9 kiểu gia đình dễ tạo ra những đứa trẻ thất bại

Theo các chuyên gia giáo dục, đứa trẻ xuất sắc là kết quả của nền giáo dục chất lượng và đứa trẻ thất bại là sản phẩm của các gia đình có vấn đề.

Ông Thái Nguyên Bồi, nguyên giám đốc Đại học Bắc Kinh từng nói: "Gia đình là trường học đầu đời. Tính cách của một đứa trẻ được phôi thai từ chính trong gia đình". Gia đình là đất đai cho con cái nở hoa. Môi trường gia đình, lời nói và việc làm của cha mẹ sẽ quyết định một cách sâu rộng đến tương lai của đứa trẻ.

Bởi vậy, các kiểu gia đình dưới đây dù có chăm chỉ, cố gắng nuôi dạy con tốt đến mấy cũng khó thành công, nếu bố mẹ không tự khắc phục nhược điểm từ chính mình.

Gia đình không biết cách cân bằng thời gian nghỉ ngơi và làm việc

Một sinh viên trường đại học danh tiếng từng chia sẻ câu chuyện: Cô luôn bị mẹ yêu cầu đi ngủ sớm và dậy sớm. Ngủ trước 9h30 tối, thức dậy 6h sáng. Thói quen này được duy trì từ khi còn học tiểu học cho đến khi vào đại học. Cô vẫn luôn có chút chán ghét mẹ, buổi tối không thể xem thêm phim truyền hình, buổi sáng cũng tuyệt đối không thể ngủ được.

Nhưng khi lên đại học, nhận thấy nhiều sinh viên xung quanh mình ngày đêm đảo lộn, công việc và nghỉ ngơi ngổn ngang, nhưng cô vẫn đi ngủ sớm dậy sớm để học tập và sinh hoạt có nề nếp, có kế hoạch, cô chợt hiểu ra ý nghĩa sâu xa từ hành động của mẹ.

Để trẻ hình thành thói quen đi ngủ sớm và dậy sớm, nhiều bậc cha mẹ đã nghĩ ra nhiều phương pháp nhưng kết quả cuối cùng thường không như ý, chỉ vì họ bỏ qua một yếu tố chính: Các thói quen có đều đặn không? Cha mẹ có thói quen làm việc và nghỉ ngơi nào thì trẻ sẽ hình thành thói quen làm việc và nghỉ ngơi giờ đó.

Cha mẹ tự giác thì con cái về cơ bản không lười biếng, cha mẹ không tự giác thì khó nuôi dạy con cái có ý thức tự giác.

Gia đình có cha mẹ cầu toàn quá mức

Cha mẹ cầu toàn quá mức khiến bầu không khí gia đình luôn căng thẳng, không yên ấm. Ảnh minh họa

Cha mẹ cầu toàn quá mức khiến bầu không khí gia đình luôn căng thẳng, không yên ấm. Ảnh minh họa

Nhiều người có tính cách nghiêm khắc, khắt khe, luôn đặt ra yêu cầu cao với bản thân và công việc. Sau khi có con, họ vẫn duy trì lối sống này và áp dụng vào việc nuôi dạy con.

Chẳng hạn như khi con học nói, cách phát âm chưa chuẩn, họ sẽ cảm thấy khó chịu và bắt con sửa đi sửa lại bằng thái độ cáu gắt. Hay khi con họ bị điểm kém, họ sẽ trách mắng và bắt con phải đạt điểm 10 ở lần kiểm tra sau.

Các bậc phụ huynh cứ tưởng việc yêu cầu cao sẽ tốt cho con, giúp con nhanh chóng hoàn thiện bản thân. Nhưng thực tế, trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi, lo lắng, hoang mang mỗi khi làm sai điều gì. Những đứa trẻ có cha mẹ cầu toàn thường cảm thấy mặc cảm, tự ti về bản thân.

Cha mẹ cầu toàn quá mức khiến bầu không khí gia đình luôn căng thẳng, không yên ấm vì nhiều yêu cầu không thực tế, khó thực hiện được. Cầu toàn quá mức không tích cực chút nào cả ở một gia đình hay ở cấp độ cá nhân.

