Thanh taskbar là một thành phần quan trọng của Windows, Microsoft từng khai tử Start menu, nhưng taskbar chưa bao giờ biến mất.
Thanh Taskbar (thanh tác vụ) là một tính năng trọng tâm trên Windows. Thanh này nằm dọc phía dưới cùng của màn hình Windows, bao gồm các cửa sổ chương trình được thu nhỏ/ phóng to đang hoạt động của bạn, nút Start menu, khu vực tính năng hệ thống, các phím tắt được ghim và đồng hồ. Thanh taskbar cho phép bạn thực hiện đa nhiệm bằng cách chuyển đổi giữa các cửa sổ chương trình thu nhỏ.
Taskbar đã là một phần không thể thiếu của Windows trong gần 30 năm và trong khoảng thời gian đó, Microsoft đã thêm và xóa các tính năng khỏi taskbar. Đây là lịch sử của thanh taskbar Windows từ khi ra đời cho đến năm 2024.
Những ngày đầu của Windows: Trước khi có thanh taskbar
Tuy nhiên, Windows 1.0 và 2.0 đã bao gồm một thanh mà người dùng có thể thu nhỏ nhiều chương trình đang chạy bằng cách nhấp đúp vào thanh tiêu đề của chúng. Mỗi chương trình trên thanh đó có một biểu tượng để nhấp vào, hơi giống taskbar từ Windows 7 trở đi. Thanh đó có thể coi là tiền thân của thanh taskbar Windows.
Tuy nhiên, nó không bao gồm menu Start hoặc khu vực khay tính năng hệ thống và thậm chí không xuất hiện trong Windows 3.0. Trong phiên bản này, cửa sổ chương trình được thu nhỏ thẳng xuống hình nền máy tính.
Windows 95: Thanh taskbar ra đời
Daniel Oran, cựu nhà thiết kế giao diện của Microsoft, được ghi nhận là người đã phát minh ra thanh taskbar và menu Start vào năm 1993. Ông đề nghị Microsoft thêm nút menu Start vào Windows 95 để người dùng có thể truy cập nhanh từ thanh taskbar mới. Điều này sẽ giúp truy cập mọi thứ từ menu hệ thống trung tâm dễ dàng hơn.
Microsoft đã giới thiệu Windows 95 vào năm 1995 với buổi họp mặt ra mắt sử dụng bài hát "Start Me Up" của Rolling Stones, giới thiệu menu Start và thanh taskbar mới.
Thanh taskbar thực sự đầu tiên trong Windows 95 đã đặt nền móng cho tương lai với nút Start, khu vực khay tính năng hệ thống và một vị trí cho đồng hồ. Tuy nhiên, nó vẫn có phần khác biệt so với taskbar Windows 10 và 11 mà hầu hết người dùng quen thuộc ngày nay. Thanh taskbar của Windows 95 có màu xám và có các cửa sổ thu nhỏ hình chữ nhật với nhãn tiêu đề chương trình.
Phiên bản Windows 95 gốc không có khu vực Quick Launch. Tuy nhiên, khu vực này đã có trên các phiên bản sau đó của HĐH này. Đây là một khu vực trên thanh taskbar mà người dùng có thể thêm các phím tắt chương trình. Nó cũng bao gồm nút Show Desktop và biểu tượng Internet Explorer.
Một số phần mềm của bên thứ ba cho phép bạn khôi phục giao diện taskbar Windows 95 cổ điển trong Windows 11/10. Ví dụ: bạn có thể khôi phục thanh tác vụ Windows 95 và XP bằng ứng dụng RetroBar.
Windows XP: Thay đổi giao diện thanh taskbar
Microsoft đã mang đến cho Windows XP một phong cách giao diện mới và thiết kế lại thanh taskbar để phù hợp với giao diện này. Thanh taskbar của Windows XP có tông màu xanh dương mặc định với nút Start màu xanh lá cây, khác hẳn với các thanh màu xám của Windows 95, 98 và Millennium. Cửa sổ thanh taskbar được thu nhỏ cũng có nhiều góc bo tròn hơn để phù hợp với phần còn lại của thiết kế giao diện mới.
Thanh taskbar của Windows XP đánh dấu lần đầu tiên có các cửa sổ được nhóm lại. Tính năng này cho phép nhóm nhiều cửa sổ đang mở từ cùng một ứng dụng trên thanh taskbar. Người dùng có thể nhấp để xem các cửa sổ khác nhau từ cùng một cửa sổ ứng dụng trên thanh.
Windows Vista: Giới thiệu Windows Previews
Vista không phải là hệ điều hành được lòng người dùng khi phát hành năm 2007, chủ yếu là do quá nặng nề. Tuy nhiên, thanh taskbar của nó có một tính năng mới đáng hoan nghênh và vẫn là một phần của Windows kể từ đó. Hình thu nhỏ trên thanh taskbar mới của Vista cho phép người dùng xem nội dung của ứng dụng qua một cửa sổ nhỏ bằng cách di con trỏ lên biểu tượng trên thanh taskbar
Thanh taskbar của Windows Vista cũng là thanh đầu tiên có nút Start không kèm theo chữ. Thay vào đó, nó chỉ là một nút có logo Windows. Việc loại bỏ nhãn "Start" đã làm giảm độ rộng của nút và giải phóng thêm một chút không gian trên thanh taskbar
Windows 7: Một cuộc đại tu thanh taskbar khác từ Microsoft
Microsoft đã thực hiện một trong những cuộc đại tu lớn nhất trong lịch sử thanh taskbar trên Windows 7. Thay đổi đáng chú ý nhất là các ứng dụng được thu nhỏ trên thanh taskbar của Windows 7 không bao gồm nhãn tên nhưng người dùng vẫn có thể nhận dạng rõ ràng chúng bằng các biểu tượng mở rộng. Điều này làm giảm đáng kể độ rộng của cửa sổ ứng dụng trên thanh.
Lần đầu tiên, người dùng có thể ghim các phím tắt trên thanh taskbar trong Windows 7. Điều này thực sự khiến khu vực Quick Launch trở nên dư thừa, do đó Microsoft đã loại bỏ khỏi thanh. Ba phím tắt được ghim trên thanh taskbar là Windows Explorer, Media Player và Internet Explorer, đã lấp đầy khoảng trống của Quick Launch.
Thanh taskbar Windows 7 cũng giới thiệu tính năng Jump List mới. Tính năng này cho phép người dùng truy cập các tệp hoặc trang web đã mở gần đây của một ứng dụng được thu nhỏ xuống thanh taskbar từ menu Jump List của cửa sổ ứng dụng đó. Người dùng cũng có thể ghim tệp hoặc trang web vào Jump List để truy cập thường xuyên.
Microsoft cũng đã hoán đổi nút Show Desktop từ khu vực Quick Launch bằng nút Aero Peek ở ngoài cùng bên phải của thanh. Nhấp vào nút Aero Peek sẽ thu nhỏ tất cả các cửa sổ xuống thanh taskbar. Di con trỏ qua nút đó cho phép người dùng xem khu vực màn hình mà không thu nhỏ bất kỳ thứ gì.
Windows 8: Start menu bị loại khỏi taskbar
Taskbar không thay đổi nhiều trong Windows 8. Tuy nhiên, đây là thanh taskbar đầu tiên trong lịch sử Windows không có nút Start. Màn hình Start đã thay thế Start menu trong Windows 8. Vì vậy, nút Start trên thanh taskbar không còn cần thiết với giao diện này nữa.
Tuy nhiên, việc loại bỏ nút Start trên thanh taskbar nhìn chung không được lòng người dùng. Microsoft sau đó đã phát hành bản nâng cấp Windows 8.1 nhằm khôi phục nút Start trên thanh, nhưng nút này vẫn mở ra màn hình Start thay vì một menu nhỏ gọn. Tất cả đã khiến Windows 8 trở thành một trong những phiên bản Windows bị ghét nhất.
Windows 10: Giới thiệu các biểu tượng mới trên taskbar
Microsoft đã thêm các nút tính năng mới vào thanh taskbar của Windows 10. Trợ lý ảo Windows Cortana ban đầu được gắn với công cụ Windows Search. Tuy nhiên, Microsoft đã tách công cụ tìm kiếm khỏi Cortana trong các phiên bản Windows 10 sau này.
Do đó, thanh taskbar của Windows 10 đã trở thành thanh taskbar đầu tiên bao gồm nút tìm kiếm (hình kính lúp) để truy cập vào hộp tìm kiếm, nút này không có trong Start menu.
Chế độ xem tác vụ (Task View) là một tính năng Windows 10 đáng chú ý khác trên taskbar. Nhấp vào nút này sẽ hiển thị các phím tắt của tệp và trang web Edge từ dòng thời gian của Task View.
Windows 11: Thanh taskbar có vị trí mới
Microsoft phát hành Windows 11 vào năm 2021 và điều khác lạ đầu tiên mà hầu hết người dùng chú ý là vị trí thanh taskbar. Windows 11 lần đầu tiên mang đến taskbar ở giữa, làm cho thanh taskbar giống với thanh dock trên macOS.
Microsoft cũng đã thêm nút Widget mới vào thanh taskbar của Windows 11. Widgets Board là một trong những tính năng mới lớn nhất trong Windows 11, trên đó bạn có thể ghim thời tiết, thể thao, Game Pass, giao thông, giải trí và các tiện ích khác cung cấp thông tin và nội dung. Tính năng Widgets cũng hiển thị biểu tượng thời tiết và mô tả trên thanh taskbar.
Tuy nhiên, nhiều người dùng đã phàn nàn về những tính năng bị lược bỏ trên thanh taskbar của Windows 11. Ban đầu, Microsoft đã loại bỏ chức năng định vị lại và thay đổi kích thước của thanh taskbar trong Windows 11. Bạn cũng không thể ghim các biểu tượng vào thanh bằng cách kéo và thả chúng như trong Windows 10.
Menu chuột phải của taskbar đã được cắt giảm đáng kể, khiến nó không có nhiều tùy chọn có sẵn trước đây.
Windows sẽ thế nào nếu không có thanh taskbar?
Thật khó để tưởng tượng Windows sẽ như thế nào nếu không có thanh taskbar. Ở một số khía cạnh, taskbar thậm chí còn quan trọng hơn menu Start. Sự ra đời của thanh taskbar và menu Start vào năm 1995 đã thay đổi hệ điều hành Windows. Đây là tính năng đã giúp mang đến giao diện người dùng thân thiện, giúp Windows thật sự trở thành hệ điều hành gia đình và tạo ra một chỗ đứng vững vàng ngày nay, với hơn 70% thị phần hệ điều hành máy tính là Windows.
Theo: Tuấn Nguyễn (Đời sống & Pháp luật)