Con gái bị bạn cùng lớp bắt nạt, mẹ dùng phương pháp 'đơn giản và cục cằn' nhưng hiệu quả tức thì

Một khi trẻ xảy ra mâu thuẫn, nếu người lớn không kịp thời giải quyết thì ít nhất sẽ ảnh hưởng đến việc học tập, nặng hơn sẽ có hậu quả nghiêm trọng về cả tinh thần và thể chất.

 

Bạo lực học đường không phải chuyện quá xa lạ với bất kỳ đứa trẻ nào. Mỗi độ tuổi, cấp độ của bạo lực cũng sẽ khác nhau. Nhiều phụ huynh từng tranh cãi việc có nên hay không dạy con cách ăn miếng trả miếng khi bị bạn đánh, bị bạn giật đồ. Quan điểm này gây nên nhiều tranh cãi nhưng liệu đây có phải phương pháp tốt nhất? Và cha mẹ nên làm gì khi biết con bị bắt nạt tại trường học?

Cô Châu, một phụ huynh ở Giang Tô (Trung Quốc) cũng từng đau đầu về chuyện con bị bắt nạt. Tuy nhiên, bà mẹ này cho biết, với những vụ việc bắt nạt trong khuôn viên trường học, cô luôn giữ thái độ không khoan nhượng. Bởi một khi trẻ xảy ra mâu thuẫn, nếu người lớn không kịp thời giải quyết thì ít nhất sẽ ảnh hưởng đến việc học tập, nặng hơn sẽ có hậu quả nghiêm trọng về cả tinh thần và thể chất.

Con gái bị bạn cùng lớp bắt nạt, mẹ dùng phương pháp 'đơn giản và cục cằn' nhưng hiệu quả tức thì

 

Con gái Tiểu Miên của cô Châu ngoại hình xinh đẹp lại học giỏi, dù ở nhà mạnh dạn, rất tự tin, nhưng sau khi đến trường thì trở thành một "con cừu nhỏ", thường bị các bạn trong lớp cô lập và nói xấu sau lưng. Mặc dù không bị đánh đập, nhưng sự bạo lực lạnh khiến Tiểu Miên bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong số đó, một bạn nữ tên Hiểu Ly là người thường xuyên bắt nạt con gái cô Châu nhất.

"Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng Hiểu Ly luôn chống lại Tiểu Miên nhà chúng tôi, không hài lòng với con bé về mọi mặt. Nó không chỉ nói xấu sau lưng mà còn thường xuyên chế nhạo công khai. Chỉ cần có bạn cùng lớp thân thiết với con gái tôi hơn, bất kể là nam hay nữ, bạn Hiểu Ly đó sẽ cố gắng hết sức để ngăn cản họ", cô Châu chia sẻ.

Quá áp lực, con cô Châu thường tự nhốt mình trong phòng sau giờ học và không nói chuyện với gia đình. Khi cha mẹ hỏi thăm, Tiểu Miên chỉ trốn tránh, không trả lời trung thực. Một buổi chiều, sau khi tan học, Tiểu Miên khóc lóc quay về, khi được mẹ hỏi lý do, rất lâu sau cô bé mới tiết lộ trong nước mắt. Thì ra, khi tình cờ gặp Tiểu Miên trong nhà vệ sinh, cô bạn học Hiểu Ly đã lớn tiếng mắng nhiếc: "Thật đen đủi khi gặp lại con khốn này!". Không chỉ vậy, còn bước ra cố tình va vào Tiểu Miên, giựt tóc, đưa tay bịt mũi ra vẻ dơ bẩn khiến các bạn trong lớp đều nhìn ngó em với ánh mắt kỳ lạ.

Tiểu Miên kể, bây giờ trong lớp, không chỉ các bạn nữ không nói chuyện em mà ngay cả các bạn nam cũng thường xuyên chỉ trích và mỉa mai, khiến em giống như một con quái vật. Tiểu Miên vì thế không mở miệng nói câu nào ở trường, gần như bị trầm cảm, đôi khi có ý định muốn đánh cả bạn học.

Trước đây, khi con gái phàn nàn về những chuyện trong lớp, điều cô Châu khuyên nhiều nhất chính là bảo con hãy dành nhiều tâm sức hơn cho việc học, đừng quá quan tâm đến người khác nghĩ gì về mình. Chỉ cần học lực đủ tốt, không ai dám coi thường con.

Nhưng khi Tiểu Miên nói về tình hình hiện tại, bà mẹ này thực sự tức giận, đồng thời nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Ban đầu, cô Châu muốn nhắn tin riêng cho phụ huynh của em Hiểu Ly, mong họ kỷ luật con mình cho tốt. Nhưng sau khi bình tĩnh lại, bà mẹ lại thay đổi quyết định, sợ bố mẹ của bạn học kia sẽ bảo vệ con, sự việc không những không được giải quyết mà còn phản tác dụng. Thêm nữa bà mẹ này cho rằng, sau này con gái mình cũng sẽ bước vào xã hội, cha mẹ không thể ở bên con mãi được, có những việc phải tự mình đối mặt.