Gia đình thường xuyên cãi vã

Bố mẹ bất hòa dễ khiến tuổi thơ trẻ nhỏ bị ảnh hưởng. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, bố mẹ bất hòa dễ khiến tuổi thơ trẻ nhỏ bị ảnh hưởng. Ảnh minh họa

Trước câu hỏi "sống trong gia đình có bố mẹ thường xuyên cãi vã sẽ ảnh hưởng như thế nào đến con cái", đa số các ý kiến cho rằng con trẻ sẽ cảm thấy bất an, khó yêu bản thân, sợ kết hôn, cô đơn và có suy nghĩ làm hại bản thân.

Theo các chuyên gia, bố mẹ bất hòa dễ khiến tuổi thơ trẻ nhỏ bị ảnh hưởng. Thậm chí chúng còn cho rằng bản thân là nguyên nhân khiến gia đình xung đột. Đứa trẻ lớn lên khi bản thân chịu nhiều mất mát, dồn hết mọi tâm trí cho quan hệ gia đình, không có chí hướng học hành, tiến thủ.

Gia đình không có quy tắc

Nhà giáo dục người Pháp Rousseau từng nói: "Bạn có biết cách nào khiến một đứa trẻ trở thành một người bất hạnh hay không? Đó chính là nuông chiều con vô lối".

Nỗi buồn lớn nhất của cha mẹ là cho đi tất cả nhưng không thể nuôi dạy một đứa con biết ơn. Cha mẹ không đặt ra quy tắc cho con cái từ nhỏ, luôn thỏa mãn mọi yêu cầu của con, khi lớn lên trẻ sẽ trở thành những con "sói mắt trắng" (Sói mắt trắng chỉ người vong ơn bội nghĩa).

Một ngôi nhà cần có cả sự ấm cúng và quy tắc. Chỉ khi tình yêu và quy tắc song hành với nhau, chúng ta mới có thể nuôi dạy một đứa trẻ biết ơn.

Gia đình bắt con cái chịu đựng khổ hạnh

Nhiều cha mẹ quan niệm trẻ cần rèn luyện gian khổ mới có thể thành tài. Ảnh minh họa

Nhiều cha mẹ quan niệm trẻ cần rèn luyện gian khổ mới có thể thành tài. Ảnh minh họa

Nhiều cha mẹ quan niệm trẻ cần rèn luyện gian khổ mới có thể thành tài. Điều này hoàn toàn đúng nhưng cần ở một mức độ nhất định, không nên bắt trẻ phải chịu khổ hạnh. Nhiều gia đình bắt con học tập căng thẳng, làm nhiều việc nhà nhưng không cho con được giao lưu với bạn bè hay đi du lịch vào dịp nghỉ hè. Họ nghĩ như vậy sẽ khiến đứa trẻ sinh hư, lười lao động và không chịu được vất vả sau này.

Tuy nhiên, phương pháp giáo dục này là phản khoa học, sẽ khiến những đứa trẻ luôn trong trạng thái mệt mỏi, cảm thấy thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần và khao khát được tự do. Vì thế, cha mẹ không nên bắt con chịu khổ quá mức, hãy nuôi dưỡng tinh thần cho con một cách hài hoà. Cha mẹ cần xen kẽ thời gian giữa học tập, làm việc và giải trí để con cảm thấy vui vẻ, tràn đầy năng lượng tích cực.

Gia đình không tôn trọng người vợ/mẹ

Một đứa trẻ sinh ra trong gia đình không tôn trọng người mẹ thường sinh ra hai kiểu tính cách, một là con chịu thiệt thòi, tính cách rụt rè, kém cỏi và không biết bảo vệ chính mình. Hai là đứa trẻ có thái độ coi thường mẹ, do ảnh hưởng từ bố.

Dewey, nhà giáo dục nổi tiếng nhận định: Gia sư tốt nhất cho con trẻ chính là tình nghĩa vợ chồng. Tình yêu thương của bố mẹ không chỉ đem lại cho con cái cảm giác an toàn, giúp con lớn lên trong môi trường tốt, hòa nhập và có trách nhiệm sống. Chưa kể khi lớn lên, đứa trẻ sẽ lạc quan, đối xử tốt với bạn bè và người bạn đời.

