Người ta nói nơi làm việc giống như một “chiến trường”, điều này hoàn toàn đúng, nhưng sự đấu tranh ở nơi làm việc là một trò chơi giữa trí tuệ.
Có những người rất chăm chỉ ở nơi làm việc nhưng không những không nhận được sự tin tưởng của sếp mà thậm chí còn bị buộc phải từ chức. Lý do chỉ là vì đồng nghiệp nói xấu họ và ngày ngày gây rắc rối trước mặt sếp của họ.
Thực tế, đây là bản chất của con người, ai cũng muốn có được nhiều lợi ích cho mình nên dù có thay đổi công việc ở đâu thì chỉ cần ở nơi làm việc, xung quanh bạn chắc chắn sẽ có những đồng nghiệp nói xấu bạn mỗi ngày.
Dưới đây là 3 mẹo khiến sếp không còn tin tưởng những đồng nghiệp hay nói xấu sau lưng bạn.
Tăng tần suất xuất hiện trước mặt sếp
Ví dụ, bạn đang nỗ lực hoàn thành dự án A và đồng nghiệp của bạn tung tin rằng bạn lười biếng trước mặt sếp. Nếu sếp có thời gian, anh ấy có thể đến gặp bạn để xác nhận. Sếp lắng nghe đồng nghiệp của bạn nhưng có thể không tin điều đó ngay lập tức.
Con người có tâm lý tin tưởng tích lũy, tức là nếu ai đó nói điều gì đó thường xuyên trước mặt bạn, khi số lần họ nói điều đó tăng lên thì chúng ta sẽ dần chuyển từ hoài nghi sang tin tưởng.
Sếp của bạn có thể bắt đầu tin tưởng bạn ít hơn vì các đồng nghiệp khác đã vài lần nói những điều không hay. Do đó bạn nên xuất hiện trước mặt sếp thường xuyên hơn.
Nếu không có thời gian để tìm kiếm bạn và sự tin tưởng của anh ấy dành cho bạn đã giảm đi, bạn nên chủ động tìm gặp và cho anh ấy thấy rằng bạn là người đáng tin cậy, từ đó làm tăng sự tin tưởng của anh ấy đối với bạn.
Duy trì danh tiếng của bạn trước các đồng nghiệp khác
Bí quyết thứ hai là giữ vững danh tiếng của bạn trước các đồng nghiệp khác. Không phải đồng nghiệp nào cũng nói xấu và gây rắc rối với bạn. Do đó, đây là cơ hội để bạn bảo vệ danh tiếng của mình trước mặt họ.
Vậy nên làm gì để duy trì danh tiếng của mình trước mặt đồng nghiệp? Phương pháp này thực ra rất đơn giản. Chỉ cần thiết lập mối quan hệ tốt với đồng nghiệp của bạn bằng cách làm việc gần gũi với họ và giao tiếp nhiều với họ.
Nếu bạn có thể thiết lập được mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, chẳng hạn như thường xuyên đi ăn cùng nhau và về nhà cùng nhau, họ sẽ sẵn lòng giúp đỡ bạn trong những tình huống khó khăn.
Giao tiếp với những người nói xấu bạn
Mục đích chính của việc này là để xác định nguyên nhân bạn bị nói xấu. Phải có sự xung đột về lợi ích hoặc điều gì khác thì đồng nghiệp mới nói xấu bạn.
Khi giao tiếp với người nói xấu bạn, bạn không nên trò chuyện trực tuyến hoặc đến tận chỗ làm việc của anh ta/cô ta. Có một giải pháp khác khôn khéo hơn là cùng nhau ăn trưa, rồi trò chuyện trong bữa ăn.
Ngay cả khi hai kẻ thù ngồi dùng bữa cùng nhau, mối quan hệ giữa họ sẽ dịu đi rất nhiều. Đây chính là điều kỳ diệu của việc ăn uống.
Bạn cũng có thể mời người đã nói xấu mình dùng bữa với mình, rồi nói thẳng với người đó những khúc mắc trong lòng. Vấn đề của bạn có thể được giải quyết dễ dàng bằng cách tìm ra những điểm xung đột lợi ích giữa bạn và đối phương.
Theo: Thủy Kiều - Giáo dục & Thời đại | Sohu
https://giaoducthoidai.vn/cach-ung-xu-khon-ngoan-khi-phat-hien-dong-nghiep-noi-xau-minh-post715200.html