Sau khi đọc vài nghìn trang từ những cuốn sách tài chính hàng đầu hiện nay, tôi đã nhận ra một điều: Hầu hết các nguyên tắc làm giàu đều giống y hệt nhau.
Suốt hàng nghìn năm qua, công thức làm giàu vẫn không hề thay đổi, nhưng đa số mọi người đều không chú ý. Tuy nhiên, nếu có đủ kiên nhẫn để tìm hiểu các nguyên tắc làm giàu cơ bản đã tồn tại bấy lâu, bạn sớm muộn gì cũng thành công.
Dưới đây là 7 cuốn sách mà tôi sẽ đề cập, không theo theo thứ tự nào:
- "Triệu phú nhà bên (Bẻ khóa bí mật triệu phú)" của Thomas Stanley - "Nghĩ giàu và làm giàu" của Napoleon Hill - "Khoa học làm giàu" của Wallace Wattles - "Người giàu có nhất thành Babylon" của George Clason - "Thay đổi diện mạo tài chính" của Dave Ramsey - "Tôi sẽ dạy bạn làm giàu" của Ramit Sethi - "Cha giàu cha nghèo" của Robert Kiyosaki |
1. Ai cũng có thể giàu, bởi giàu là một tư duy
Trước khi trở thành triệu phú, tác giả Robert Kiyosaki từng gánh trên vai khoản nợ 1 triệu USD do công ty ví nylon của mình phá sản. Thế nhưng, ông vẫn tự tin nói với vợ rằng mình là một người giàu.
Kiyosaki không bỏ cuộc bởi ông quan niệm: "Tôi là một người giàu, mà người giàu thì không làm thế". Dù không còn đồng nào trong tài khoản ngân hàng, Kiyosaki vẫn tiếp tục theo đuổi con đường làm giàu, để rồi kiếm được trăm triệu USD sau này.
Bạn sẽ không thể trở nên giàu có nếu không tin rằng mình làm được.
Đây cũng chính là nội dung xuyên suốt trong 2 tác phẩm "Nghĩ giàu và làm giàu" và "Khoa học làm giàu". May mắn thay, niềm tin này hoàn toàn có thể xây dựng bằng cách thay đổi tư duy.
Một trong những điểm khác biệt giữa người giàu và người nghèo cách họ nhìn nhận về tiền bạc. Người giàu tin rằng việc họ thành công và kiếm được nhiều tiền là điều sớm muộn sẽ xảy ra. Người nghèo lại không tin rằng mình có thể thay đổi số phận để trở nên giàu có.
2. Bạn sẽ khó làm giàu nếu cứ làm theo những lời khuyên truyền thống
Tác giả Dave Ramsey cho biết: "Bạn phải lắng nghe những lời khuyên khác biệt. Những lời khuyên mà người giàu hay nghe. Nếu đó là những lời khuyên quá đỗi bình thường, hãy bỏ qua ngay lập tức. Mục tiêu của bạn không phải là trở nên bình thường, bởi bình thường đồng nghĩa với nghèo".
Đây là lời khuyên khiến tôi mở mang tầm mắt nhất sau khi đọc hàng chục cuốn sách. Nguyên tắc này này cũng xuất hiện trong các cuốn "Người giàu có nhất thành Babylon", "Triệu phú nhà bên", "Thay đổi diện mạo tài chính".
Bạn không nên nghe lời số đông, bởi số đông không phải người giàu. Đa phần họ là những người nghèo túng, nợ nần chồng chất, vung tay quá trán, không biết tiết kiệm hay đầu tư, không duy trì những thói quen đúng đắn về tiền bạc.
Thông thường, bạn sẽ nhận được những lời khuyên như: tiết kiệm tiền, kiếm công việc lương cao, sống tằn tiện, không liều lĩnh, coi nhà là tài sản lớn nhất, trả hết tiền nợ thẻ tín dụng mỗi tháng.
Tuy nhiên, theo những cuốn sách hàng đầu về tài chính, những lời khuyên này chẳng những không thực tế mà còn ngăn cản mọi người làm giàu, gây ra tâm lý sợ hãi.
Những người thực sự giàu sẽ bỏ qua những lời khuyên mang tính truyền thống. Dù thường bị số đông coi là liều lĩnh, bốc đồng và nguy hiểm, họ mới chính là người có tiền trong tay.