Gia đình mắng con nơi đông người

Khi bị quát mắng nơi đông người, nhiều trẻ còn sinh tâm lý hằn học, chống đối, nuôi hận thù trong lòng. Ảnh minh họa

Khi bị quát mắng nơi đông người, nhiều trẻ còn sinh tâm lý hằn học, chống đối, nuôi hận thù trong lòng. Ảnh minh họa

Mắng con nơi đông người, xử phạt bằng hình thức xúc phạm được nhiều phụ huynh lựa chọn để giáo dục với hy vọng con không lặp lại sai phạm. Thế nhưng thực tế, điều này lại phản khoa học và ảnh hưởng đến quá trình phát triển tính cách của trẻ.

Nếu bị quát mắng nơi đông người, nhất là trước mặt bạn bè sẽ khiến trẻ cảm thấy xấu hổ, cũng không mang lại hiệu quả gì. Đặc biệt, hành động này của cha mẹ khiến trẻ tự ti, nhút nhát hoặc khó kiểm soát cảm xúc sau này. 

Sai lầm của trẻ có thể chỉ rất nhỏ nhưng nhiều người biết và bình luận lại thành chuyện lớn. Khi bị quát mắng nơi đông người, trẻ có cảm giác bị đẩy đến đường cùng, dẫn đến những hành động dại dột. Nhiều trẻ còn sinh tâm lý hằn học, chống đối, nuôi hận thù trong lòng.

Trẻ nhỏ cũng có sĩ diện và lòng tự trọng nên khi bị người thân, nhất là cha mẹ mắng mỏ trước nhiều người đồng nghĩa với việc cái tôi và lòng tự trọng bị tổn thương. Cách dạy này vô tình phản tác dụng và có thể gây ra những hậu quả lớn. Vậy nên, cha mẹ hãy cố gắng lắng nghe, thấu hiểu suy nghĩ của trẻ và chọn cách ứng xử thích hợp khi đang ở giữa đám đông hay nhà có khách.

Gia đình "nghiện" điện thoại

Những đứa trẻ được "nuôi dưỡng" bởi công nghệ, khi trưởng thành sẽ lạnh lùng và tàn nhẫn. Ảnh minh họa

Theo chuyên gia, những đứa trẻ được "nuôi dưỡng" bởi công nghệ, khi trưởng thành sẽ lạnh lùng và tàn nhẫn. Ảnh minh họa

Mirilyn Steele, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sự gắn bó tại Viện Nghiên cứu Xã hội Mới ở New York (Mỹ), cho biết hơn 40% trẻ nhỏ sinh trong thời hiện đại không thiết lập mối quan hệ gắn bó an toàn vì người chăm sóc chỉ để tâm đến điện thoại.

Theo chuyên gia, những đứa trẻ được "nuôi dưỡng" bởi công nghệ, khi trưởng thành sẽ lạnh lùng và tàn nhẫn, chúng thiếu sự đồng hành, chăm sóc của cha mẹ và mọi thứ đều hình thành xung quanh chiếc điện thoại di động.

Nói về giáo dục gia đình, chuyên gia Zheng Yuanjie chỉ ra rằng: "Muốn con trở nên xuất sắc trong tương lai, cha mẹ phải đặt điện thoại xuống để đồng hành cùng con, và sau đó mới nói về giáo dục".

Gia đình cha mẹ không thích giao lưu

Cha mẹ không thích kết bạn, giao lưu với mọi người sẽ khiến vòng tròn hiểu biết và mối quan hệ trở nên bó hẹp. Điều này khiến tầm nhìn của những đứa trẻ cũng bị thu hẹp lại, gặp nhiều hạn chế.

Ngược lại, nếu cha mẹ có nhiều bạn bè, con cái sẽ học được sự hiếu khách, cởi mở, hoà đồng. Trẻ còn học được phép lịch sự cơ bản, kỹ năng giao tiếp,… giúp cải thiện khả năng ngôn ngữ một cách rõ rệt. Điều này giúp trẻ dễ có cơ hội thành công trong tương lai.

Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/9-kieu-gia-dinh-de-tao-ra-nhung-dua-tre-that-bai-172240516105327473.htm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM