Trong quá trình dạy con, các bậc cha mẹ nên cố gắng đừng làm tổn thương con.
Có ba kiểu nuôi dạy gây tổn thương cho trẻ nhất thời thậm chí đến suốt cuộc đời, cha mẹ cần lưu ý:
1. Tổn thương cơ thể
Trong suy nghĩ của nhiều cha mẹ vẫn tồn tại quan niệm giáo dục "Không đánh thì không thể thành tài". Họ cho rằng nếu đứa trẻ không nghe lời thì có thể nhanh chóng thay đổi bằng cách dùng đòn roi.
Trên thực tế, một đứa trẻ luôn bị đánh đập sẽ không thể cảm nhận được tình yêu của người khác, cũng sẽ không học được cách yêu thương người khác. Trẻ trở nên ích kỷ và có nhân cách méo mó.
Tiến sĩ Julie Ma, Đại học Michigan-Flint và nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu tác động của đòn roi so với những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu (còn gọi là ACEs, gồm: ngược đãi, bỏ bê, bạo lực gia đình, các chất kích thích và bạo hành tinh thần với trẻ).
Để làm rõ tác động của ACEs so với đánh đòn, các nhà nghiên cứu đã so sánh dữ liệu từ hơn 2.300 gia đình. Sau đó so sánh những trẻ bị các hành vi ACEs và những trẻ chỉ bị kỷ luật bằng roi. Qua đó thấy một đứa trẻ bị các hành vi của ACEs và đánh đòn khi 3 tuổi thì có xu hướng hung hăng, bạo lực, bắt nạt ở tuổi lên 5, hơn những trẻ không phải chịu một hình thức nào.
"Điều này cho thấy tác động có hại của việc đánh đòn và ACEs đối với trẻ em có khả năng tương tự nhau. Ngay cả sau khi chúng tôi kiểm soát được những gì xảy ra vì ACEs, thì việc đánh đòn vẫn là một dấu hiệu dự báo về hành vi hung hăng của trẻ em", TS Julie nói.
2. Tổn thương bởi lời nói
Một số bậc cha mẹ cho rằng khi trẻ mắc lỗi, phải nói nặng lời để con không tái phạm nữa. Nhưng những gì trẻ thực sự cần là khen ngợi chứ không phải chỉ trích gay gắt. Trẻ cần được đánh giá cao và khẳng định chứ không phải đổ lỗi và tấn công.
Cha mẹ giáo dục con cái luôn cảm thấy rằng họ có nhiều kinh nghiệm hơn, vì vậy họ có thói quen sử dụng tư cách người lớn tuổi và thái độ trịch thượng của mình để đưa ra những chỉ dẫn bắt buộc đối với con cái. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể khơi dậy sự chống đối lớn hơn từ những đứa trẻ.
Khi trẻ thường xuyên nghe những từ tiêu cực, chúng sẽ nghĩ rằng chúng xấu xa và không quan trọng, điều này ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Tổn thương ngôn ngữ là loại tổn thương thứ hai có thể ám ảnh một đứa trẻ trong cuộc đời.
Cha mẹ nên học cách đồng cảm khi giáo dục con cái và nhìn nhận vấn đề nhiều hơn từ góc độ của con cái. Để trẻ biết rằng cha mẹ đang cố gắng thấu hiểu và giúp đỡ mình thì không dễ nảy sinh tâm lý nổi loạn, dễ đạt được hiệu quả giáo dục tốt.
3. Tổn thương tình cảm
Sự tổn thương về mặt tinh thần của cha mẹ đối với con cái thường thể hiện ở: cha mẹ thường xuyên có cảm xúc tức giận, áp đặt hay phàn nàn. Thờ ơ, thiếu kiên nhẫn và không đáp ứng kịp thời các nhu cầu thiết yếu về thể lý, an toàn và cảm xúc của trẻ. Tổn thương tinh thần là loại tổn thương thứ ba của một đứa trẻ trong cuộc đời, nó phổ biến và khó phát hiện.
Các nghiên cứu cũng cho thấy việc trẻ bị bỏ mặc hay bị kiểm soát quá mức về hành vi hay cảm xúc cũng ảnh hưởng đến khả năng thiết lập sự tự chủ và hình thành bản thể riêng. Khả năng điều chỉnh cảm xúc của trẻ cũng bị ảnh hưởng, kéo theo những vấn đề về lòng tin tưởng bản thân, khả năng thích ứng, điều chỉnh trong tương lai.
Theo Phụ nữ Việt Nam