Khi xuất hiện tình huống khó khăn và mọi người thường nhắm đến việc thay đổi hoàn cảnh, thay đổi người khác, mà quên mất thay đổi chính mình sẽ đơn giản hơn.
Khi còn trẻ, chúng ta luôn nghĩ đến việc thay đổi cả thế giới. Khi không hài lòng, chúng ta nghĩ đến việc thay đổi môi trường. Khi bị uy hiếp, chúng ta nghĩ đến việc thay đổi suy nghĩ của đối phương.
Nhưng khi trưởng thành rồi, bạn sẽ nhận ra rằng điều duy nhất có thể thay đổi, là thay đổi bản thân, để đạt được điều mà mình mong muốn. Nó giống như việc ấp quả trứng gà: Cuộc sống giống như một quả trứng, mở ra từ bên ngoài là đổ vỡ, mở ra từ bên trong là cuộc sống mới.
Khi tự phá vỡ những rào cản bạn đặt ra, cuộc sống của bạn sẽ bắt đầu thay đổi.
Câu chuyện ngụ ngôn về nguồn gốc đôi giày da là một ví dụ. Thủa xa xưa, một vị vua trên đường du hành, đi qua bao con đường hiểm trở, khiến đôi chân đau tê dại. Sau khi về cung điện, ông ra lệnh cho cận thần phải trải da bò trên mọi con đường. Ông nghĩ rằng điều này không chỉ tốt cho bản thân mình, mà còn vì lợi ích của người dân.
Hàng loạt gia súc bị giết, ngân khố quốc gia thâm hụt. Tuy nhiên, một kẻ đầy tớ đã nói với vua: "Thưa đức vua, tại sao ngài không bọc chân mình bằng hai miếng da bò?". Nhà vua nghe xong cảm thấy rất ngạc nhiên, và làm thử. Sau cùng, ông có một đôi lót chân bằng da bò (đôi giày) rất ưng ý.
Rất khó để thay đổi thế giới và những người khác. Thay vì thế, thay đổi bản thân tương đối dễ dàng. Nếu bạn muốn thấy thế giới thay đổi, thì điều đầu tiên phải thay đổi chính là bản thân bạn.
Cố thay đổi người khác chỉ 'tốn công vô ích'
Mỗi ngày, chúng ta đều có thể nghe thấy những lời phàn nàn: "Tại sao anh không chịu thay đổi?", "Làm thế nào để ngăn cản anh làm việc này?". Những câu hỏi ấy luôn hiện diện trong mọi mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, gia đình, giữa các cá nhân với nhau.
Trên trang Aboluowang, một phụ nữ tâm sự rằng bản thân cô mệt mỏi vô cùng khi nhiều năm cố gắng thay đổi bạn đời. Cô luôn hy vọng rằng anh có thể trở thành một người độc lập, tự chủ hơn sau khi kết hôn. Tuy nhiên, nhiều năm qua đi, chồng cô không thay đổi, trong khi cô càng mệt mỏi hơn. Các chuyên gia khuyên rằng, mọi việc chỉ là do cô tự huyễn hoặc mình rằng anh ấy có thể thay đổi, cô có thể "bẻ cong" con người anh ấy. Đã đến lúc, cô phải tự thay đổi suy nghĩ của chính mình trước đã.
Thực tế, kỳ vọng quá mức vào người khác là nguồn gốc của sự đau khổ của mỗi người. Nỗ lực thay đổi một người khác, bạn có thể sẽ lãng phí thời gian, tâm sức.
Con người là động vật tình cảm, đôi khi chỉ dựa vào lý trí để yêu cầu sự thay đổi cũng là việc khó khăn. Trong đời sống, khi chúng ta yêu cầu người khác thay đổi, chúng ta cũng phải suy nghĩ nhiều hơn về những gì người khác đang yêu cầu mình.
Thùy Linh - vnexpress.net (Theo Aboluowang)