Khi mua smartphone mới, một trong những điều đầu tiên mà người dùng có thể cân nhắc là camera để chụp những bức ảnh và quay video tuyệt đẹp trước khi chia sẻ với thế giới.
Nhưng khi nói đến megapixel (MP) của camera trên smartphone, điều quan trọng cần nhớ là nhiều hơn không phải lúc nào MP cao thì chụp ảnh cũng tốt hơn. Trên thực tế, có một số lý do tại sao người dùng không nên mua một chiếc smartphone chỉ dựa trên chỉ số này.
Số MP không phải là tất cả
Số MP đề cập đến độ phân giải của ảnh mà máy ảnh có thể chụp. Mặc dù đúng là nhiều pixel hơn có thể tạo ra hình ảnh sắc nét hơn, nhưng sự khác biệt trở nên ít đáng chú ý hơn trong thời đại ngày nay. Ví dụ, camera 12 MP và 48 MP có thể không tạo ra hình ảnh khác biệt đáng kể khi sử dụng hằng ngày, đặc biệt trên màn hình smartphone hoặc thậm chí màn hình máy tính tiêu chuẩn. Độ phân giải cao hơn chủ yếu có lợi cho bản in khổ lớn hoặc phóng to cực độ, điều mà hầu hết người dùng hiếm khi cần.
Kích thước cảm biến
Thành phần quan trọng nhất của camera trên smartphone chính là cảm biến hình ảnh, vốn chịu trách nhiệm thu ánh sáng và chuyển đổi thành hình ảnh. Cảm biến lớn hơn cho phép nhiều ánh sáng đi vào hơn, mang lại hiệu suất ánh sáng yếu tốt hơn, dải động được cải thiện và độ chính xác màu sắc phong phú hơn.
Ví dụ, dòng iPhone và Pixel đều nổi tiếng với hiệu suất camera nhờ sử dụng cảm biến nhấn mạnh vào chất lượng hơn là số lượng MP. Mặc dù có số lượng MP thấp hơn một số đối thủ cạnh tranh, iPhone và Pixel luôn mang lại khả năng chụp ảnh thực tế vượt trội, nhờ công nghệ cảm biến tiên tiến của chúng.
Chất lượng ống kính và khẩu độ
Một yếu tố quan trọng khác quyết định hiệu suất của camera trên smartphone là chất lượng ống kính và kích thước khẩu độ. Ống kính tập trung ánh sáng vào cảm biến và ống kính chất lượng cao hơn có thể giảm thiểu hiện tượng méo và quang sai.
Trong khi đó, khẩu độ (thường được biểu thị bằng số f/ như f/1.8, f/2.2) kiểm soát lượng ánh sáng đến được cảm biến. Số sau f/ thấp hơn có nghĩa là khẩu độ lớn hơn, cho phép nhiều ánh sáng hơn chiếu vào cảm biến, đặc biệt có lợi trong điều kiện thiếu sáng. Ngay cả camera 108 MP với cảm biến nhỏ và khẩu độ hẹp cũng có thể gặp khó khăn trong điều kiện thiếu sáng, dẫn đến hình ảnh có độ nhiễu.
Xử lý hình ảnh
Những gì xảy ra sau khi chụp ảnh cũng quan trọng không kém. Smartphone hiện đại phụ thuộc nhiều vào các thuật toán xử lý hình ảnh để cải thiện ảnh. Các thuật toán này xử lý mọi thứ từ giảm nhiễu đến xử lý HDR, hiệu chỉnh màu sắc và thậm chí cả các kỹ thuật chụp ảnh tính toán như chế độ ban đêm hoặc chế độ chân dung.
Ví dụ, iPhone nổi tiếng với khả năng xử lý hình ảnh, mang lại những bức ảnh chất lượng cao một cách nhất quán ngay cả với số MP thấp hơn. Điều này cho thấy phần mềm của máy ảnh cũng quan trọng như phần cứng của nó.
Nhìn chung, mặc dù số MP là một khía cạnh thiết yếu của camera trên smartphone nhưng chúng không phải là yếu tố quan trọng nhất trong việc xác định chất lượng hình ảnh. Một thiết lập camera smartphone cân bằng tốt, với cảm biến tốt, ống kính chất lượng cao và phần mềm xử lý hình ảnh mạnh mẽ sẽ luôn mang lại những bức ảnh đẹp hơn so với một máy ảnh chỉ dựa vào số lượng MP cao.
Khi chọn smartphone cho mình, hãy cân nhắc toàn bộ hệ thống camera và hiệu suất của nó trong các tình huống thực tế thay vì chỉ bị ảnh hưởng bởi số MP. Bằng cách đó, người dùng có thể sẽ có được một thiết bị cung cấp trải nghiệm chụp ảnh linh hoạt, đáng tin cậy và thú vị hơn.
Theo: Kiến Văn - Thanh Niên
https://thanhnien.vn/nhung-yeu-to-quyet-dinh-khi-chon-mua-smartphone-chup-anh-dep-185240830182922231.htm