Thế gian này vốn dĩ không tồn tại cái gọi là cuộc sống vui vẻ đơn thuần, hiểu được 3 đạo lý đơn giản này, bạn mới có thể thực sự trải nghiệm được cuộc sống thoải mái và dễ chịu.
1. Trong bận có nhàn
Nhà văn người Pháp Romain Rolland từng nói: "Gánh nặng lớn nhất trong cuộc sống không phải công việc, mà là sự vô vị."
Con người khi rảnh rỗi quá, không có việc gì để làm, tâm sẽ sinh ra rất nhiều tạp niệm, dễ suy nghĩ lung tung, rồi đánh mất đi chính mình giữa những lợi ích và mất mát.
Trong một cuốn sách mang tên "Thái Căn Đàm" có viết: "Nhân sinh thái nhàn, tắc biệt niệm thiết sinh."
Phương thức nhàn rỗi không đúng, cả ngày không có việc gì làm, sẽ buồn chán, khi buồn chán, con người ta dễ suy nghĩ lung tung, càng khiến bản thân rơi sâu hơn vào vòng xoáy của những vướng víu, phiền muộn.
Cổ nhân bảo rằng chỉ khi cái "tâm" thực sự được thoải mái, an tịnh, bình yên, đó mới là sự nhàn rỗi chất lượng cao.
Nhà tâm lý học người Mỹ gốc Hungary nổi tiếng, Mihaly Csikszentmihalyi từng đưa ra một khái niệm gọi là "tâm lưu", tức "dòng chảy" rằng: sự xuất hiện của dòng chảy tâm lý sẽ khiến con người ta cảm thấy hài lòng và thư thái tới cực hạn.
Khi "dòng chảy" được sản sinh, nó sẽ khiến con người ta hoàn toàn đắm chìm vào những chuyện mà mình đang làm, nội tâm cảm thấy thanh thản và bình yên, thậm chí quên mất thời gian và sự tồn tại của chính mình.
Vậy thì, "dòng chảy" này xuất hiện như nào?
Có một câu chuyện cười như này:
Có người tới thỉnh giáo một thiên tài như này: "Khi học toán xong thấy mệt thì cậu thường nghỉ ngơi, thư giãn bằng hoạt động nào?"
Thiên tài đáp: "Tớ chuyển sang làm văn."
Cười rồi, bạn sẽ ngộ ra được một đạo lý như này: nhàn rỗi, phải sinh ra từ trong sự bận rộn. Trong cái siêng năng, bạn tìm thấy được niềm vui, tìm thấy được đam mê, nhiệt huyết, thì đó cũng chính là sự hưởng thụ, sự nhàn rỗi. Sự nhàn rỗi có được thông qua bận rộn là thứ đáng quý nhất, cả cơ thể và tâm hồn đều cảm thấy an tịnh, thoải mái, lại càng đáng quý hơn.
2. Trong khó có dễ
Cuộc sống luôn tồn tại những câu chuyện rất khó để nói ra thành lời, cứ như vậy, chúng ở lại trong tim, rồi dần dần biến thành một khúc ca. Con người chính là như vậy, chưa có được thì không ngừng lao đầu vào, mất đi rồi mới học được cách trân trọng. Cái gọi là được mất, duyên phận, phong cảnh, trạm dừng chân, tất cả đều dần dần tan biến trong khói bụi nhân gian. Mặc dù có rất nhiều thứ khó có thể buông bỏ, nhưng, những thứ không thuộc về mình, sớm muộn gì cũng sẽ rời xa.
Đời người, được định sẵn là sẽ phải trải qua rất nhiều chuyện. Trên con đường hồng trần, có những tiếng cười sảng khoái, có những giọt nước mắt tủi thân, có sự ngốc nghếch kiên trì, có sự vỡ òa khi thành công, có những bài học nhớ đời khi thất bại, mỗi một trải nghiệm đều vô cùng quý giá.
Một con ngõ nhỏ nọ, thường xuyên có rất nhiều gánh hàng rong đi ngang qua, trong đó có một ông lão rất được lũ trẻ yêu thích.
Bởi lẽ mỗi lần ra ngoài với chai dầu đều là chúng sẽ được chứng kiến kĩ thuật đổ dầu điêu luyện của ông.
