Cách ứng xử khéo léo sẽ giúp bạn ghi điểm đối với cấp trên, nhất là khi lãnh đạo giao cho bạn công việc gì đó.
Người EQ cao có thể khẳng định sự khéo léo, khôn ngoan của mình mọi lúc mọi nơi. Đặc biệt, khi ở nơi làm việc, bạn cũng cần thể hiện trí tuệ cảm xúc cao với cấp trên, đồng nghiệp. Đây sẽ là điểm cộng giúp bạn được yêu mến và đánh giá cao hơn nơi công sở.
Bên cạnh những công việc cố định, nhiều lãnh đạo vẫn sẽ bất ngờ giao việc cho nhân viên khi cần thiết. Khi sếp giao việc, nhiều người chỉ “vâng”, “được” cho xong, dễ khiến sếp cảm thấy hụt hẫng.
Nếu lãnh đạo giao việc cho bạn, nghĩa là họ tin tưởng bạn sẽ làm tốt việc này. Không chỉ vậy, họ còn muốn đánh giá thái độ, tinh thần của bạn đối với công việc chung. Họ cũng mong muốn bạn đáp lại 1 lời rõ ràng sau khi nhận thông tin.
Hiểu được điều đó, những người có trí tuệ cảm xúc cao luôn có cách cư xử khôn ngoan. Trước khi bắt tay vào làm việc sếp giao cho, họ vẫn sẽ nói vài câu ngắn gọn nhưng được lòng cấp trên.
Nếu bạn sẵn sàng thực hiện công việc sếp giao, hãy nói ngắn gọn: “Vâng, em nhận thông tin từ anh/chị rồi ạ, em sẽ hoàn thiện việc này sớm nhất có thể”. Nếu cảm thấy công việc này mất nhiều thời gian, bạn có thể đưa ra 1 lịch hẹn cụ thể với sếp để xem sếp có đồng ý hay không. Bên cạnh đó, chúng ta cần xem kỹ công việc để trao đổi với sếp các vấn đề phát sinh.
Khi cấp trên bất ngờ giao việc, người có trí tuệ cảm xúc cao cũng thường hỏi về mong muốn, yêu cầu của sếp. “Em sẽ làm việc ngay, sếp muốn chiến dịch này đạt mục tiêu ra sao ạ” là 1 trong những câu nói thể hiện sự thông minh của người EQ cao. Chỉ 1 câu nói, bạn sẽ cho sếp thấy tinh thần sẵn sàng cũng như nghiêm túc của mình. Trong tình huống bất ngờ, bạn vẫn tỉnh táo và thể hiện sự quyết đoán của mình nên sẽ ghi điểm mạnh mẽ đối với lãnh đạo.
Lời khuyên dành cho bạn là cần thẳng thắn bàn bạc với sếp về thời gian cần hoàn thiện công việc, yêu cầu của sếp hay những khó khăn trong công việc này. Ngay cả khi bạn cần những đồng nghiệp khác hỗ trợ cũng nên bày tỏ với sếp từ sớm.
Nếu như bạn đang bận dự án khác hoặc công việc cá nhân bất khả kháng, bạn có thể từ chối sếp nhưng cần sự khéo léo. Bạn nên thành thật rằng mình đang vướng công việc khác, nếu như sếp không gấp thì có thể giao việc cho mình. Nếu như đây là việc cần xử lý ngay, hãy cố gắng sắp xếp để hoàn thiện. Nhìn chung, khi sếp giao việc cho bạn nghĩa là họ có sẵn lý do. Vì vậy hãy hạn chế từ chối và cố gắng hết sức mình để đạt hiệu quả cao nhất.
Ở nơi công sở, có 1 số điều cấm kỵ bạn không nên nói ra với cấp trên. Những câu nói thẳng thắn như: “Em không có thời gian”, “Em thấy công việc này quá sức với mình”, “Đó không phải phần việc của em”, “Em không biết mình nên làm gì”... đều tố cáo bạn là người có trí tuệ cảm xúc thấp. Khi nghe những lời này, các lãnh đạo cũng khó hài lòng và tin tưởng bạn. Vì vậy, dù trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng cần giao tiếp khôn ngoan, thể hiện sự nghiêm túc và chí tiến thủ trong công việc.
Nếu bạn muốn gắn bó lâu dài ở 1 công ty, bạn cần có năng lực thực thụ cùng với trí tuệ cảm xúc cao. Khi rèn được EQ cao, bạn sẽ nhận nhiều sự yêu mến và quý trọng từ người xung quanh.
Theo: Toutiao | Đời sống Pháp luật
https://m.doisongphapluat.nguoiduatin.vn/sep-giao-viec-nguoi-thuong-chi-vang-cho-xong-nguoi-eq-cao-noi-vai-cau-ngan-nhung-van-chat-luong-a394038.html