Thật kỳ lạ, một font chữ có thể khơi dậy đủ hỉ, nộ, ái, ố từ một con người. Vì sao lại như vậy? Mời các bạn cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1931 trong tờ báo The Times của nước Anh, “đại gia tộc” font chữ Times được dùng để thay thế font chữ tiền nhiệm đã lỗi thời, và dần phổ biến khắp thế giới. Danh xưng những đứa con danh tiếng nhất của đại gia tộc này phải kể đến Times, hay Times New Roman.
Font chữ này cũng đã có mặt trên mọi bản Windows từ phiên bản 3.1, và từng được dùng làm font chữ mặc định trên nhiều ứng dụng bao gồm Microsoft Word. Nó được chấp nhận rộng rãi trong lớp học các cấp, trong văn phòng lớn nhỏ, và đã trở thành font chữ chính thức của mọi văn bản ngoại giao của chính phủ Hoa Kỳ vào năm 2004.
Tuy nhiên, thời thế đổi thay, không vị vua nào trị vì mãi mãi.
Times New Roman thoái vị
Đầu năm 2023, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra thông báo chính thức: thay thế Times New Roman, bắt đầu sử dụng font Calibri cho tất cả các văn kiện. Theo tài liệu lưu hành nội bộ, sự thay đổi nhắm tới mục đích hỗ trợ nahan viên dễ dàng đọc chữ trên màn hình.
Tuy nhiên, công cuộc cải cách vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Nhân sự các cấp chính phủ Mỹ đã quá quen với Times New Roman, họ tỏ ra bất bình với quyết định mới. Nhiều người còn bông đùa rằng đây là sự “báng bổ”, và rằng sớm muộn sẽ có người đứng lên đòi lại quyền sử dụng Times New Roman.
Thực tế thì font chữ Calibri không khơi mào được cuộc nổi loạn nào, và màn thay đổi từ Times New Roman sang Calibri có lý lẽ riêng của nó. Những năm gần đây, những nét tinh tế năm xưa của font Times New Roman, là “cánh chữ” và “chân chữ”, bị các cộng đồng thiết kế chê bai. Họ cho rằng vẻ ngoài của Times New Roman không còn phù hợp với bối cảnh hiện đại. Đây cũng là lý do một số nhãn hiệu đã thay thế font dùng trong logo của mình, họ bỏ Times New Roman để sử dụng những font như Helvetica, vốn có vẻ ngoài gọn gàng hơn.
Tuy nhiên, khả năng dễ dọc mới là lý do chính để Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dùng Calibri thay Times New Roman. Trong thời đại mới, khi các ký tự được hiển thị phần nhiều trên màn hình, khả năng dễ đọc của font chữ được đặt lên hàng đầu. Đôi lúc, những nét tô vẽ hoa mỹ của Times New Roman xưa cũ sẽ hiện ra một cách rối rắm trên màn hình, làm khó một số lượng không nhỏ người dùng thiết bị điện tử.
Nhưng cớ gì mà đem lòng ghét font chữ?
Bạn có thể tráo “Times New Roman” với bất cứ font chữ nào khác và vẫn có thể tìm được một cộng đồng ghét nó tới say mê. Thực tế, trên những trang sử ghi lại tâm tính người đam mê typography (hay gọi nôm na là những người đam mê font chữ), thì người ta thấy danh sách những font chữ bị ghét dài vô kể.
Trong thời đại Internet kết nối con người một cách xuyên suốt, những người ghét bỏ những font chữ nhất định tìm được những người bạn chung “sở ghét”, rồi họ thành lập cộng đồng để xướng lên tiếng nói chung. Trên mạng, tồn tại những cộng đồng đòi bài trừ Papyrus, những tập thể người căm thù font Comic Sans, hay những nhóm ghét cay ghét đắng font chữ “cơ bản” Arial.
Mỗi cộng đồng đều có lý ro riêng cho “sở ghét” của mình. Nhưng theo phân tích của Allan Haley, giám đốc mảng Từ và Chữ cái thuộc công ty Monotype Imaging, một chuyên gia về mọi thứ liên quan tới thiết kế kiểu chữ, thì có 4 lý do khiến một font chữ bị ghét. Chúng là:
- Thiết kế font chữ bị lạm dụng quá đà
- Font chữ là bản sao của một font chữ khác
- Chất lượng font chữ kém
- Chỉ đơn giản là … quá đáng ghét
Trong bài đăng trên tạp chí Commarts, chuyên gia Haley đi sâu vào từng khía cạnh của 4 lý do trên.