Ông múc một thìa dầu, mắt nhìn vào miệng chai, chiếc thìa hơi nghiêng, dầu trong thìa ngay lập tức biến thành một dòng chảy màu vàng, chảy thẳng vào chai, không hề rớt một giọt nào ra ngoài.
Một đứa trẻ không nhịn được hỏi ông lão: "Vì sao ông có thể nhẹ nhàng rót dầu vào chai mà không đổ một giọt nào vậy ạ?"
Ông lão cười cười đáp: "Trong khó có dễ cháu ạ, khi mới bắt đầu, ông cũng từng làm đổ rất nhiều dầu ra bên ngoài. Vạn sự khởi đầu nan, nhưng nếu cháu luyện tập trong một thời gian dài rồi, mọi thứ sẽ tự nhiên trở nên dễ dàng, thuần thục thôi."
"Hiệu ứng bánh đà" trong tâm lý học của nhà tư vấn nổi tiếng Jim Collins cũng giải thích rất rõ điều này.
Để bánh xe chuyển động, ban đầu bạn phải dùng rất nhiều lực để đẩy rất nhiều lần, cho đến khi đạt đến một điểm giới hạn nhất định, trọng lực và động lượng của bánh đà sẽ trở thành một phần của lực đẩy.
Lúc này, bánh đà có thể chuyển động nhanh chóng mà không cần tốn nhiều sức.
Khó khăn của mỗi sự việc thực ra đều là món quà của cuộc sống, vượt qua được bao nhiêu khó khăn, bạn sẽ tới được bấy nhiêu bến bờ thoải mái và vui vẻ.
"Cái khó ló cái khôn", gặp khó khăn, cần phải hiểu rằng "dễ từ khó mà ra" rồi điều chỉnh tốt tâm thái.
Trước tiên cứ làm đã, rồi khắc phục, rồi giải quyết, có lẽ bước đầu tiên sẽ rất khó khăn, bước thứ hai còn khó khăn hơn, nhưng cứ đi rồi lại đi, dần dần bạn sẽ phát hiện ra rằng "à thì ra cũng không khó như mình tưởng tượng", bởi lẽ chân khi đã quen đường rồi, đường tự nhiên sẽ êm ái dễ đi hơn.
3. Trong cho có nhận
Một thanh niên đang trên đường đi du lịch, tới một con suối nọ, cậu thấy một bà lão đang loay hoay không biết qua suối kiểu gì. Cậu thanh niên khi ấy dù đã khá mệt nhưng vẫn cố gắng giúp bà lao qua suối. Kết quả sau khi qua suối, bà lão không nói không rằng một câu nào liền bỏ đi.
Chàng thanh niên hoang mang, cậu thấy mình đúng là "vác tù và hàng tổng", đến một câu "cảm ơn" cũng chẳng được nghe.
Nào ngờ đâu, vài tiếng sau, khi cậu đang mệt tới không muốn bước đi nữa thì có một chàng trai cưỡi ngựa chạy với theo cậu.
Chàng trai cảm ơn cậu thanh niên vì đã giúp bà của cậu ấy, bà chàng trai dặn mang chút đồ tới cho cậu thanh niên. Nói xong, chàng trai lấy ra lương khô và đưa con ngựa của mình cho cậu thanh niên.
Bạn xem, thế gian này, không tồn tại cái gọi là "mất đi thực sự". Cho đi rồi sẽ được nhận lại, lòng tốt của bạn sẽ không thực sự mất đi, tương tự, có được cũng ắt sẽ có mất. Được thì thản nhiên, mất thì cũng bình thản, vậy là đủ.
Bất kể bạn có gặp ai, đó đều là đúng người; bất kể chuyện gì có xảy ra, đó đều là chuyện nên xảy ra; bất kể sự việc bắt đầu khi nào, đó đều là đúng thời điểm; cái đã qua thì cũng đã qua.
Đời người là một hàng trình du lịch, thứ bạn gặp được đều là phong cảnh. Dù có đau khổ, nó cũng chỉ là quá trình, cứ không ngừng tiến về phía trước, tràn đầy hi vọng vào tương lai, cho tới khi gặp được ánh cầu vồng sáng rực thì thôi.
Nếu chuyện không được như ý, hãy tin rằng ông Trời muốn dành cho bạn một sự sắp đặt khác; những thứ mất đi, rồi sẽ quay trở về bên bạn, chỉ là bằng một phương thức khác mà thôi.
Theo Như Nguyễn
Doanh nghiệp và tiếp thị