Sau một thời gian sử dụng, bạn cần làm sạch khăn để loại bỏ chất bẩn, diệt khuẩn, giúp kéo dài tuổi thọ của khăn.
Khăn mặt, khăn tắm là vật dụng không thể thiếu trong gia đình. Sau một thời gian sử dụng, bạn có thể thấy khăn có mùi hôi và bị nhớt. Một số người sẽ lập tức thay khăn mới. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau chiếc khăn mới cũng gặp tình trạng tương tự. Nguyên nhân có thể không phải do chất lượng của khăn mà là do bạn chưa vệ sinh khăn đúng cách.
Khi sử dụng khăn, sẽ tích tụ nhiều bụi bẩn, mồ hôi, da chết. Việc giặt khăn thông thường với nước và xà phòng đôi khi không thể loại bỏ hết chất bẩn này trong các sợi vải. Để khăn luôn sạch sẽ, bền đẹp hơn, bạn cần làm sạch khăn kỹ hơn.
Một số cách làm sạch khăn mặt, khăn tắm
- Sử dụng giấm trắng
Bạn hãy pha loãng giấm với nước sạch rồi bỏ khăn vào ngâm trong hỗn hợp này khoảng 15 phút. Sau đó, giặt lại khăn bằng bột giặt để loại bỏ hết các chất bẩn bám trên khăn. Giấm có tác dụng làm mềm các vết bẩn do dầu nhờ, da chết, mồ hôi bám lại trên khăn đồng thời có tác dụng diệt khuẩn ở một mức độ nhất định, giúp khử mùi hôi của khăn. Xà phòng giúp loại bỏ các cặn bẩn còn sót lại sau khi giặt bằng nước giấm và giúp loại bỏ mùi chua của giấm.
Khăn sau khi giặt xong cần được vắt khô và phơi ở nơi khô thoáng.
- Nước vo gạo
Bạn có thể tận dụng nước vo gạo để làm sạch khăn. Trong nước vo gạo có chứa những thành phần có tác dụng đánh tan các vết dầu trên khăn. Bạn có thể ngâm khăn trong nước vo gạo khoảng 10 phút sau đó đem khăn đi giặt lại với xà phòng và nước sạch để loại bỏ các vết bẩn.
- Dùng nước nóng
Các đơn giản nhất để khử khuẩn và loại bỏ các vết bẩn trên khăn chính là sử dụng nước nóng. Bạn chỉ cần ngâm khăn trong nước nóng vài phút rồi đem đi giặt lại bằng xà phòng và nước sạch là được. Hoặc nếu cẩn thận hơn, bạn có thể cho khăn vào nồi lớn, thêm nước và đun sôi vài phút rồi vớt khăn ra giặt lại.
Một số lưu ý khi sử dụng khăn tắm, khăn mặt
- Mỗi người nên có khăn riêng
Khăn tắm, khăn mặt là những vật dụng cá nhân, mỗi người nên có khăn riêng của mình để tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn từ người này sang người khác.
- Phơi khăn ngoài ánh nắng mặt trời
Nhiều người có thói quen sử dụng xong sẽ để khăn trong nhà tắm. Tuy nhiên, nhà tắm là nơi ẩm ướt, vi khuẩn phát triển rất nhanh, gây ra tình trạng khăn bị nhớt và có mùi hôi. Sau khi sử dụng xong, bạn nên đem khăn ra phơi dưới ánh sáng mặt trời để khăn được khô ráo, sạch sẽ.
Nguồn: https://www.giaitri.thoibaovhnt.com.vn/meo-lam-sach-khan-mat-khan-tam-bi-nhot-co-mui-hoi-813575.html