1. Font bị tận dụng đến ngưỡng … lạm dụng
Có lẽ Comic Sans trứ danh đứng đầu bảng xếp hạng những font chữ bị dùng quá đà. Trong những buổi đầu Comic Sans hiện hữu bên trong ứng dụng Microsoft 3D Movie Maker, hay khi nó trở thành một phần trong gói Microsoft Plus! của Windows 95, người ta không căm thù nó như bây giờ.
Nhưng đến khi nó xuất hiện quá đà trên Microsoft Publisher và Internet Explorer, nó bắt đầu thu hút những ánh nhìn khó tính từ cộng đồng. Dễ dàng tiếp cận, ai cũng có thể dùng, Comic Sans xuất hiện liên tục trên các nền tảng Internet, đến mức người ta bắt đầu quen đến mức chán ghét sự hiện diện của nó.
Trong một cuộc thăm dò ý kiến các designer, hỏi về lý do tại sao họ lại ghét Comic Sans đến vậy, câu trả lời thường thấy nhất cho thấy họ ghét Comic Sans vì nó xuất hiện ở khắp nơi.
Cũng chẳng phải vì Comic Sans nổi tiếng nhất đâu. Frutiger, Franklin Gothic hay Trade Gothic đã đứng đầu bảng xếp hạng “font chữ bán chạy nhất” suốt nhiều năm, nhưng chẳng font chữ nào bị ghét bỏ như Comic Sans. Có lẽ, người ta ghét nó cũng vì … nó đáng ghét thật.
2. Đại tội ăn cắp chất xám
Có một câu chuyện như thế này: một bộ phận không nhỏ người dùng Internet ghét Arial bởi lẽ nó ăn theo Helvetica một cách trắng trợn. Trong bài blog của nhà thiết kế font chữ Mark Simonson, ông giải thích về rằng những nét của Arial là biến thể của Helvetica, nhằm tránh vi phạm bản quyền. Nhưng vì “ăn theo” một cách trắng trợn nên Arial vẫn tương đồng Helvetica, và rồi bị cộng đồng “gạch đá” dữ dội. Cũng vì Helvetica rất nổi tiếng trong giới thiết kế, nên sự căm ghét Arial nhận được nhiều sự ủng hộ.
Tuy nhiên, trong bài viết của mình trên Commarts, ông Allan Haley nói nhận định của Simonson là sai lầm.
Arial không được phát triển cho Microsoft; ban đầu nó không sở hữu độ rộng ký tự giống Helvetica. Nó không được phát triển dựa trên Helvetica.
Arial ban đầu được thiết kế cho một gã khổng lồ máy tính khác. Vào đầu thập niên 80, Xerox và IBM giới thiệu những máy in laser-xerographic đầu tiên. Đây là những cỗ máy khổng lồ, có kích thước tương đương một chiếc xe tải hơn là những chiếc máy nhỏ gọn mà chúng ta sử dụng ngày nay. Ngoài các kiểu chữ đã có, Xerox và IBM muốn có thêm phông chữ “typographic” cho dòng máy mới của mình.
Hai công ty phông chữ đã đấu thầu hợp đồng cung cấp phông chữ cho Xerox và IBM là Linotype và Monotype. Vào thời điểm đó, các phông chữ phổ biến nhất ở Bắc Mỹ là Times New Roman và Helvetica. Linotype và Monotype đồng sở hữu quyền sử dụng Times New Roman, nhưng Monotype không có quyền sử dụng Helvetica. Linotype đã giành được hợp đồng với Xerox, còn Monotype nhận lời thiết kế cho IBM. Để thành công, Monotype cần có một sản phẩm cạnh tranh với Helvetica.
Giải pháp của Monotype dựa trên Monotype Grotesque, một thiết kế phông chữ được vẽ lần đầu tiên vào đầu thế kỷ trước. Mục tiêu là tạo ra một đối thủ cạnh tranh với Helvetica, không phải sao chép thiết kế. Arial được vẽ tròn trịa hơn so với đối thủ của nó. Các đường cong của nó mềm mại và đầy đặn hơn và các khoảng trắng bên trong các chữ cái cũng mở rộng hơn.
