Câu hỏi này khiến nhiều dân văn phòng cảm thấy khó chịu khi phải đối diện vào dịp Tết. Song với 2 cách sau, bạn hoàn toàn có thể tự tin đối đáp mà không lo ngại.
Tết là dịp hiếm hoi chúng ta có thể dành thời gian cho gia đình, họ hàng, bạn bè. Những cuộc gặp gỡ, hội ngộ đem đến cảm giác ấm áp, đoàn viên, sum vầy.
Tuy nhiên trong những cuộc gặp đầu xuân năm mới, chủ đề liên quan đến lương thưởng được quan tâm. Đây là vấn đề được đánh giá là thiếu tế nhị. Nhiều người chỉ hỏi để thỏa mãn tính tò mò, có người lại hỏi để âm thầm so sánh, càng có những người hỏi với mục đích không hề tốt đẹp như buôn chuyện, nói xấu, ganh tị…
Dẫu vậy để giữ không khí vui vẻ của ngày Tết, bạn cần khéo léo đưa ra câu trả lời để bản thân cảm thấy thoải mái. Người hỏi cũng hài lòng khi nghe câu trả lời. Dưới đây là một số gợi ý mà những người có EQ dùng để đối đáp khi bị hỏi “Lương thưởng cuối năm bao nhiêu?”:
Trả lời mơ hồ
Nếu không muốn bị so sánh với người khác, bạn có thể không nói con số cụ thể. Thay vào đó, hãy sử dụng những câu nói mơ hồ để “giữ bí mật” cho bản thân. Có lần Khánh Lương (Trung Quốc) được 1 người họ hàng hỏi lương thưởng Tết bao nhiêu.
Anh khéo léo đáp rằng: “Tiền lương tôi kiếm được ở thành phố lớn là rất bình thường nên không có gì để bàn tán. Những người trẻ ngày nay ở các thành phố lớn có rất nhiều áp lực như lập gia đình, nuôi con, mua xe, mua nhà… và phải tiết kiệm tiền nên cuộc sống cũng rất khó khăn.
Tôi còn cảm thấy xấu hổ khi không tiết kiệm được tiền sau khi tốt nghiệp nhiều năm. Tôi rất nể cách các bạn trẻ tiết kiệm và phải học hỏi rất nhiều”.
Sau khi nghe được câu trả lời này, người họ hàng cũng không có ý hỏi thêm hay soi mói điều gì.
Ngoài ra bạn cũng có thể đưa ra những câu trả lời chung chung như: "Thưởng Tết cũng sương sương thôi ạ chứ đâu có bao nhiêu”; “Lương cũng vừa đủ sống thôi”; “Lương cũng bình thường thôi”...
Những lời đáp không đi thẳng vào trọng tâm này sẽ khiến đối phương nhận ra rằng bạn thực sự không muốn trả lời cụ thể. Người nào biết ý sẽ không hỏi thêm.
Thay đổi chủ đề bằng cách đặt câu hỏi
Đôi khi bạn gặp một người họ hàng thân thiết hỏi về mức lương của mình, vì ngại nên bạn không muốn từ chối trả lời trực tiếp.
Trong trường hợp này, thay đổi chủ đề để đánh lạc hướng sự chú ý của người khác là một cách bảo vệ bản thân. Điều này không những thể hiện bạn có chỉ số EQ cao mà còn không gây cảm giác khó chịu với người khác.
Tiểu Vương (Trung Quốc) từng được hỏi mức lương của anh ấy là bao nhiêu. Anh biết đối phương không có ý xấu, nhưng lương lậu là chuyện khá bí mật nên không tiện nói trực tiếp với người họ hàng. Vì vậy, anh tìm cách chuyển chủ đề: "Lương có bõ bèn gì đâu nhưng công việc nặng nhọc lắm, tăng ca suốt ngày. Anh có muốn thử làm công việc này không?"
Đối phương nhận thấy không dò hỏi được gì nên giả bộ bối rối, rồi chuyển qua nói chuyện về chủ đề khác.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đánh lạc hướng đối phương bằng cách thắc mắc điều gì đó. Bạn có thể đáp: “Lương của mình ít mà. À không biết bao giờ thì được xem xét tăng lương nhỉ”; “Lương của mình ít mà. Chi tiêu gia đình cũng lớn quá khó tiết kiệm ghê, bình thường lương bạn được bao nhiêu, bạn tiết kiệm tiền bằng cách nào?”...
Với 2 cách trả lời trên, bạn vừa không những không làm mất lòng người khác, hơn nữa còn có thể giữ kín bí mật của bản thân mình.
Bạn không nên tùy tiện tiết lộ lương bổng cho mọi người. Việc này hoàn toàn không có lợi cho bạn. Bên cạnh những người chỉ đơn giản là tò mò thì vẫn có những trường hợp hỏi thăm để “nhằm mục tiêu” nhờ vả, vay mượn. Nếu họ biết bạn vừa được thưởng một khoản tiền lớn, bạn sẽ rất khó có lý do để từ chối yêu cầu vay mượn của họ.
Hơn nữa, việc để đối phương biết lương thưởng của bạn cũng vô tình đặt áp lực cạnh tranh cho họ. Điều này hoàn toàn không có lợi cho mối quan hệ giữa 2 người.
Theo: Đinh Anh - Phụ nữ số
https://phunuso.baophunuthudo.vn/tet-den-bi-hoi-luong-thuong-bao-nhieu-nguoi-eq-cao-dap-kheo-vua-khong-mat-long-van-giu-duoc-bi-mat-193240205091741418.htm