Kiến thức kinh tế phải biết trước tuổi 18: Lãi kép là người bạn tốt nhất của tuổi trẻ

Tìm hiểu về tài chính là một hành trình suốt đời. Trong cuộc sống, có những người may mắn khi lớn lên cùng cha mẹ giúp họ hiểu về tiết kiệm, đầu tư khi còn nhỏ.

Nhưng thực tế, không phải ai cũng có cái nhìn rõ ràng và sâu rộng về tài chính, kể cả khi họ đã trưởng thành.

Nếu chưa biết bắt đầu từ đâu để quản lý tiền bạc của mình, hành vi tài chính và kinh doanh, đây là những lời khuyên bạn nên tham khảo trước tuổi 18.

1. Xác định mục tiêu, giá trị và mong muốn tài chính của bạn

Tài chính cá nhân là câu chuyện của riêng bạn. Do đó, bạn cần xác định mục tiêu, giá trị và mong muốn tài chính dựa trên ngân sách và khả năng của bạn, chứ không phải chạy theo những người xung quanh hoặc tiêu chuẩn của mạng xã hội.

Ví dụ, mua nhà là một mục tiêu rất phổ biến của người trẻ, vì tính thực tế và tiềm năng trở thành khoản đầu tư sinh lời cao. Nhưng nếu bạn muốn dành nhiều thời gian đi du lịch hoặc sống ở những nơi khác nhau thì trở thành chủ nhà có thể không phải đích đến cuối cùng. Lời khuyên là đừng cảm thấy bị áp lực khi phải hướng tới một cột mốc nhất định, không phù hợp với những gì bạn mong muốn trong cuộc sống.

2. Lãi kép là người bạn tốt nhất của tuổi trẻ. Hãy học đầu tư càng sớm càng tốt

Khi nói đến đầu tư, thời điểm tiền của bạn có mặt trên thị trường thường quan trọng bằng số tiền bạn đóng góp. Đó là vì sức mạnh của lãi kép. Lãi kép là khoản tiền lợi nhuận của một khoản tiền gửi được tính dựa trên cả số tiền gốc ban đầu và lãi tích lũy từ những kỳ trước. Hay nói một cách đơn giản, lãi kép là tiền bạn kiếm được chính trên số lãi của mình.

Bạn tiết kiệm hoặc đầu tư càng lâu, lãi kép càng lớn. Hiệu ứng lãi trên lãi suất có thể tạo ra lợi nhuận liên tục tăng dựa trên số tiền đầu tư ban đầu của bạn.

Các chuyên gia đầu tư như Warren Buffett đều đồng ý: Lãi suất kép là một trong những cách dễ dàng nhất để xây dựng sự giàu có. Cách tối đa hóa chúng là giữ tiền đầu tư càng lâu càng tốt. Đó là lý do tại sao nên bắt đầu đầu tư càng sớm càng tốt.

Công thức tính lãi kép như sau:

FV = PV*(1 + i/m)^(n*m)

Trong đó:

FV (Future Value - giá trị trong tương lai): Số tiền nhận được trong tương lai.

PV (Present Value - giá trị trong hiện tại): Số tiền gốc để đầu tư ban đầu.

t: lãi suất hàng năm

n: số năm

m: số lần ghép lãi trong năm

Chẳng hạn: Một người gửi tiết kiệm 300 triệu đồng với lãi suất 6%/năm trong vòng 20 năm, ghép lãi hàng tháng (12 lần một năm). Theo công thức tính lãi kép:

PV = 300 triệu đồng; t = 10%; n = 20; m = 12

Số tiền cả vốn lẫn lãi nhận được sau 20 năm là:

FV = 300*(1+0,06/12)^(20*12) = 993,06 (triệu đồng).

Kiến thức kinh tế phải biết trước tuổi 18: Lãi kép là người bạn tốt nhất của tuổi trẻ

Ảnh minh hoạ

3. Hãy tiêu tiền có chủ đích

Hầu hết mọi người đều phải tìm cách sống tốt với một số tiền nhất định. Ngay cả khi có công việc ổn định và giàu có, bạn vẫn rất dễ bị phá sản hay nợ nần nếu không theo dõi tình hình tài chính thường xuyên. Ví dụ điển hình là nhiều người g trúng xổ số hoặc vận động viên chuyên nghiệp cũng rơi vào cảnh “cháy ví" ở cuối đời.

Nghiện mua sắm là con đường nhanh nhất phá huỷ cuộc sống của bạn. Do đó, hãy dành thời gian để cân nhắc xem tiền của mình đang đi về đâu và bạn có thực sự cần tiêu chúng hay không. Viết ra mọi thứ mà bạn tiêu trong một tháng là cách tốt nhất để làm chủ tài chính. Sau đó, bạn có thể quyết định phải làm gì với phần tiền dư thừa hàng tháng hoặc tìm kiếm những lĩnh vực có thể giảm chi tiêu để đạt được một mục tiêu nhất định.

4. Nói chuyện với mọi người về tiền bạc: Càng nói nhiều, bạn càng thoải mái hơn

Trước đây, người ta thường hay cau mày khi ai đó nói về tiền bạc. Nhưng thái độ đó đã tạo điều kiện cho các vấn đề như bất bình đẳng về tiền lương và thiếu kiến thức tài chính tiếp tục tồn tại.