Arial là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Helvetica, vẻ ngoài cũng có những nét tương đồng, tuy nhiên nó không phải bản sao. Nhưng dù sự thực đã được phơi bày ra ánh sáng, thì có lẽ người ta vẫn cứ ghét Arial vậy thôi. Có lẽ, cũng tương tự với cách fan của một đội bóng sẽ ghét đội tuyển đối địch với họ.
3. Font bị ghét vì … xấu
Đơn cử như font Rotis bị ghét không phải vì nó nổi tiếng hay vì nó ăn theo font chữ nào. Nó bị ghét bởi lẽ nhiều người cho rằng thiết kế của nó không đẹp, và vì thế không xứng đáng được biết tới rộng rãi. Theo lời Gerard Unger, cha đẻ của những font chữ như Vesta, Swift, ITC Flora và Demos, thì vấn đề với Rotis nằm ở một số ký tự nhất định.
“Ví dụ như chữ ‘e’ chẳng hạn, nó không ăn khớp chút nào. Chúng bị ngả về đằng sau. Tôi chẳng hiểu vì sao rất nhiều nhà thiết kế thích nó và thích dùng nó”, Unger chia sẻ.
Những lời nhận định trên lại một lần nữa chứng thực lời dạy của người xưa, rằng “vẻ đẹp nằm trong mắt kẻ si tình”.
4. Chỉ đơn giản là ghét. Thế thôi.
Sự ghét bắt nguồn từ cảm xúc của con người, một khía cạnh vẫn ít nhiều … phi logic. Trong bài viết “Tôi Căm Thù ITC Garamond”, nhà thiết kế Michael Bierut không đưa ra được một lý do thỏa đáng. “Tôi ghét nó như thể ghét móng tay cào lên bảng đen. Tôi ghét nó bởi lẽ tôi ghét nó”, ông viết.
Trong một thuyết khác, được đề xuất bởi Simon Garfield trong cuốn sách Just Your Type, thì sự ghét một font chữ có thể đến từ những vết thương tâm lý còn tồn đọng. “Font chữ có thể khơi gợi ký ức, thâm như thể nước hoa vậy”, ông viết. “Gill Sans có thể triệu hồi ký ức về những bài kiểm tra. Trajan có thể gợi chúng ta nhớ về một sự lựa chọn đáng tiếc đã được đưa ra tại rạp phim”.
Sự căm ghét Times New Roman hay Comic Sans đều có thể được giải thích bằng thuyết này. Thực sự thuyết phục.
Lời kết
Có lẽ những cuộc tranh cãi xung quanh font và thiết kế font sẽ chẳng bao giờ ngã ngũ, nhất là khi xu thế thay đổi không theo quy luật nào. Trong tài liệu nội bộ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, người soạn nhắc tới việc văn kiện tương lai sẽ sử dụng Calibri là vì nó đã được chọn làm font mặc định của Microsoft.
Tuy nhiên, hồi năm 2021, Microsoft tuyên bố sẽ sớm từ bỏ Calibri. Và sau 17 năm thống trị các phần mềm Office, Calibri đã phải nhường ngôi cho Aptos, font chữ mặc định mới của các phần mềm soạn thảo nội dung của Microsoft.
“Calibri đã là font chữ mặc định cho tất cả các sản phẩm của Microsoft từ năm 2007, khi nó thay thế Times New Roman trên toàn bộ Microsoft Office”, tập đoàn công nghệ khổng lồ cho hay. “Nó đã phụng sự tốt, nhưng chúng tôi tin rằng đã đến lúc phải thay đổi”.
Thế nên chẳng phải cố gắng phân tích tại sao một font chữ lại bị ghét, lại bị chê bai, lại bị thất sủng để làm gì. Có một nhà thiết kế nổi tiếng từng nói: font chữ tuyệt vời là font chữ được nhận ra trước cả khi người ta đọc ra từ đấy là từ gì; nhận định này đúng, với cả font chữ được yêu thích cũng như bị ghét bỏ.
Đôi khi, người ta yêu/ghét một font chữ chỉ vì nó đáng yêu/đáng ghét.
Theo: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tu-bang-ty-so-euro-2024-vi-sao-ai-cung-ghet-font-chu-times-new-roman-a438544.html