Thật thà là một đức tính tốt, nhưng kèm theo đó cũng có những nhược điểm lớn. Phàm chuyện gì chúng ta cũng nên học cách chọn lọc, giữ lại cái tốt và loại bỏ những cái xấu, nếu không khắc phục được những nhược điểm sau đây thì cuộc đời sẽ rất lận đận.
1. Sợ thất bại, dậm chân tại chỗ
Thành công vốn không phải là việc có thể đạt được trong một sớm một chiều, trong quá trình theo đuổi nó, bạn nhất định sẽ gặp phải những thất bại tạm thời, đó là điều khó tránh. Cho nên, chỉ có vượt qua thất bại, không sợ thất bại, bạn mới có thể đạt được thành công.
Người quá thật thà thường có khuyết điểm là sợ thất bại, trốn tránh hậu quả do sự thất bại mang lại. Vì sợ thất bại nên không dám xông pha, nhất là những chân trời mới, họ vô cùng sợ những điều lạ lẫm. Cho nên khi thử thách đến, họ tất nhiên cũng không có đủ dũng cảm để đối mặt nốt. Từ đó, dẫn đến việc chần chừ, trì trệ, đương nhiên khó thành công.
2. Thích bao biện và than thân trách phận
Một người quá thật thà không phải là không có tinh thần trách nhiệm, chỉ vì tâm lý của họ quá yếu, nên không thể gánh vác quá nhiều trách nhiệm mà thôi. Mỗi khi gặp khó khăn vướng mắc, họ sẽ có thói quen bao biện cho chính mình, hoặc là họ sẽ không ngừng than vãn, cho rằng xã hội bất công, rằng hiện thực quá tàn khốc, rằng cuộc đời mình quá cay đắng… Đây rõ ràng là những tư duy tiêu cực cần phải được ý thức và bài trừ.
3. Không mục tiêu, không động lực
Một người quá thật thà, do họ luôn ngây ngô nên sẽ dễ lạc hướng, không có mục tiêu và động lực cho đời mình. Họ thường sẽ không tìm thấy được giá trị của bản thân và ý nghĩa sống. Không biết mình nên theo đuổi cái gì, cũng không biết bản thân rốt cục sống vì điều gì. Họ giống như chiếc lá khô rơi trên mặt nước vậy, mặc cho gió thổi, sóng rẽ, lênh đênh cả đời.
4. Không giỏi từ chối, sợ bị từ chối
"Muốn không bị người khác từ chối, tốt nhất là từ chối người khác trước", đây là một câu thoại trong phim "Đông Tà, Tây Độc", nghe cũng rất là hợp lý. Người quá thật thà thường có khuyết điểm là không biết từ chối người khác, nhưng song song đó, họ lại có một trái tim mỏng manh và rất sợ bị người khác từ chối.
Nếu bạn không giỏi từ chối người khác, bạn sẽ mù quáng cho đi, đến cuối cùng chỉ tự chuốc họa vào thân, lãng phí thời gian và sức lực, làm chậm trễ việc của mình; còn khi sợ bị từ chối, bạn sẽ không dám nhờ người khác giúp đỡ, thà chiến đấu một mình còn hơn là đi cầu cứu người khác, để rồi có thể chỉ nhận lại một lời từ chối đau lòng.
Bạn muốn người khác đối xử với mình như thế nào, thì bạn phải dạy họ cách mà bạn muốn được đối xử. Nếu bạn cứ luôn thể hiện ra rằng bản thân rất dễ dãi, rất dễ nhờ vả, không có giới hạn, vậy thì người khác chắc chắn sẽ đối xử với bạn y như thế.
5. Việc nhỏ xé to và trốn tránh thực tế
Hiện thực phũ phàng và đầy bất mãn, người quá lương thiện sẽ dễ bị hiện thực tàn khốc đánh ngã. Khi gặp chuyện không như ý sẽ rất dễ rơi vào mớ suy nghĩ tiêu cực, quan trọng hơn là họ thiếu dũng khí để đối mặt, dễ việc nhỏ xé ra to, viện lý do để trốn tránh, nhưng càng trốn thì cuộc đời lại càng ảm đạm.
6. Thái độ bi quan, tiêu cực
Chính vì những nhược điểm nêu trên mà những người quá thật thà luôn bi quan về hiện thực và tương lai, có thái độ tiêu cực, mất niềm tin vào cuộc sống, trở nên lầm lũi. Họ lúc nào cũng phàn nàn, dễ cáu kỉnh, đôi khi còn có tâm lý hận đời. Cách sống tiêu cực như vậy chính là nguyên nhân lớn khiến họ tự đẩy cuộc đời mình rơi vào vực sâu.
7. Thiếu tự tin, bỏ cuộc giữa chừng
Theo đuổi thành công là một quá trình không ngừng vượt qua những khó khăn, thử thách, đòi hỏi sự tự tin mạnh mẽ, ngoan cường, có thể kiên trì đến cùng và không bao giờ bỏ cuộc. Người quá thật thà, ngây ngô thường thiếu tự tin, thậm chí họ còn có lòng tự trọng thấp. Khi gặp thất bại thường có xu hướng bỏ cuộc giữa chừng, cho rằng mình nhất định thất bại, không thể thành công nên chẳng muốn cố gắng thêm làm gì.
Theo Thể thao & Văn hóa