Irving Kahn - nhà đầu tư quá cố 109 tuổi - khuyên rằng bất cứ ai muốn giàu nên đi ngược dòng xu hướng trên thị trường. Warren Buffett cũng đồng tình với quan điểm này: "Tôi sẽ dạy bạn cách làm giàu. Đóng cửa lại. Sợ hãi khi người khác tham lam. Tham lam khi người khác sợ hãi".
3. Biết cách khiến tiền đẻ ra tiền
Tác giả Dave Ramsey viết: "Tiết kiệm mà không có mục tiêu thì chẳng để làm gì. Tiền cần phục vụ bạn, không phải nằm xung quanh bạn".
Trong cuốn "Người giàu có nhất thành Babylon", tác giả coi mỗi đồng tiền là một nhân công. Người nhân công này có thể tạo ra nhiều nhân công khác nếu biết cách. Mỗi một nhân công có thể tạo ra hàng trăm nhân công khác nhau.
Như vậy, mỗi khi bỏ tiền ra mua đồ ăn nhanh hay cà phê, bạn vừa cho đi 4-5 nhân công, và những nhân công này không thể tạo thêm giá trị cho bạn. Tương tự, nếu cứ giữ tiền trong ngân hàng, bạn đang lãng phí tiềm năng của những nhân công này.
"Vì lạm phát, bạn sẽ mất tiền mỗi ngày nếu cứ giữ chúng trong tài khoản ngân hàng", tác giả Ramit Sethi cảnh báo.
Đây chính là lúc thu nhập tự động và đầu tư phát huy tác dụng. Một người kiếm được 2.000 USD/tháng từ thu nhập thụ động còn đáng ghen tị hơn là người có mức lương 10.000 USD/tháng.
Người thứ nhất vẫn còn thời gian để làm các việc khác nhằm gia tăng thu nhập. Người thứ hai lại phải cống hiến toàn bộ thời gian cho một công việc chính mới có được mức lương trên, bị giới hạn về cả thời gian và năng lượng.
Như triệu phú Robert Kiyosaki đã nói: "Người giàu ngày càng giàu hơn nhờ liên tục tái đầu tư lợi nhuận từ tài sản vào lại tài sản".
4. Người giàu đôi khi sống khá đơn giản và nhàm chán
Trong tác phẩm "Triệu phú nhà bên", Thomas Stanley và nhóm của mình đã khảo sát hàng trăm triệu phú và phát hiện ra: đa số họ đều sống một cuộc đời đơn giản và tằn tiện. Họ không sống trong biệt thự, lái siêu xe hay ở trong các khu dân cư hào nhoáng.
Stanley cũng chỉ ra một số xu hướng thú vị:
- Một triệu phú điển hình không bao giờ mua một bộ suit quá 399 USD.
- Khoảng 20% thu nhập của 95% triệu phú đến từ chứng khoán.
- 85% là triệu phú tự thân và không làm các công việc văn phòng.
Có thể thấy, người giàu đôi khi sống khá đơn giản, thậm chí là hơi nhàm chán.
Bạn sẽ dễ làm giàu hơn nếu không sống trong những khu dân cư hào nhoáng, cố gắng đua đòi cho "bằng bạn bằng bè" để gây ấn tượng trong mắt người khác. Chỉ khi không bị xao nhãng bởi vật chất và vẻ bề ngoài, bạn mới có thể tập trung để làm giàu.
Mark Zuckerberg luôn mặc những trang phục thoải mái, không quá đắt đỏ
5. Làm giàu mất nhiều thời gian, vì thế kiên nhẫn chính là chìa khóa
Cuốn "Người giàu có nhất thành Babylon" có viết: "Quá trình tích lũy của cải bắt đầu từ những đồng tiền lẻ, sau đó phát triển thành những khoản tiền lớn khi con người có năng lực hơn".
Hầu hết các cuốn sách dạy làm giàu đều chỉ ra: làm giàu mất nhiều thời gian. Những người giàu nhất thường bắt đầu từ rất sớm và phải chờ đợi rất lâu.
Ở tuổi 90, Warren Buffett đang sở hữu khối tài sản trị giá 100,6 tỷ USD. Thế nhưng, ông chưa từng có nhiều hơn 3 triệu USD trong suốt 59 năm đầu của cuộc đời. Trong 12 tiếng sau đó, số tiền mà huyền thoại đầu tư này kiếm được còn nhiều hơn những gì ông đã có trong suốt 2/3 cuộc đời.
Tiền tài thường đến bất ngờ sau một quãng thời gian dài chờ đợi. Mấu chốt là bạn phải bắt tay vào làm, rèn tính kiên nhẫn để "chơi" đường dài. Người nào mãi không giàu lên đều do lãng phí quá nhiều công sức vào những mục tiêu ngắn hạn.
Đây chính là cách người giàu kiếm tiền từ đầu tư và chứng khoán. Khi thị trường đi xuống, họ không hoảng sợ hay bán tống bán tháo, mà nhắm vào những mỏ vàng không ai đủ kiên nhẫn để chờ đợi.
Làm giàu là một quá trình dài hơi, vậy nên những người được thừa kế hoặc nhận được những khoản "từ trên trời rơi xuống" thường không biết cách quản lý tiền bạc. Họ sẽ nhanh chóng tiêu pha vô độ, sống xa hoa hưởng lạc, để rồi lại trở về cảnh trắng tay.
6. Giàu nghĩa là bạn không phải làm việc, mà làm chủ
Robert Kiyosaki từng viết: "Người bình thường làm việc cật lực để kiếm chút tiền, theo đuổi ảo tưởng về một công việc an toàn, mong đợi kỳ nghỉ 3 tuần mỗi năm và trông chờ vào đồng lương hưu ít ỏi sau 45 năm bán sức mình".
Hãy tưởng tượng có 2 người đều muốn trở thành life coach (người khai vấn).
Người thứ nhất tự mình làm tất cả từ con số 0. Anh ta thu về không ít lợi nhuận, nhưng lúc nào cũng bận rộn. Thu nhập của anh ta bị giới hạn bởi số giờ lao động, mà sức người thì có hạn.
Người thứ hai cũng mở công ty, nhưng lại thuê các life coach khác về làm việc cho mình. Mỗi khi khách hàng thuê life coach từ chỗ cô ta, cô ta sẽ nhận được một phần tiền. Cô ta chỉ làm việc khi mình muốn, kiếm tiền ngay cả trong giấc ngủ.
Đây chính là sức mạnh của việc làm chủ so với làm việc. Muốn trở nên giàu có, bạn cần phải sở hữu nhiều luồng thu nhập khác nhau - kinh doanh, thu nhập thụ động, dự án ngoài, nhuận bút, cổ phiếu, đầu tư,...
Người nghèo thường không đầu tư hay làm chủ. Họ chỉ biết nỗ lực làm việc chăm chỉ để nhận về những đồng lương bị tính thuế.
Tác giả Thomas Stanley cho biết: "Để làm giàu, hãy giảm thiểu thu nhập thực nhận (có thể bị tính thuế) và tối đa hóa thu nhập chưa thực nhận (tăng trị giá vốn mà không cần đến dòng tiền mặt".
7. Muốn làm giàu phải có kiến thức
Bạn chỉ có thể trở nên giàu có nếu biết cách làm thế nào.
"Muốn xây tòa nhà Empire State, bạn cần phải đào một cái hố sâu và đổ móng cho chắc. Nếu muốn xây nhà ở ngoại ô, bạn cần đổ một tấm bê tông khoảng 6 inch", Robert Kiyosaki ví von. "Những người muốn làm giàu nhanh chính là đang cố xây tòa nhà Empire State trên một tấm bê tông 6 inch."
Những người nghèo thường không bao giờ tìm cách để học thêm kiến thức cơ bản về tiền bạc. Họ không đầu tư cho giáo dục hay cố gắng phát triển bản thân. Họ không đọc sách về tài chính, tham gia các khóa học tài chính, thậm chí còn chẳng học cách tạo ngân sách.
Hầu hết mọi người sẽ còn nghèo đến cuối đời nếu cứ đổ lỗi cho các yếu tố ngoại cảnh như nền kinh tế, công việc, gia đình, thị trường..., thay vì tìm cách nâng cao hiểu biết của bản thân
Muốn làm giàu, việc đầu tiên là bạn phải có kiến thức. Giống như Robert Kiyosaki đã viết: "Người giàu giàu chỉ đơn giản là vì họ có nhiều kiến thức tài chính hơn những người khác".
(Bài chia sẻ của Anthony Moore - nhà báo chuyên viết cho CNBC, Business Insider, Fast Company, Thought Catalog, Yahoo! Finance)
(Theo Medium)