Cách xử lý "đơn giản và cục cằn" nhưng hiệu quả

Cô Châu nói với con 2 điều: "Bắt đầu từ ngày mai, con đi học bình thường, nếu bạn học nào lại chế giễu hoặc mỉa mai, nhất định phải phản ứng lại, không cúi đầu chịu trận nữa. Cương quyết “dằn mặt” người bắt nạt mình bằng chiêu: Nhìn thẳng vào họ và dõng dạc nói “Không được trêu tớ nữa”. Tuy nhiên, con đừng chủ động khiêu khích, nên nhớ, chỉ phản ứng khi bị gây hấn. Nếu họ vẫn tiếp tục nói nhảm thì con hãy kéo thẳng bạn học đó lên phòng giáo viên, yêu cầu được giải quyết tại chỗ. 

Nếu giáo viên xử lý không công bằng, con có thể quay lại nói với mẹ, mẹ sẽ đến trường tìm thầy cô nhờ phân xử. Cần thiết hơn, mẹ sẽ gặp hiệu trưởng. Cao hơn nữa, tình hình không cải thiện, mẹ sẽ báo lên phòng, lên Sở. Cha mẹ nhất định sẽ không ngồi yên để con bị bắt nạt. Sau này nếu lại xảy ra chuyện như vậy, con phải nhanh chóng nói cho cha mẹ biết, tuyệt đối không được nuốt cơn giận vào lòng".

Cô Châu cũng nói với con gái rằng nếu ai dám đánh con thì con cần giữ tay bạn lại và không cho phép bạn làm đau con. Thậm chí có thể đánh trả nếu cần thiết.

Kết quả là trong vòng hai ngày, sau khi đi học về, Tiểu Miên không kìm được sự phấn khích, kể chuyện đã dám đứng lên phản ứng khi bị bạn hất tung tất cả sách trên bàn xuống đất. Ban đầu, Tiểu Miên yêu cầu bạn học xin lỗi nhưng người kia vẫn tỏ vẻ bất cần. 

Không nói một lời, cô bé đi thẳng đến bàn của cậu bé kia và đẩy sách của bạn xuống. Hai đứa sau đó giằng co, mãi đến khi giáo viên vào yêu cầu cả hai lần lượt đến văn phòng giáo viên. Sau khi hỏi tình hình, thầy giáo đã yêu cầu nam sinh xin lỗi Tiểu Miên ngay tại chỗ và phê bình nghiêm khắc. 

Hôm sau, trong giờ thể dục, bạn nữ cùng lớp Hiểu Ly lại một lần nữa nói xấu con gái cô Châu. Lần này, Tiểu Miên không giả vờ như không nghe thấy mà đi đến phía trước, nhìn thẳng mắt bạn học và hỏi: "Vừa rồi bạn nói gì về mình vậy? Nói lại lần nữa xem".

Bạn nữ đối diện sửng sốt, đối mặt với sự dữ dằn của Tiểu Miên rõ ràng hoàn toàn không có sự chuẩn bị tâm lý, vẻ mặt vô cùng bối rối. Hiểu Ly không mạnh bằng Tiểu Miên, vì muốn thoát ra, không còn cách nào khác là phải nhượng bộ, nói rằng mình đã sai, và sẽ không bao giờ làm điều này một lần nữa!

Từ đó về sau, bạn học của Tiểu Miên không ai dám khiêu khích, gây khó dễ cho em nữa. Tính cách của nữ sinh này cũng đã dần trở lại sôi nổi và vui vẻ như ban đầu, có thể yên tâm tập trung hơn vào học tập.

Cách xử lý của cô Châu nhận được nhiều lời khen. Trên thực tế, có không ít những đứa trẻ bị bắt nạt ở trường, vì nghe lời bố mẹ nên cố chịu đựng chứ không đánh trả lại. Càng không biết cách phản kháng, trẻ càng sẽ dễ bị bắt nạt và dễ bị cô lập, vì không ai muốn làm bạn với những đứa trẻ như vậy. Trước sự đối xử bất công, trẻ chỉ biết im lặng chịu đựng, khi lớn lên đối diện với những điều xấu trong xã hội, chúng cũng có xu hướng chịu đựng như lúc bé. Từ đó, đứa trẻ hình thành tính cách nhát gan, rụt rè.

Tuy nhiên một số người cũng lo lắng rằng sau khi trẻ bị đánh, nếu bố mẹ khuyến khích trẻ "đánh lại" sẽ khiến chúng nảy sinh tính cách bạo lực. Theo các chuyên gia giáo dục, cha mẹ cần giúp trẻ hiểu rằng đánh trả phải là giải pháp cuối cùng, sau khi các biện pháp khác không đạt hiệu quả. Trẻ được khuyến khích sử dụng lời nói và tìm kiếm sự hỗ trợ của người lớn khi bị bắt nạt. Tuy nhiên, ranh giới có thể được vạch ra khi trẻ cần tự vệ.

Ranh giới là nếu trẻ bị tấn công vào cơ thể và bị tổn thương, cha mẹ có thể dạy con rằng đây là trường hợp chúng có thể đánh trả. Tuy nhiên, mục tiêu của việc đánh trả chính là tự giải thoát cho mình, chứ không phải để biến thành một cuộc chiến. Khi đã thoát khỏi vòng vây, trẻ nên chạy đi tìm kiếm sự giúp đỡ của người lớn.

Theo Phụ nữ Việt Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM