Hãy bắt đầu học tập 3 điểm được coi là “bất ly thân” của những người thành công sau đây để thay đổi chính mình, sau đó, cùng thay đổi tiền đồ tương lai.
Có một mục tiêu rõ ràng và biết mình thực sự muốn gì
Một người hiểu mình muốn gì, xác định mục tiêu của mình làm gì thì mới có thể tập trung vào chí hướng, phấn đấu cùng động lực trọn vẹn. Nếu không, chúng ta chỉ giống như con tàu ra khơi mà không có ngọn hải đăng, dễ dàng lạc lối, chỉ biết mặc trôi theo dòng chảy của số phận.
Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, đặt ra các mục tiêu cụ thể sẽ gia tăng hiệu suất cao hơn 90%. Mục tiêu càng cụ thể càng có hiệu quả vì chúng sẽ cung cấp cho bạn đủ phương hướng để đi theo, có tác dụng như một chiếc đèn chiếu sáng. Ánh sáng càng rõ ràng thì con đường phía trước càng thuận lợi.
Giám đốc điều hành của Forrest Performance Group, Jason Forrest đã từng nói rằng: “Nếu không xác định rõ mục tiêu, bạn sẽ chỉ trì hoãn. Hãy suy nghĩ về kết quả bạn muốn đạt được, bạn sẽ biết mình cần làm gì để đạt kết quả đó”.
Người đồng sáng lập Chowly, Justin McNally cũng chia sẻ rằng: “Đặt ra các mục tiêu thực tế sẽ giúp bạn quản lý tốt hơn. Quyết định những gì bạn muốn hoàn thành trong một ngày và dừng lại khi bạn hoàn tất. Một mục tiêu như là tăng ngân sách tiếp thị lên 50% trong 3 tháng nghe thì tuyệt vời, nhưng không rõ ràng khi đưa vào thực tế, nghe rất nhanh nản và khó thực hiện”.
Đây chính là đặc điểm điển hình mà dù bạn là ai cũng cần phải học tập.
Kỷ luật tự giác và hành động dứt khoát
Nhà giáo dục nổi tiếng Stephen Covey đã nói: "Kỷ luật chính là tự do. Người vô kỷ luật sẽ chỉ là nô lệ cho cảm xúc, sự thèm muốn và say mê".
Để trở thành người Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách Top 500 người giàu nhất thế giới theo Forbes đánh giá để khởi nghiệp tuổi 40, nhân tố cốt lõi nhất của vị tỷ phú Phạm Nhật Vượng, ông chủ tập đoàn Vingroup, chính là hai chữ: Kỷ luật, theo cựu nhân viên Trần Chí Hiếu của vị tỷ phú này chia sẻ.
Kỷ luật sẽ trở thành nhân tố kích thích sự sáng tạo không ngừng. Một ý tưởng có thể đến bất chợt trong lúc bạn sống biếng nhác, thiếu tổ chức nhưng để ngày nào cũng nảy ra hàng loạt ý tưởng hay, những sáng kiến tốt và hướng điều hành sáng suốt cho cả một tập đoàn lớn thì chỉ có kỷ luật mới đủ sức tạo nên sức ép.
Đó chính là sức ép lên bản thân, sức ép để giúp đồng đội, là đặc điểm cốt lõi kích thích sự thay đổi, sau đó là phát triển của một người. Cuộc đời tầm thường có thể khiến bạn không chết đói, nhưng một cuộc sống kỷ luật cao mới có thể dẫn bạn tới thành công.
Jocko Willink, cựu chỉ huy đặc nhiệm SEAL, cũng đồng quan điểm: "Nếu bạn muốn tự do thì bạn cần phải có kỷ luật. Bạn càng kỷ luật bản thân bao nhiêu thì bạn càng có thể làm những gì mình muốn. Có thể, ban đầu, kỷ luật chỉ là việc làm những điều mình bắt buộc phải làm chứ không hề mong muốn. Nhưng sau này, khi càng làm nhiều hơn, bạn nhận ra đó là những điều hoàn toàn đúng đắn, bạn sẽ thấy mình ngày càng giỏi hơn, bản lĩnh hơn và tự nguyện thực hiện kỷ luật hơn” .
Đó chính là đặc điểm nền tảng của một lối sống kỷ luật, khi bạn điều khiển hành động bằng lý trí thay cho cảm xúc nhất thời. Rõ ràng, chẳng có ai muốn dậy sớm trong một ngày cuối tuần rảnh rỗi, hay chui ra khỏi chăn giữa trời đông rét buốt, nhưng chính sự tự giác sẽ vượt lên lòng ham thích để hướng tới mục đích ý nghĩa hơn cho cuộc sống.
Một cuộc chạy bộ rèn luyện sức khỏe, nấu và ăn sáng đúng giờ tại nhà, thư thả đọc một cuốn sách và xem báo chắc chắn sẽ đem lại nhiều giá trị hơn một ngày “nướng” trên giường cho tới tận trưa. Sức mạnh của thói quen tự giác và hành động theo kỷ luật sẽ được tích góp ngày một lớn dần.
Có dũng khí và cả sự kiên trì
Tony Robbins - Tác giả và chuyên gia tư vấn hàng đầu thế giới, người từng làm việc với nhiều khách hàng VIP trên thế giới như cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, từng nhận xét rằng: Cá tính của mỗi người thành công đều rất khác nhau, nhưng đặc điểm chung lớn nhất của họ chính là sự kiên trì, không ngừng kiên trì và nỗ lực.
Trong số những nhóm bạn nổi tiếng của vị tác giả này có ông chủ hãng hàng không Virgin là Richard Branson. Vị tỷ phú 65 tuổi nhưng vẫn năng động và tràn đầy sức sống. Điều này không chỉ thể hiện trong thói quen sống hàng ngày, mà còn lộ rõ từ cách ông vạch rõ cho chính mình sự bền bỉ được tiến xa hơn. Richard Branson không bao giờ đặt ra giới hạn cho mình, mà chỉ không ngừng kiên trì khai thác thêm, thêm và thêm nữa giá trị của bản thân. Nó cũng xảy ra tương tự với hai người bạn khác của Tony là CEO Salesforce Marc Benioff và bà hoàng truyền thông Oprah Winfrey.
Chuyên gia đã kết luận rằng: “Giống như đầu tư, khi bạn miệt mại, kiên trì từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, thập kỷ này sang thập kỷ khác, kinh nghiệm, khả năng sẽ theo đó tăng lên và kết quả nhận được cũng tốt hơn.”
Những người bản lĩnh là người có đủ dũng khí để chịu đựng những áp lực và rủi ro rất cao, đủ dũng khí để đối mặt với mọi khó khăn có thể xảy đến, nhưng cũng đủ tỉnh táo để tìm kiếm mọi nguồn lực sẵn có, tập trung giải quyết vấn đề của bản thân từng chút, từng chút một, rồi kiên trì hướng tới mục tiêu. Đó chính là con đường duy nhất để đạt được một thành công thực sự cho tất cả chúng ta.