Kiểm tra màn hình, camera, tình trạng pin… là những việc bạn nên làm khi mua iPhone cũ để hạn chế bị lừa đảo, tiền mất tật mang.
Nếu không dư dả về tài chính, người dùng có thể chọn mua iPhone cũ (đã qua sử dụng) để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, giống như bất kỳ giao dịch nào, khi mua iPhone cũ, bạn cũng cần kiểm tra kỹ về ngoại hình, chức năng nghe gọi, camera, tình trạng pin… để đảm bảo bạn nhận được một sản phẩm chất lượng đúng với số tiền đã bỏ ra.
1. iPhone có bật được không?
Điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng một số người bán có thể lấy lý do iPhone hết pin nên không khởi động được để lừa gạt bạn. Do đó, bạn hãy thử cắm sạc và khởi động thiết bị xem nó có thật sự đúng là iPhone không hay chỉ là các dòng máy Android “nhái” được cài đặt giao diện iOS.
2. Kiểm tra Activation Lock
Thông thường, sau khi iPhone khởi động lại, bạn sẽ thấy màn hình khóa hiển thị thông báo mời chủ sở hữu nhập passcode (mật mã). Trong trường hợp thấy xuất hiện cửa sổ Activation Lock, bạn hãy yêu cầu người bán đăng nhập tài khoản để kích hoạt iPhone.
Sau đó, yêu cầu họ tắt tính năng Find my iPhone (Tìm iPhone) trong Settings (Cài đặt) > Tên tài khoản > Find my (Tìm). Nếu người bán không làm được, nhiều khả năng đây là iPhone ăn cắp và bạn không nên mua.
Ngoài ra, bạn cũng nên vào Settings (Cài đặt) > General (Cài đặt chung) > Reset and Transfer iPhone (Đặt lại và chuyển iPhone) > Reset (Đặt lại) > Erase All Content and Settings (Đặt lại tất cả nội dung và cài đặt).
3. Kiểm tra ngoại hình bên ngoài
Hầu hết những chiếc iPhone cũ đều sẽ bị trầy xước, ngay cả khi chúng được đặt trong ốp lưng. Do đó, khi mua bạn hãy gỡ ốp lưng khỏi Phone (nếu có), kiểm tra toàn bộ thiết bị xem có bất kỳ dấu hiệu hư hỏng nào không, bao gồm cả vết trầy xước và vết nứt nhỏ xung quanh mép màn hình.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên đặt iPhone nằm lên mặt bàn để kiểm tra pin có bị phồng không, khung máy có bị cong không… cũng như kiểm tra cụm camera có trầy xước không. Nếu thấy xuất hiện nhiều vết lõm trên khung máy, nhiều khả năng iPhone đã bị va đập hoặc rơi rớt và dễ bị hư hỏng các bộ phận bên trong.
4. Kiểm tra tình trạng pin
Pin lithium-ion sẽ xuống cấp theo thời gian bất kể bạn sử dụng như thế nào. Để kiểm tra tình trạng pin iPhone, bạn hãy vào Settings (cài đặt) > Battery (pin) > Battery health (tình trạng pin) để kiểm tra hai số liệu quan trọng: Maximum capacity (dung lượng tối đa) và Performance capability (Dung lượng hiệu năng đỉnh).
Nếu mục Maximum capacity (Dung lượng tối đa) còn dưới 80%, bạn hãy thương lượng với người bán giảm bớt tiền để thay pin mới. Bởi lẽ khi tình trạng pin bị giảm sút, iPhone sẽ bắt đầu chạy chậm hoặc không phản hồi lại các thao tác của người dùng.
5. Kiểm tra xem có bộ phận nào được thay thế hoặc tân trang lại không?
Bạn có thể kiểm tra iPhone sắp mua có phải là máy tân trang hay không bằng cách vào Settings (Cài đặt) > General (Cài đặt chung) > About (Giới thiệu) > Model number (Số máy). Nếu con số này bắt đầu bằng chữ F thì đó là sản phẩm được Apple hoặc nhà mạng tân trang lại, việc này cũng không hẳn là xấu mà chỉ nhằm mục đích biết được nguồn gốc của sản phẩm.
Nếu người bán quảng cáo rằng pin đã được thay thế gần đây, bạn có thể kiểm tra lịch sử thay thế xem có phải là hàng chính hãng hay không bằng cách vào Settings (Cài đặt) > General (Cài đặt chung) > About (Giới thiệu), tìm mục Parts and service history (Lịch sử dịch vụ và linh kiện iPhone). Lưu ý, tính năng này chỉ có sẵn từ phiên bản iOS 15.2 trở lên.
Trên iPhone đang chạy iOS 15.2 trở lên, các bộ phận đã được thay thế sẽ được liệt kê là Genuine Apple Part (Linh kiện Apple chính hãng) hoặc Unkown Part (Linh kiện không xác định).
6. Hiệu suất
Hãy sử dụng iPhone một chút và xem nó hoạt động như thế nào. Một số thử nghiệm đơn giản mà bạn có thể thực hiện bao gồm lướt web bằng Safari, tìm kiếm ứng dụng bằng Spotlight, mở App Store và tìm kiếm ứng dụng, thu phóng và di chuyển trên ứng dụng Maps tích hợp…
7. Kiểm tra màn hình, camera và các chức năng
Bạn có thể dễ dàng kiểm tra micro bằng cách ghi âm nội dung nào đó bằng ứng dụng Voice Memos tích hợp sẵn của Apple. Kiểm tra loa bằng cách phát lại bản ghi âm, xem trước nhạc chuông trong Settings (Cài đặt) - Sounds & Haptics (Âm thanh và cảm ứng).
Cuối cùng, kiểm tra camera trước và sau, bao gồm cả camera siêu rộng và tele (nếu có). Trong điều kiện ánh sáng tốt, hình ảnh phải tương đối rõ ràng và không bị nhiễu hạt.
Khi mua đồ trực tiếp, bạn nên đặt sự an toàn của bản thân lên hàng đầu. Do đó, hãy hẹn gặp người bán ở những nơi công cộng như quán cà phê hoặc trung tâm mua sắm và cân nhắc việc đưa ai đó đi cùng. Tránh mang theo số lượng lớn tiền mặt, thay vào đó hãy cân nhắc thanh toán thông qua ứng dụng ngân hàng.
Tất nhiên, bạn cũng nên tránh gặp mặt giao dịch vào ban đêm, hoặc ở những nơi vắng vẻ như bãi đậu xe. Giá quá rẻ hoặc người bán không cho phép kiểm tra món hàng trước thì nhiều khả năng đây là lừa đảo.
Lưu ý, bạn không nhất thiết phải mua iPhone cũ để tiết kiệm tiền. Có khá nhiều cách để bạn có thể tiết kiệm tiền mà vẫn có được một thiết bị mới hoặc "như mới". Một trong những cách tốt nhất để làm điều này là mua iPhone tân trang trực tiếp từ Apple.
Theo: Kỷ Nguyên Số