Nói chuyện về tiền bạc với những người lớn tuổi đáng tin cậy hoặc người giàu kinh nghiệm hơn sẽ giúp bạn tìm hiểu cách quản lý tiền thông minh như sử dụng thẻ tín dụng khôn ngoan hay những rủi ro trong đầu tư.

Bạn càng thoải mái khi nói về tiền bạc trong tình huống không mang nợ thì bạn càng dễ dàng đề cập đến vấn đề đó khi tiền trở thành nhân tố quan trọng để đạt được mục tiêu cuộc đời. Chẳng như thương lượng mức lương với sếp, đưa ra lời đề nghị mua nhà hay quyết định trường học phù hợp cho con.

5. Học cách mặc cả

Bạn càng sớm thành thạo chuyện mặc cả trong mọi lĩnh vực thì bạn càng có lợi. Khi đề cập đến tiền lương với sếp, tiền thuê nhà khi sống ở thành phố lớn, bạn có thể đặt mình vào vị thế tốt hơn chỉ bằng cách yêu cầu một mức giá phù hợp.

Việc mặc cả trong những lần đầu tiên có thể đáng sợ. Nhưng bạn sẽ không biết mình có khả năng nhận lại được gì trừ khi bạn hỏi về chúng. Nếu người sếp không đưa ra mức lương cao hơn, hãy yêu cầu những phúc lợi khác như thời gian nghỉ phép hoặc tiền thưởng khi ký hợp đồng.

Tương tự, khi bạn đi thuê một căn hộ, bạn luôn có thể yêu cầu mức giá hàng tháng thấp hơn hoặc bao gồm các tiện ích trong tiền thuê nhà. Trong hầu hết mọi trường hợp, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra chỉ là bạn nhận được câu trả lời “không" từ đối phương.

Học cách mặc cả

Ảnh minh hoạ

6. Có gì không hiểu thì hãy hỏi

Bạn sẽ có mối quan hệ lành mạnh với tiền bạc khi bạn sớm cảm thấy thoải mái khi đặt câu hỏi về nó.

Chẳng hạn như nếu tiền lương thấp hơn bạn nghĩ, có lẽ bạn nên trao đổi với sếp hoặc bộ phận nhân sự. Hay nếu chưa hiểu về bảo hiểm, hãy thử tìm hiểu từ những người đã mua chúng. Nhớ rằng, bạn không thể cải thiện khó khăn tài chính, nếu ngay từ đầu, bạn không hiểu tại sao mình lại rơi vào tình trạng đó.

7. Học hỏi từ những sai lầm tài chính của mình

Ai cũng mắc sai lầm. Tất cả đều là một phần của quá trình học hỏi và trưởng thành, miễn là bạn thực sự học được điều gì bổ ích từ chúng. Chẳng hạn là hãy tự hỏi tại sao mình vẫn chưa quản lý tài chính tốt và nếu có thể, bạn sẽ làm gì để ngăn chặn chúng? Sau đó hãy mang theo kiến thức đó vào tương lai để đảm bảo bạn không mắc phải sai lầm tương tự lần hai.

8. Ở cạnh những người ủng hộ mục tiêu tiền bạc của bạn

Nếu bạn đang cố gắng tiết kiệm cho chuyến du lịch nhưng bạn bè lại muốn bạn đi ăn tối, uống cafe vào mỗi cuối tuần và đi mua sắm quần áo mới mỗi tháng, thì bạn có thể khó đạt được mục tiêu của mình.

Trong cuộc sống, không phải lúc nào ta cũng có chung đích đến với người xung quanh. Ở bên cạnh những người gây áp lực buộc bạn phải tiêu số tiền mà mình không có hoặc không mong muốn muốn chi tiêu có thể khiến bạn phải trả giá đắt.

Mặt khác, nếu bạn có những người trong cuộc sống luôn khuyến khích bạn kiên trì với mục tiêu tài chính của mình, yêu cầu bạn sống trách nhiệm và tiết kiệm hơn, bạn sẽ dễ thành công hơn rất nhiều.

Ở cạnh những người ủng hộ mục tiêu tiền bạc của bạn

Ảnh minh hoạ

9. Sự giàu có thực sự không chỉ là gia tăng về tiền bạc

Những người cảm thấy giàu có không nhất thiết là những người có mức lương cao nhất. Các chuyên gia tài chính và nhiều người giàu đều có xu hướng đồng ý: Nếu bạn có thể đặt mình vào vị trí mà bạn không phải lo lắng về tiền bạc vì có đủ khả năng để làm những việc mang lại niềm vui, bạn sẽ hạnh phúc và cảm thấy thỏa mãn.

Điều này được xem là “nói dễ hơn làm", đặc biệt khi chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. Tuy nhiên, hãy tin rằng quan điểm này đúng với nhiều người ở mức thu nhập khác nhau, miễn là bạn có có kiến thức và kỹ năng để quản lý tiền một cách hiệu quả.

Theo: CNN | Phụ nữ mới

https://phunumoi.net.vn/kien-thuc-kinh-te-phai-biet-truoc-tuoi-18-lai-kep-la-nguoi-ban-tot-nhat-cua-tuoi-tre-co-1-thu-con-quan-trong-hon-mua-nha-d297163.html

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM