Làm sao biết mình có bị phạt nguội hay không?

Qua hệ thống camera giám sát giao thông, Công an đã ghi lại những trường hợp vi phạm và tiến hành phạt nguội. Dưới đây là cách kiểm tra mình có bị phạt nguội hay không.

Cách kiểm tra phạt nguội

Phạt nguội là hình thức xử phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng chức năng.

Lỗi phạt nguội cũng có thể được ghi lại bằng các thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân, thông tin trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông để giúp lực lượng chức năng có cơ sở xác minh, xử phạt.

Để tra cứu phạt nguội online, người dân có thể truy cập vào website Cục Cảnh sát giao thông tại địa chỉ:

https://www.csgt.vn

Mục Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh nằm phía bên phải màn hình, người dùng nhập đầy đủ biển số xe cần kiểm tra và chọn loại phương tiện là xe máy.

Sau khi nhập mã bảo mật (nhập chính xác cụm ký tự chữ và số bên cạnh ô trống), nhấn nút "Tra cứu" để cho ra kết quả.

Hệ thống sẽ trả về kết quả vi phạm giao thông của phương tiện qua camera. Nếu không tìm thấy kết quả, nghĩa là phương tiện không bị phạt nguội.

Người dân hoàn toàn có thể tra cứu phạt nguội online
Người dân hoàn toàn có thể tra cứu phạt nguội online (Ảnh minh họa).

Khi đến nộp phạt nguội, nhân dân cần chuẩn bị các giấy tờ

Đối với xe ô tô: Đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới còn hiệu lực, giấy phép lái xe của người vi phạm, căn cước công dân của người vi phạm (với mỗi loại giấy tờ photo 1 bản).

Đối với xe mô tô: Đăng ký xe, giấy phép lái xe của người vi phạm, căn cước công dân của người vi phạm (với mỗi loại giấy tờ photo 1 bản).

Nếu không nộp phạt nguội vi phạm giao thông thì sao?

Nếu không nộp phạt vi phạm giao thông theo đúng thời hạn, người vi phạm có thể chịu những chế tài sau:

Một là, bị cưỡng chế nộp phạt vi phạm giao thông

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), cá nhân, tổ chức bị xử phạt hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Nếu quá thời hạn nộp phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Các biện pháp cưỡng chế được quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính, bao gồm: Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm. Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá.

Nếu không nộp phạt nguội vi phạm giao thông thì sao?
Camera giám sát phương tiện vi phạm luật an toàn giao thông (Ảnh minh họa).

Hai là, phải nộp tiền chậm nộp phạt giao thông (tính lãi)

Theo khoản 1 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính, nếu quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà chưa nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt thì phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Số tiền này được thu đồng thời với số tiền nộp phạt vi phạm theo quyết định xử phạt.

Ba là, bị từ chối giải quyết thủ tục đăng ký xe

Theo LS Võ Đan Mạch, tại khoản 15 Điều 3 Thông tư 24/2023 của Bộ Công an, tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự, an toàn giao thông mà không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thì chưa giải quyết đăng ký xe. Sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì mới được đăng ký xe (bao gồm đăng ký xe lần đầu; đăng ký sang tên, di chuyển xe; cấp đổi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; cấp lại chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; đăng ký xe tạm thời; thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; đăng ký, cấp biển số xe trúng đấu giá).

Bốn là, bị cảnh báo đăng kiểm (đối với xe ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe máy chuyên dùng)

Căn cứ khoản 12 Điều 80 Nghị định 100/2019, trường hợp quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm được ghi trong biên bản vi phạm hành chính hoặc văn bản thông báo của người có thẩm quyền xử phạt mà chủ phương tiện (xe ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe máy chuyên dùng) vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết, thì người có thẩm quyền xử phạt gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa vào cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định.

Theo: Tường San - Thương hiệu & Pháp luật

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM