Nhiều "chiêu thức" lừa đảo trực tuyến, giải pháp nào ngăn chặn?

Theo Cục An toàn thông tin, các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn có sự thay đổi, đan xen mới và cũ, đồng thời xuất hiện những hình thái mới, tinh vi hơn.

Triển khai quyết liệt và chặt chẽ các biện pháp

Tại cuộc Họp báo thường kỳ tháng 3/2024, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn có sự thay đổi, đan xen mới và cũ, đồng thời luôn luôn có những hình thái mới, tinh vi hơn. Trong đó, việc các đối tượng lừa đảo tận dụng các tiện ích, công nghệ hiện đại để tạo ra những hệ thống lừa đảo tinh vi, hiệu quả, giống thật, khiến người dùng khó nhận diện hơn.

Các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn có những hình thái mới, tinh vi hơn

Các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn có những hình thái mới, tinh vi hơn

Trên cơ sở nhận định lừa đảo trực tuyến vẫn diễn ra phức tạp, còn người dùng chưa được cập nhật đầy đủ và sớm về các hình thức lừa đảo, ngoài việc xử lý về công nghệ, biện pháp kỹ thuật, một việc quan trọng không kém là làm sao thúc đẩy, tuyên truyền những thông tin về các hình thức lừa đảo trực tuyến đến được càng nhiều người càng tốt.

Về giải pháp ngăn chặn, nâng cao cảnh giác, Cục An toàn thông tin cho hay, thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Cụ thể, xây dựng và phát hành các bộ Cẩm nang về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến, Cẩm nang An toàn trực tuyến giúp bảo vệ mọi đối tượng người dân trên không gian mạng.

Thực hiện các chiến dịch tuyên truyền trên diện rộng, phối hợp với đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp lớn, các cơ quan báo chí truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống lừa đảo trực tuyến cho người dân.

Triển khai xây dựng chuỗi series "Điểm tin tuần" với các thông tin về tình hình lừa đảo trực tuyến nổi bật để đưa ra cảnh báo cũng như các khuyến cáo kịp thời giúp người dân tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.

Xây dựng, phát triển kênh thông tin Cổng không gian mạng quốc gia (khonggianmang.vn) trên các nền tảng mạng xã hội để đưa thông tin, tuyên truyền về các vấn đề an toàn thông tin, đặc biệt là lừa đảo trực tuyến.

Thứ hai, triển khai quyết liệt và chặt chẽ các biện pháp kỹ thuật. Cụ thể, tăng cường giám sát, theo dõi, cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại. Chỉ đạo, điều phối ngăn chặn các trang web/blog vi phạm pháp, bảo vệ người dân không truy cập vào các website lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Thúc đẩy phát triển cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia để các tổ chức, cá nhân có thể truy vấn, khai thác, đóng góp dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến kịp thời; cung cấp các công cụ tự kiểm tra và bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng.

Triển khai hệ sinh thái Tín nhiệm mạng (tinnhiemmang.vn) để đánh giá, xác nhận website đảm bảo an toàn thông tin mạng. Tại đây cũng công bố danh sách các website không an toàn, vi phạm pháp luật liên quan đến các cuộc lừa đảo trực tuyến.

Các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, các doanh nghiệp viễn thông thường xuyên theo dõi, rà soát tình hình lộ lọt, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức tại Việt Nam và cảnh báo, hỗ trợ xử lý kịp thời một số nhóm tội phạm công nghệ cao; không để xảy ra sự cố thiệt hại nghiêm trọng do lộ lọt thông tin.

Tăng cường giám sát, vận hành hệ thống hỗ trợ tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác thông qua đầu số tiếp nhận 5656, 156 và website thongbaorac.ais.gov.vn để điều phối, đôn đốc các nhà mạng xử lý 100% các phản ánh của người dân; kịp thời cảnh báo, tuyên truyền tới người dân các hình thức, dấu hiệu lừa đảo mới.

Bên cạnh đó, tổ chức chỉ đạo, điều phối các nhà mạng chủ động rà soát, nâng cao năng lực các hệ thống chặn lọc tin nhắn rác, cuộc gọi rác, đặc biệt vào dịp cuối năm.

Nhận diện các thủ đoạn để tránh "sập bẫy"

Trước băn khoăn về các hình thức giả mạo tên tài khoản ngân hàng để lừa đảo vẫn tiếp diễn, đại diện Cục An toàn thông tin nhận định, cách thức lừa đảo của các đối tượng được tiến hành khá bài bản và tinh vi. Đầu tiên, đối tượng sẽ tìm cách sở hữu các tài khoản ngân hàng với người đứng tên bất kỳ thông qua việc đi thuê lại các tài khoản ngân hàng của sinh viên, người ở quê hoặc đối tượng sử dụng CMND, CCCD của người khác để đăng ký mở tài khoản ngân hàng online từ xa. Nguồn CMND, CCCD có thể thu thập từ giấy tờ bị mất, đánh cắp hoặc mua bán thông tin cá nhân trên mạng.

Tiếp đó, đối tượng sẽ đi tìm người có tên tài khoản ngân hàng trùng với tài khoản trên mạng xã hội, thực hiện hành vi hack thẳng tài khoản , gửi link vào tin nhắn để cài cắm mã độc, gửi email chứa link dẫn đến web cướp tài khoản…

Khi nạn nhân chẳng may sập bẫy, đối tượng sẽ nhanh chóng cướp tài khoản Facebook và nhắn tin mượn tiền hoặc tung tiếp các đường dẫn dụ dỗ thêm các nạn nhân khác bằng Facebook của người bị hại.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên cẩn trọng trước khi thực hiện bất kỳ một giao dịch tài chính nào thông qua mạng xã hội. Người dùng nên thực hiện xác minh danh tính chính xác của đối tượng trước khi thực hiện giao dịch thông qua hình thức gọi điện thoại trực tiếp (không gọi qua các ứng dụng mạng xã hội); tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP cho đối tượng lạ hay trên bất kỳ một trang web không rõ uy tín; không cho mượn, cho thuê hoặc mua bán tài khoản ngân hàng.

Đáng chú ý, gần đây những dạng lừa đảo trực tuyến "việc nhẹ lương cao" sau một thời gian tạm lắng lại bắt đầu bùng phát lại và không ít người tiếp tục bị mắc lừa.

Theo Cục An toàn thông tin, lừa đảo "việc nhẹ lương cao" là một trong 24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng được Cục liên tục đưa ra các cảnh báo, đồng thời tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức để người dân cảnh giác.

Đây không phải hình thức lừa đảo mới nhưng nhiều người dân nhẹ dạ cả tin vẫn dễ rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo. Đối tượng lừa đảo luôn đưa ra những lợi ích rất hấp dẫn, đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền của nạn nhân, đặc biệt là thời điểm những tháng đầu năm.

Người dân cần tuyệt đối nâng cao cảnh giác, đồng thời tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.

Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.

Bên cạnh đó, người dân cũng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân (bao gồm CCCD, CMND, mã OTP, số thẻ ngân hàng...) cho bất kỳ ai hoặc trên bất kỳ trang web lạ nào.

Theo: Quỳnh Nga (Công Thương)

https://congthuong.vn/nhieu-chieu-thuc-lua-dao-truc-tuyen-giai-phap-nao-ngan-chan-307559.html

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM