việc hay đọc tài liệu sẽ ngăn chặn các độc tính này và cải thiện hoạt động của các tế bào não.
2. Ghi âm lại những gì bạn cần nhớ
Phương pháp này rất phù hợp nếu bạn đang ở trong một lớp học, hội nghị, hội thảo... và cách học của bạn chủ yếu dựa vào thính giác. Bằng cách sử dụng máy ghi âm để ghi lại những gì bạn được nghe, sau đó, hãy nghe đi nghe lại nhiều lần và bạn sẽ thấy khả năng ghi nhớ được cải thiện đáng kể.
Đối với những người đang cố gắng để ghi nhớ một bài phát biểu, tài liệu hay một đoạn thông tin nào đó bạn muốn nhớ, hãy đọc to chúng lên và ghi âm giọng nói của mình. Sau đó, hãy dành thời gian nghe lại (lúc đi tắm, giặt quần áo, dọn nhà, nấu cơm...) và bạn sẽ thấy bạn có thể ghi nhớ nhiều thông tin hơn bạn nghĩ đấy.
3. Hãy viết ra thứ cần nhớ
Không chỉ ghi âm, việc viết ra những thứ bạn đã đọc được cũng là cách hiệu quả để tăng khả năng ghi nhớ. Bạn có thể vừa nghe băng ghi âm, vừa chép lại hoặc sau khi đọc một cuốn sách xong, hãy ghi ra giấy những ý chính mà bạn không muốn bỏ qua. Nếu kiên trì áp dụng thì bạn sẽ thấy cách học này vô cùng thú vị.
Cách học này phù hợp nhất với những người học dựa vào kinh nghiệm.
4. Sắp xếp các ghi chú
Sau khi đã chép thông tin cần nhớ vào các ghi chú, hãy chia chúng ra thành nhiều phần có liên quan đến nhau và đánh dấu bằng các mã màu để phân biệt chủ đề. Điều này lý tưởng cho những người học bằng thị giác và giúp chia nhỏ các thông tin đang được ghi lại trong bộ não của bạn.
5. Áp dụng phương pháp lặp đi lặp lại thông tin
Đối với mỗi dòng văn bản, hãy cố gắng lặp đi lặp lại nó một vài lần trong đầu và tập ghi nhớ nhanh không cần nhìn vào giấy. Khi đã nhớ được từng phần của văn bản, hãy tiếp tục nạp thêm thông tin mới vào bộ não.
6. Hãy viết ra những thứ bạn đã nhớ
Viết ra giấy những thứ vừa đọc được nhưng cũng đừng quên dành thời gian chép lại thông tin bạn đã nhớ nhé. Mỗi tuần, bạn có thể sắp xếp một khoảng thời gian nào đó để viết ra tất cả những gì bạn đã nhớ từ bộ nhớ của mình. Nhờ đó, bạn sẽ củng cố lại kiến thức đã học, liên tưởng chúng tới các tình huống bằng cách tạo ra các bối cảnh mới có liên quan chứ không còn phụ thuộc vào quan điểm của tác giả nữa.
7. Dạy lại cho người khác
Một trong những phương pháp học và ghi nhớ hiệu quả nhất đó là truyền đạt lại thông tin đã học được cho người khác. Lúc này, bạn chẳng khác gì một "người thầy" đang cố gắng sử dụng các ngôn từ của mình để diễn giải lại kiến thức cho "học sinh" hiểu. Bạn không nhất thiết phải học thuộc lòng hay đọc nguyên văn tất cả nội dung trong sách. Đơn giản chỉ cần nhớ các ý quan trọng là được.
8. Nghỉ ngơi
Đừng liên tục nhồi nhét vào đầu các kiến thức mới. Thay vào đó, hãy dành một khoảng thời gian ngắn không nghĩ về việc học và tất nhiên sau khoảng thời gian nghỉ ngơi bạn sẽ lại quay trở lại việc học. Đầu óc thư thái sẽ giúp bạn biết được những gì mình còn yếu để tập trung vào.
Ngoài những cách này thì phương pháp ghi nhớ của Tony Buzan thông qua việc hình ảnh hóa các thông tin bằng cách lập bản đồ tư duy Mind map cũng là một cách học hiệu quả.
9. Biến thông tin quan trọng thành một câu chuyện đáng nhớ
Bạn cần nhớ tên, địa điểm hay bất kỳ thông tin hữu ích khác? Nếu chỉ học thuộc lòng, có lẽ bạn sẽ dễ dàng quên sau một khoảng thời gian không đụng tới. Thay vào đó, hãy thử biến những thông tin tẻ nhạt đó thành một câu chuyện thú vị. Điều đó sẽ khiến chúng tự “khắc” vào bộ nhớ dài hạn theo cách tự nhiên.
Ví dụ, khi học tiếng Anh, bạn cần nhớ 3 từ: John, car và elephant. Dùng tất cả 3 trong số các từ trên để đặt câu hay sáng tác truyện sẽ giúp bạn không bao giờ quên chúng. Ví dụ:
- “Instead of driving his car, John rode an elephant.”
- “John tried hopelessly to fit an elephant into his car.”
Hãy nghĩ tới những tình huống kỳ lạ và câu chuyện đặc biệt chứa những từ, cụm từ và thông tin bạn đang cố gắng ghi nhớ. Vì câu chuyện thường dễ ghi nhớ hơn, tự nhiên chúng sẽ gắn liền với ký ức của bạn và sẵn sàng cho bạn sử dụng khi cần.
Cách nhớ nhanh khác:
- Qua bài hát và những đoạn nhạc leng keng: Mẹo này sử dụng bán cầu não phải và có thể giúp chúng ta ghi nhớ những điều phức tạp như phương trình hay danh sách dài. Hiện đã có rất nhiều bài hát dành cho những bài học như công thức bậc hai. Bạn có thể lên Google và tìm kiếm. Nếu chưa thấy ai tạo giai điệu, bạn có thể tự tạo theo bản nhạc khiến bản thân dễ nhớ nội dung nhất.
- Tận dụng tối đa 5 giác quan: Hãy cố gắng sử dụng nhiều nhất có thể cả 5 giác quan khi học bài hay nghiên cứu nội dung nào đó. Phương thức này giúp bạn dùng nhiều phần của não bộ hơn và ghi nhớ thông tin tốt hơn.Ví dụ, nếu học về giải phẫu, hãy thử chọn các mô hình liên quan, cảm nhận từng phần và đọc to tên của chúng.